Thứ Ba, 14/12/2010 11:22

“Chây lỳ” nợ bảo hiểm

Nhiều doanh nghiệp Hải Phòng tìm cách trốn nộp BHXH để… tăng lợi nhuận, với phương thức chủ yếu là không khai báo 10-50% số lao động làm việc.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội TP. Hải Phòng, tính đến ngày 31/10/2010, trên toàn Thành phố có 652 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền 150,244 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến, xây dựng, sản xuất thép, đóng tàu, vận tải… được xếp vào nhóm “chây lỳ”, với số tiền nợ BHXH lớn, thời gian kéo dài.

Ngoại trừ các thành viên Vinashin nợ BHXH vì khủng hoảng, còn đa phần doanh nghiệp tránh nộp BHXH để… tăng lợi nhuận, với phương thức chủ yếu là không khai báo từ 10% đến 50% số lao động làm việc trong doanh nghiệp. Qua thanh tra, đoàn kiểm tra của Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng đã phát hiện Công ty TNHH Đỉnh Vàng có 7.708 lao động, nhưng chỉ đóng bảo hiểm cho 3.228 người, trốn đóng bảo hiểm cho 1.399 người. Ước tính, chỉ trong 6 tháng trốn BHXH, công ty này có thể “tiết kiệm” được 5,86 tỷ đồng.

Không ký được đơn hàng mới, ít việc làm, không tiêu thụ được sản phẩm, các chủ tàu hủy hợp đồng đóng mới hoặc ép doanh nghiệp giảm giá, công trình xây dựng đã hoàn thành nhưng bên B chưa thanh toán tiền…, đó là hàng loạt lý do được các doanh nghiệp viện dẫn để xin khất BHXH.

Trong các tháng 7 và 8/2010, Bảo hiểm Xã hội Hải Phòng đã gửi công văn yêu cầu 112 doanh nghiệp nợ đọng BHXH tiến hành trả nợ, nếu không sẽ khởi kiện. Kết quả là, trong tháng 10/2010, các doanh nghiệp đã trả được 42/135 tỷ đồng nợ BHXH. Tháng 11, Bảo hiểm Xã hội Hải Phòng tiếp tục gửi công văn lần 2 tới 49 doanh nghiệp vẫn trây lỳ và 40% trong số đó có phản hồi xin khất nợ.

Rõ ràng động thái quyết liệt của cơ quan BHXH đã phát huy tác dụng. Do vậy, trong tháng 12, Tổ công tác Liên ngành do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng và BHXH, Liên đoàn Lao động Thành phố, các ban, ngành chức năng khác… tiếp tục tiến hành kiểm tra, đôn đốc, thu nợ tại 26 doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Nếu các doanh nghiệp cố tình “trây lỳ”, Tổ công tác sẽ xử phạt và đưa doanh nghiệp vào danh sách đề nghị không xét khen thưởng thi đua năm 2010.

Có thể nhận thấy, cách xử lý như trên còn quá nhẹ để buộc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH phải trả nợ. Theo Nghị định 86/2010/NĐ-CP, mức xử phạt tối đa đối với vi phạm không đóng BHXH bắt buộc cho từ 501 người trở lên chỉ là 30 triệu đồng. Ngoài ra, nếu chậm đóng BHXH bắt buộc, doanh nghiệp phải nộp khoản lãi suất chậm trả là 8,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay phổ biến hiện là 17-19%/năm. Như vậy, chưa tính đến lợi nhuận thu được từ khoản tiền BHXH chậm đóng để quay vòng sản xuất, thì doanh nghiệp đã hưởng lợi khoản chênh lệch lãi suất lên tới 10%.

Thu Hằng

đầu tư

Các tin tức khác

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài (08/12/2010)

>   Đau đầu với đại lý bảo hiểm (06/12/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: “Chuông kêu xứ người”! (02/12/2010)

>   Sửa luật, có “kích” được thị trường bảo hiểm? (01/12/2010)

>   Nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (30/11/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Cạnh tranh đã đến mức báo động (29/11/2010)

>   Bảo Việt hợp tác với Ngân hàng Shinsei (25/11/2010)

>   Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: “Ngấm đòn” suy thoái? (25/11/2010)

>   Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc, khi nào cần? (24/11/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ “tung hàng” dịp cuối năm  (20/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật