“Miếng bánh” thị trường bảo hiểm Việt Nam còn đủ lớn
“Trước chúng tôi, ở Việt Nam đã có nhiều hãng bảo hiểm tên tuổi trên thế giới, nhưng chúng tôi cho rằng, miếng bánh tại thị trường Việt Nam vẫn còn đủ lớn. Cuộc chơi dành cho nhiều người, nhưng người biết cách chơi mới là yếu tố quan trọng...”
Đó là khẳng định của ông Christopher Teo, TGĐ Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinAviva tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, hàng loạt các thương vụ đầu tư đã được các tổ chức nước ngoài thực hiện tại Việt Nam. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đã được những nhà đầu tư bỏ ra khi góp vốn hay nâng mức nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng của Việt Nam. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang toan tính điều gì? Đằng sau sự mạnh tay dốc vốn, đổ tiền vào thị trường Việt Nam thì điều mà họ trông chờ cũng như mong muốn nhận được sẽ như thế nào?.
Dù mỗi tổ chức nước ngoài khi đầu tư đều có những chiến lược riêng, nhưng tựu chung lại, nếu mức sinh lời ở Việt Nam không hấp dẫn, thì chắc chắn sẽ khó thu hút được đồng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Hơn 567 triệu USD đã được ngân hàng Mizhouho (Nhật Bản) bỏ ra để sở hữu 15% vốn của Vietcombank. Aviva (Hãng bảo hiểm lớn nhất của Anh quốc) cũng vừa bỏ 400 tỷ đồng để cùng Vietinbank thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam. Dù mới lên niêm yết được vài ngày, nhưng hàng triệu cổ phiếu của ngân hàng Quân đội đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hàng triệu cổ phiếu. Common wealth of Australia (CBA) - một trong những Ngân hàng lớn nhất của Úc cũng vừa bỏ hơn 1.100 tỷ đồng để sở hữu thêm 5% vốn tại Ngân hàng Quốc tế VIB.
Mizhouho, Aviva hay CBA, đều là những định chế tài chính lớn trên thế giới, có hàng trăm năm kinh nghiệm nên việc bỏ vốn vào Việt Nam là điều đã được toan tính kĩ.
Ông Wayne Hoy, Đại diện ngân hàng Common wealth of Australia, tổ chức đã mua 20% vốn của VIB đánh giá: “Với hai lần góp vốn, CBA đã đầu tư một khoản tiền lên tới 200 triệu USD vào VIB. Thực ra, CBA đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư ở Trung Quốc, Indonesia hay Nhật Bản… Kinh nghiệm và tính toán của chúng tôi cho thấy rằng, các số liệu về lợi nhuận hay tỉ suất sinh lời không phải là một con số cứng nhắc mà tiềm năng tăng trưởng của đối tác mới là điều quyết định. Bởi thế, ở Việt Nam, chúng tôi đã quyết định đầu tư vào VIB và trông đợi vào kết quả hợp tác trong 3-5 năm nữa. Khi đó, kết quả mà chúng tôi dự đoán và hi vọng là sẽ rất khả quan so với hiện tại”.
Rất khả quan cũng có nghĩa là cái mà CBA trông đợi sẽ nhiều hơn số vốn 200 triệu USD đã bỏ ra. Bởi vậy, cái giá 46.000 đồng/CP mà CBA mua của VIB hiện tại sẽ là rẻ so với sự hấp dẫn về dài hạn mà họ sẽ gặt hái được trong tương lai.
Theo quan điểm của bà Dương Thị Hoa, TGĐ Ngân hàng Quốc tế VIB: “Tiềm năng phát triển của thị trường là yếu tố không thể thiếu trong mô hình định giá của bất cứ tổ chức nào". Bà nhấn mạnh: "CBA cũng đưa yếu tố này vào khi định giá VIB. Cụ thể là thị trường ngân hàngViệt Nam vẫn được cho là khá hấp dẫn, với qui mô thị trường tương đối lớn, dân số trẻ trong khi số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng thì vẫn còn ít. Do vậy dư địa để phát triển dịch vụ ngân hàng còn khá lớn… Đây cũng là những yếu tố thuyết phục để CBA đầu tư mạnh mẽ vào VIB và Việt Nam”.
Còn với số tiền 400 tỷ bỏ ra, Aviva - hãng bảo hiểm lớn nhất của Anh đã bắt tay với Vietinbank. Tuy chưa thể nói là một vốn bốn lời, nhưng với số vốn chưa đến 20 triệu USD, nhiều cơ hội phát triển kinh doanh đang rộng mở đối với Aviva vì tận dụng được cả cơ sở, hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam - Vietinbank.
Ông Christopher Teo, TGĐ công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinAviva khẳng định rằng: “Trước chúng tôi, ở Việt Nam đã có nhiều hãng bảo hiểm tên tuổi trên thế giới, nhưng chúng tôi cho rằng, miếng bánh tại thị trường Việt Nam vẫn còn đủ lớn. Cuộc chơi dành cho nhiều người, nhưng người biết cách chơi mới là yếu tố quan trọng. Chúng tôi chủ yếu sẽ tập trung phát triển thông qua kênh ngân hàng Vietinbank. Đây là một kênh có giá trị rất hữu ích bởi mạng lưới rộng khắp và nguồn dữ liệu khách hàng cũng rất lớn của Vietinbank sẽ là nguồn tài nguyên quí giá để chúng tôi khai thác”.
Rõ ràng, mỗi tổ chức nước ngoài đều định vị cơ hội đầu tư tại Việt Nam và tìm kiếm đối tác theo cách tính toán riêng của họ. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu thì các thương vụ của những nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là việc đón lõng cơ hội cũng là điều dễ hiểu. Bởi, nếu mức sinh lời không đủ hấp dẫn thì chắc chắn sẽ không có nhà đầu tư nào mở hầu bao, rót vốn cũng là lẽ đương nhiên.
Chí Sơn
VTV
|