Bảo hiểm tiền gửi và tiêu chí số đông
Tại Mỹ, không chỉ tiền gửi tiết kiệm mới được bảo hiểm mà còn có các loại khác như tiền gửi thanh toán, chứng chỉ tiền gửi...
Thông thường tiền gửi thuộc các loại hình sở hữu tài khoản khác nhau cũng sẽ được bảo hiểm riêng biệt. Nhưng với điều kiện đáp ứng các yêu cầu của công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ. Các loại hình sở hữu tài khoản như tài khoản sở hữu riêng lẻ, tài khoản đồng sở hữu, một số loại tài khoản hưu trí, tài khoản doanh nghiệp, tài khoản chính phủ…
Theo các chuyên gia, mức bảo hiểm tiền gửi ở mỗi nước thường khác nhau nhưng đều dựa trên tiêu chí số đông. Vì thế, không chỉ ở Việt Nam mà mức bảo hiểm tiền gửi của Mỹ cũng không nhiều. Năm 1934, bảo hiểm tiền gửi của Mỹ chỉ có 2.500 USD, đến năm 1935 được nâng lên 5.000 USD.
Theo TS Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank (EIB), ở Việt Nam số lượng người gửi tiền hàng tỉ đồng thì không nhiều mà số người gửi thấp lại chiếm đa số. Vì thế bảo hiểm tiền gửi mới quy định ở mức 50 triệu đồng. Tiền bảo hiểm cũng như mục đích của các chính sách là nhằm để phục vụ số đông.
Ông Phước cho hay trước đây mức bảo hiểm tiền gửi ở Mỹ cũng rất thấp chỉ vài ngàn USD mà thôi. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 1980 mức bảo hiểm là 100.000 USD. Chỉ mới cách đây vài năm, họ mới nâng lên 250.000 USD.
Đạo luật Cải cách Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ năm 2005 quy định ủy ban của Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ và Hội Liên hiệp Tín dụng Quốc gia sẽ xem xét lại tỉ lệ lạm phát và các yếu tố để có điều chỉnh thích hợp đối với mức bảo hiểm tiền gửi. Nếu cần thiết, sẽ theo một công thức cụ thể được quy định.
Yên Trang
Pháp luật TPHCM
|