Thứ Hai, 24/10/2011 17:33

Doanh nghiệp lơ bảo hiểm tỷ giá, vì sao?

Thị trường ngoại hối đang đối mặt với đợt tỷ giá USD/VND lên cao nhất trong năm. Trong vòng 15 ngày trở lại đây, ngân hàng Nhà nước đã mười lần điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng, với tổng mức tăng 110 đồng, tương đương 0,53%. Tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do chênh lệch hơn 700 đồng/USD và tỷ giá liên ngân hàng còn cao hơn.

Eximbank là một trong những ngân hàng đang cung cấp dịch vụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp.

Vào thời điểm biến động mạnh như vậy, những doanh nghiệp đã vay USD đánh cược với tỷ giá đành “buông tay” chấp nhận rủi ro biến động tỷ giá.

70% doanh nghiệp không bảo hiểm tỷ giá

“Năm năm nay vẫn không có gì thay đổi”, ông Phạm Hồng Hải, giám đốc tiền tệ và thị trường vốn của ngân hàng HSBC Việt Nam nhận xét khi nói về thị trường các sản phẩm phái sinh trong nước. Ông cho biết, trong ba năm trở lại đây, thị trường lãi suất và tỷ giá USD/VND biến động mạnh, số lượng doanh nghiệp đi bảo hiểm rủi ro tỷ giá, dù tăng trưởng 300 – 400% so với đầu năm, nhưng số tuyệt đối doanh nghiệp này còn rất ít ỏi.

Theo ông, có đến 60 – 70% khách hàng doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến thanh toán quốc tế không làm gì trước biến động tỷ giá, họ chấp nhận mua ngoại tệ theo giá thị trường vào thời điểm thanh toán. Khoảng 20% công ty tuỳ thời điểm biến động mà quyết định bảo hiểm hay không. Và họ cũng chỉ phòng rủi ro biến động cho kỳ trả nợ gần nhất, còn những kỳ tới thì “hạ hồi phân giải”. Số 10% còn lại là những công ty nước ngoài có chính sách phòng chống rủi ro xuyên suốt hoạt động của họ, quy định rõ khi ký hợp đồng xuất nhập khẩu phải có tỷ lệ phòng chống rủi ro từ 50 – 100% hợp đồng.

Quyền chọn mua ngoại tệ: là một hợp đồng theo đó người mua option (doanh nghiệp) có quyền (chứ không phải nghĩa vụ) mua hoặc bán một số lượng ngoại tệ cụ thể với một tỷ giá đã được ấn định tại thời điểm giao dịch trong một thời hạn cụ thể trong tương lai sau khi đã trả một khoản phí cho người bán option (ngân hàng). Có hai quyền chọn căn bản là quyền chọn mua và quyền chọn bán.

Hoán đổi lãi suất: là hợp đồng trong đó người mua chuyển đổi từ lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định để tránh rủi ro tăng lãi suất, hoặc chuyển từ cố định sang thả nổi khi dự đoán lãi suất có xu hướng tăng.

Hoán đổi tiền tệ: là một hợp đồng đồng thời mua và bán cùng một lượng ngoại tệ giữa hai bên, sau một thời gian nhất định, số tiền đó sẽ được hoán đổi ngược trở lại như ban đầu.

Hiện các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm hoán đổi tiền tệ (currency swap) nhiều nhất. Sản phẩm quyền chọn ngoại tệ (option) thì đã bị cấm hai – ba năm nay. Trong khi đó, sản phẩm hoán đổi lãi suất (IRS) đã bị ngưng từ lâu. Lý do là, các ngân hàng thương mại cần một chuẩn lãi suất ngắn hạn để áp dụng khi hoán đổi. Thông thường, trước đây ngân hàng dựa vào Vni-bor (mức lãi suất tính bình quân do 12 ngân hàng cung cấp mức lãi suất hoạt động thực tế của họ). Song hơn ba năm nay, ngân hàng lại vướng trần quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150%. Hơn nữa, mức lãi suất tiết kiệm mà các ngân hàng báo cáo đều nằm ở 14%/năm theo quy định của ngân hàng Nhà nước, mặc dù họ huy động với mức lãi suất cao hơn. Chính điều này khiến thị trường không nắm được mức lãi suất thực để làm chuẩn và tham chiếu, IRS đành bị lãng quên.

Vì sao?

“Công việc của doanh nghiệp không phải là kinh doanh tiền tệ, lãi suất, nhưng họ vẫn đánh cược với tỷ giá. Đó là tâm lý phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Huỳnh Bửu Quang, giám đốc khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp của HSBC, nói. Theo ông, tâm lý này xuất hiện bởi trong quá khứ, ngân hàng Nhà nước có chính sách quản lý khá chặt chẽ, như một cách “bao cấp” cho tỷ giá, khiến doanh nghiệp ỷ lại và lao vào đầu cơ khi có cơ hội. Đến nay, khi thị trường đối mặt với biến động tỷ giá mạnh, nhiều doanh nghiệp đành phải mua với giá cao, và chịu lỗ. “Tôi thuyết phục doanh nghiệp lần đầu, họ không mua, họ lỗ. Lần hai họ lỗ, đến lần thứ ba họ mới chịu mua”, ông Hải kể về những trường hợp ông tư vấn.

Theo ông, phần lớn doanh nghiệp nhà nước hầu như không mua công cụ phòng chống rủi ro. “Họ bị cảnh cáo về việc làm thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng không phòng chống rủi ro cho những đồng tiền được Nhà nước giao cũng là một cách làm thất thoát”, ông nói.

Một lý do khác khiến doanh nghiệp không muốn mua sản phẩm phái sinh, theo họ, là phí quá cao. Ông Hải cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp không mua ngay tại thời điểm ký hợp đồng, mà chỉ chờ tới thời điểm nợ đáo hạn mới mua, vào lúc đó, có thể là cao điểm cầu mua khiến giá ngoại tệ tăng, dĩ nhiên phí rủi ro cũng sẽ tăng cao theo. “Phí đã cao, vào lúc cao điểm họ muốn mua lại càng đắt đỏ, nên họ càng không muốn mua”, ông cho hay.

Hồng Sương

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Chính sách bảo hiểm tiền gửi "năm cần", "ba có" (24/10/2011)

>   Nhận diện các chiêu trục lợi bảo hiểm xe cơ giới (22/10/2011)

>   Vietinbank lập công ty bảo hiểm nhân thọ (19/10/2011)

>   Nở rộ bảo hiểm liên kết chung (18/10/2011)

>   Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bằng đồng nội tệ (11/10/2011)

>   Bảo hiểm nhân thọ vẫn vững đà tiến (05/10/2011)

>   Mây mù trên thị trường bảo hiểm (04/10/2011)

>   Tái bảo hiểm, miếng ngon không dễ "xơi"! (03/10/2011)

>   Bảo hiểm nhân thọ nỗ lực kích cầu (28/09/2011)

>   Đau đầu vì đại lý bảo hiểm rởm (26/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật