Thị trường bảo hiểm nhân thọ, cơ hội nào cho người đến sau?
Kỳ vọng vào thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, nhiều hãng bảo hiểm, tài chính nước ngoài ngày càng gia tăng sự hiện diện. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Kenneth Shih, Phó chủ tịch Công ty Bảo hiểm nhân thọ Fubon thuộc Tập đoàn tài chính bảo hiểm Fubon của Đài Loan.
Tập đoàn này vừa được Bộ Tài chính cấp phép thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ.
Ông nhìn thấy điều gì phía sau con số 5% người dân Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ?
Chúng tôi nhận thấy cơ hội rất lớn tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, thu nhập bình quân trên đầu người tại Việt Nam đã tăng rất nhanh, đạt 1.056 USD. Trong 9 tháng đầu năm 2010, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đạt 9.767 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2009. Đến cuối tháng 9/2010, tổng số hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực đạt hơn 4,143 triệu hợp đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ mua bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 5%, thể hiện tiềm năng rất lớn của một thị trường bảo hiểm đang phát triển.
Theo đánh giá của chúng tôi, thì trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm nữa, con số trên sẽ tăng lên 30 - 40%. Do đó, cơ hội chia đều cho tất cả các DN bảo hiểm nhân thọ tham gia thị trường, chứ không phân biệt DN đến trước hay đến sau. Điều này do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng lên, thu nhập của người dân được cải thiện và đặc biệt là nhận thức của người dân về sản phẩm bảo hiểm có sự thay đổi.
Ông vừa nói đến nhận thức của người dân về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đây có phải là trở ngại lớn nhất đối với các DN bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng?
Việt Nam hiện nay giống như Đài Loan cách đây 15 năm, người dân khá xa lạ với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, sau một thời gian thâm nhập thị trường, chúng tôi đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân. Hiện nay, cứ 1 người dân Đài Loan thì có 2,5 hợp đồng bảo hiểm, chiếm 250%, trong khi Việt Nam chỉ là 5%.
Để thay đổi thói quen tiêu dùng thì một DN không thay đổi được. Tại Đài Loan có thành lập Hiệp hội Đại lý bán hàng bảo hiểm để trao đổi kinh nghiệm, hình thành những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, từ đó xây dựng hình ảnh bảo hiểm nhân thọ có uy tín trong mắt người dân. Tại Việt Nam, tôi nghĩ chỉ vài năm nữa, người dân sẽ tích cực tham gia bảo hiểm nhân thọ, khi nhận thức của họ thay đổi.
Sự hiện diện của nhiều DN có làm gia tăng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm, thưa ông?
Đến Hà Nội, tôi đã thăm các phố cổ như Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Đồng… Ở đó, các gia đình kinh doanh mặt hàng giống nhau và thu hút rất đông khách hàng đến đó mua bán. Tôi nghĩ, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng vậy. Chúng tôi xác định không cạnh tranh trực tiếp với một DN nào đã có mặt tại Việt Nam, mà là hợp tác cùng khai thác một thị trường hết sức tiềm năng. Sự hiện diện của các DN bảo hiểm nhân thọ sẽ làm cho người dân hiểu biết thêm về lĩnh vực bảo hiểm này và điều đó cũng giống như các phố nghề tại Hà Nội, càng thu hút khách hàng đến mua bán đông hơn.
Người Việt Nam có câu "trâu chậm uống nước đục". Xin ông cho biết, Fubon sẽ làm gì để bắt kịp các DN bảo hiểm nhân thọ đã làm ăn khá lâu tại Việt Nam?
Trước khi thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, chúng tôi đã thu được không ít thành công khi tham gia lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và ngân hàng tại Việt Nam. Với bảo hiểm nhân thọ, chúng tôi định hướng ba giai đoạn phát triển xây dựng - vận hành - chuyển giao. Về lâu dài, công ty của chúng tôi sẽ do người Việt Nam quản lý (nhân sự chiếm 99%).
Chúng tôi xác định, sản phẩm bảo hiểm là quan trọng, nhưng nhân lực mới là yếu tố quyết định. Các chuyên gia cao cấp của Bảo hiểm nhân thọ Fubon sẽ sang Việt Nam để đào tạo nhân lực ở các cấp độ, đặc biệt là độ ngũ bán hàng. Đội ngũ chuyên gia sẽ chia thành ngắn hạn (6 tháng) và dài hạn (một đến vài năm) để chuyển giao nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cho Công ty tại Việt Nam.
Đông Hải
Đầu tư chứng khoán
|