Bảo hiểm tiền gửi nên độc lập với NHNN
|
Ông Phùng Quốc Hiển |
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cơ quan bảo hiểm tiền gửi không nên trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thưa ông, Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, cơ quan Bảo hiểm tiền gửi trực thuộc NHNN, ý kiến của ông thế nào?
Tôi rất e ngại nếu bảo hiểm tiền gửi trực thuộc NHNN, vì khi đó, công tác thanh tra, giám sát sẽ giảm hiệu quả. Điều này giống như ngân hàng thương mại trực thuộc các tập đoàn kinh tế, rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi cho rằng, cơ quan bảo hiểm tiền gửi phải là tổ chức độc lập.
Nguồn phí bảo hiểm nếu bị bảo hiểm tiền gửi đầu tư không đúng chỗ sẽ gây rủi ro cho cả hệ thống. Vậy theo ông, những quy định trong dự thảo hiện nay đã đủ đảm bảo an toàn?
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi được phép thu phí, được sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư, nhưng chỉ được đầu tư vào 3 lĩnh vực: mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu của NHNN, gửi tiền vào NHNN, chứ không được gửi tiền hoặc mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại. Điều này là hợp lý, vì nếu cho bảo hiểm tiền gửi gửi tiền hoặc mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại hoặc các DN khác, thì khi các tổ chức này đổ vỡ, sẽ gây rủi ro cả hệ thống. Tuy nhiên, cũng cần xem lại quy định về đầu tư của bảo hiểm tiền gửi. Dù luật quy định, bảo hiểm tiền gửi không phải là tổ chức hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng liệu với mức phí bảo hiểm hiện nay, khi một số ngân hàng “vỡ trận”, nguồn phí này có đủ để xử lý không? Vì vậy, siết chặt đầu tư để đảm bảo an toàn vốn là đúng, nhưng cũng cần rà soát, cân nhắc để đầu tư có hiệu quả.
Ông có cho rằng, nên xã hội hóa các tổ chức bảo hiểm tiền gửi?
Bảo hiểm tiền gửi là mô hình mới ở Việt Nam nên trước mắt, chỉ nên chấp nhận là định chế tài chính của Nhà nước như Dự luật quy định, chưa nên để các tổ chức khác tham gia, vì kinh nghiệm của ta về vấn đề này chưa nhiều và đây là hoạt động nhạy cảm. Nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới hậu quả xấu. Thứ hai, cũng chỉ nên chấp nhận bảo hiểm tiền gửi cá nhân, chưa chấp nhận bảo hiểm tiền gửi của tổ chức để đảm bảo có thể xử lý được tình huống khi có đổ vỡ ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đó xảy ra.
Vấn đề chỉ bảo hiểm tiền Việt (VND) hay cả ngoại tệ, vàng đang được các đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi. Quan điểm của ông như thế nào?
Có ý kiến cho rằng, chỉ bảo hiểm VND để chống đô la hóa, vàng hóa. Nhưng theo tôi, quan điểm này chỉ đúng một phần. Bảo hiểm tiền gửi với vàng, USD cũng là một biện pháp để chống vàng hóa, đô la hóa. Bởi thực tế, một lượng lớn ngoại tệ, vàng đang nằm trong dân, tạo nền kinh tế ngầm khiến chúng ta không thể quản lý được. Vì vậy, biện pháp tốt nhất để chống đô la hóa, vàng hóa là phải thu hút số tiền này trong dân vào các ngân hàng, từ đó có thể kiểm soát được dòng chảy của vàng, USD, tránh bị mua bán bởi các tổ chức kinh doanh trái phép. Tất nhiên, sau khi hút vàng, ngoại tệ vào ngân hàng thì NHNN phải có biện pháp xử lý khác.
Nhưng thưa ông, một số nước không bảo hiểm tiền gửi với ngoại tệ, vàng?
Đúng, nhưng ở một số nước, như Trung Quốc , vàng và ngoại tệ được quản lý rất chặt, không có thị trường tự do như ở Việt Nam. Vì vậy, Luật cũng phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Thùy Liên
đầu tư
|