Thứ Năm, 03/11/2011 16:51

Bảo hiểm tiền gửi: nhận 50 triệu đồng thì chỉ là “an ủi”!

Gửi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nhưng nếu chẳng may ngân hàng gặp rủi ro, chỉ nhận được 50 triệu đồng thì gần như bảo hiểm cũng không có ý nghĩa gì.

Quan điểm trên được nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ tại buổi thảo luận tổ cho dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi, sáng 3/11.

Trước đó, sau khi Chính phủ trình dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi lên Quốc hội, có hai nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp là loại tiền gửi và đối tượng áp dụng cũng như mức phí bảo hiểm tiền gửi. Trong phần thảo luận sáng nay, khá nhiều điểm được cho là “chưa hợp lý” của dự thảo luật đã được các đại biểu tiếp tục phân tích, làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, quy định của dự thảo luật là chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân nhỏ lẻ và hạn chế ở một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức là chưa hợp lý. Bởi lẽ, hiện trong nền kinh tế, một số doanh nghiệp cũng không khác nhau về loại hình. Nếu hạn chế thì ông chủ doanh nghiệp sẽ rút tiền ra rồi đứng tên cá nhân gửi thì cũng như nhau.

Do đó, theo đại biểu Sơn, luật khi ban hành chỉ nên hạn chế bảo hiểm cho những nguồn vốn từ ngân sách, của doanh nghiệp nhà nước...

Liên quan đến loại tiền gửi, đại biểu Sơn cũng lưu ý, hiện chúng ta đang kêu gọi tiền gửi của người dân, nếu hạn chế loại tiền (chỉ bảo hiểm cho tiền gửi là đồng nội tệ) sẽ không phát huy được dân gửi ngoại tệ, vàng...

Góp ý cho nội dung này, một đại biểu của đoàn Hà Nội cũng cho rằng, “chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ là không hợp lý, cần xem lại điều này. Khi nào luật pháp còn cho phép gửi mọi đồng tiền thì không có lý do gì không bảo vệ cho người gửi tiền”.

Theo đại biểu này, hạn chế ngoại tệ thì chỉ nên không chi trả tiền gửi bằng ngoại tệ, còn nhận bảo hiểm thì vẫn nên áp dụng với ngoại tê, đồng thời khi chi trả bảo hiểm sẽ trả bằng nội tệ.

Liên quan đến ý nghĩa của bảo hiểm tiền gửi cũng như đối tượng, mức trần khi chi trả cho người bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) cho rằng, thực tế trong thời gian qua, hầu hết chưa ai nhận được bảo hiểm vì chưa có ngân hàng nào phá sản cả.

Trong khi đó, với quy định chỉ chi trả tối đa 50 triệu đồng cho mọi đối tượng, mọi mức tiền gửi là quá nhỏ, bởi hiện nay ở nhiều nước châu Âu mức bảo hiểm là 50.000 Euro, ở Hàn Quốc cũng là 200.000 USD...

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Chủ tịch Ngân hàng Viettinbank) cho rằng, nếu chỉ quy định mức trần 50 triệu đồng, thì vô tình đã cào bằng quyền lợi của người gửi nhiều cũng như người gửi ít. Trong khi đó, nhiều người gửi tiền hiện nay không hiểu được điều này nên cứ an tâm gửi, nhưng sau đó nếu chẳng may rủi ro thì họ sẽ không biết bấu víu vào đâu.

Bình luận về những điểm được cho là chưa hợp lý của dự thảo luật, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, phân vân “nếu quy định mức trần bảo hiểm chỉ là 50 triệu đồng thì chỉ là số tiền an ủi, không đáng kể. Trong khi đó, mục tiêu mà dự thảo luật đưa ra là nhằm mục đích an toàn cho hệ thống ngân hàng. Do đó, mục đích đặt ra rất lớn, nhưng mọi cái tiếp đó lại không tương xứng từ quy định về đối tượng, mức phí...”.

“Luật nếu ban hành với những quy định như thế thì sẽ không ôm được cái lớn, không thu hút những đơn vị sản xuất kinh doanh lớn mà chỉ lo những cá nhân thì bất hợp lý. Như vậy là mục đích và biện pháp không tương xứng”, ông Phạm Quang Nghị nói tiếp.

Liên quan đến loại tiền gửi được bảo hiểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị nên bảo hiểm cho tất cả các đồng tiền, chỉ khác nhau ở mức phí. Nếu gửi ngoại tệ thì phí thấp, nội tệ cao hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Quang Nghị cũng băn khoăn một số điểm chưa được “hợp lý” của dự thảo luật, trong đó nổi lên là việc đặt ra nhiều mục tiêu quá cao. “Thử hỏi đến khi nào trên đất nước ta chỉ có sử dụng mỗi tiền Việt. Do đó, dự luật đặt ra nhiều quy định với lời giải thích là nhằm mục tiêu là hướng tới chỉ sử dụng đồng tiền Việt trên lãnh thổ Việt Nam là quá xa vời”.

Thậm chí, có đại biểu nêu ý kiến, luật này cần nhưng không đúng lúc, vì đến nay chưa có ngân hàng nào đổ vỡ do có nhà nước đỡ, nhưng vì làm luật phải nghĩ đến tương lai nên mới phải ban hành.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) chia sẻ quan sát của mình, cứ sau khủng hoảng tài chính thì luật bảo hiểm tiền gửi xuất hiện. Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam dù đã ra đời khá lâu, song người dân lại ngộ nhận rằng, đã gửi tiền gửi là được nhà nước “bảo kê” hết.

“Đã nhiều lần tôi đề nghị cơ quan bảo hiểm tiền gửi nên lên tiếng là bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm 50 triệu đồng thôi. Nhưng nếu thông báo thì không khéo thì dân rút hết tiền. Hiện nay ngân hàng lời nhiều, lỗ thì dân và nhà nước chịu”, đại biểu Ngân phát biểu.

Một số đại biểu khác cho rằng, hiện ngoại tệ, kiều hối ở Việt Nam đang khá nhiều và có xu hướng tăng lên. Do đó, nếu không nhận bảo hiểm ngoại tệ e rằng sau khi luật ra đời, tiền gửi sẽ giảm sút.

Từ Nguyên

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Chỉ cá nhân gửi tiền mới được bảo hiểm? (02/11/2011)

>   Bảo hiểm “bắt tay” làm giá: Thị phần nhỏ, khó xử lý (01/11/2011)

>   Hà Nội kiện họ nhà Cavico vì nợ BHXH  (26/10/2011)

>   Quản lý rủi ro đại lý bảo hiểm nhân thọ: Không dễ (24/10/2011)

>   Doanh nghiệp lơ bảo hiểm tỷ giá, vì sao? (24/10/2011)

>   Chính sách bảo hiểm tiền gửi "năm cần", "ba có" (24/10/2011)

>   Nhận diện các chiêu trục lợi bảo hiểm xe cơ giới (22/10/2011)

>   Vietinbank lập công ty bảo hiểm nhân thọ (19/10/2011)

>   Nở rộ bảo hiểm liên kết chung (18/10/2011)

>   Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bằng đồng nội tệ (11/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật