Thứ Ba, 29/11/2011 23:05

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH phải xử lý hình sự

Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH đang diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài khiến người lao động “mất trắng” quyền lợi BHXH.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến kiến nghị: Với những hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH cần đưa vào xử lý theo Luật Hình sự.

8 tháng nợ đóng BHXH gần 5.000 tỷ đồng

Đây là bằng chứng rõ ràng nhất của hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động tại các DN được đưa ra tại hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHXH do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày hôm nay 29.11 tại Hà Nội.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ LĐTBXH) cho biết, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều DN. Tính đến 31.8.2011, số nợ đóng BHXH là 4.611 tỷ đồng. Trong đó, riêng DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 70% tổng số nợ.

Tại TP. HCM, đến cuối năm 2010, toàn thành phố có tới 19.139 DN, đơn vị nợ đọng BHXH của trên 687.000 người lao động. Chỉ tính riêng số nợ trên 12 tháng đã có tới 205 DN nợ tổng cộng 75 tỷ đồng, trong đó có DN nợ trên 10 tỷ đồng. Tổng nợ BHXH bắt buộc đến cuối năm 2010 tại TP. HCM gần 374 tỷ đồng.

Trước tình trạng này, BHXH TP. HCM phải đi “đòi nợ” bằng cách trích tiền từ tài khoản của DN. Tuy nhiên, hầu hết các DN đã “lươn lẹo” bằng cách… rút hết tiền trong tài khoản. Giải pháp hiệu quả nhất mà cơ quan BHXH TP. HCM thực hiện là khởi kiện. Nhưng theo cơ quan này, việc khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa cũng rất gian nan do những vướng mắc về luật, thủ tục phức tạp, tốn kém thời gian và công sức.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2011 đến nay BHXH TP. Hà Nội cũng đã lập hồ sơ khởi kiện 7 đơn vị nợ đọng, nợ xấu. Tòa án tiến hành xét xử 3 đơn vị, số còn lại thì cam kết nộp.

Kết quả giám sát tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH của UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, từ năm 2008- 2010, số nợ đọng BHXH giảm (từ 2.291,9 tỷ đồng xuống còn 1.723 tỷ đồng). Tuy nhiên, năm 2011, số nợ đọng này lại tăng vọt. Mới tính đến hết 31.8.201, tổng số nợ đọng BHXH đã lên đến 4.611 tỷ đồng.

“Về tổng thể, số nợ đọng không quá lớn so với tổng số thu và có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây nhưng lại ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến người lao động”- ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

DN trốn đóng BHXH: Cần xử lý hình sự

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động VN cho rằng, các biện pháp xử phạt các hành vi vi phạm phát luật BHXH chưa đủ sức răn đe, thiếu tính nghiêm minh và kịp thời. Một trong những bất cập của Luật BHXH là không có quy định xử lý hình sự đối với những trường hợp chây ì, nợ đọng BHXH kéo dài.

“Ngay cả khi thắng kiện thì cũng không giải quyết được hoàn toàn vụ việc do chủ DN có thời gian bỏ trốn, không đủ khả năng trả nợ cho BHXH, nợ lương công nhân, nợ mới phát sinh. Cuối cùng, người lao động vẫn là người chịu thiệt thòi nhất”- ông Chính nói.

Bên cạnh đó, các DN thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc rất khó quản lý. Phản ánh của các cấp công đoàn và người lao động cho thấy, cơ quan BHXH không xác định được chính xác số lượng đơn vị, DN có sử dụng lao động cũng như số người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này, cùng với việc DN nợ đọng, trốn đóng khiến hàng trăm hàng nghìn người lao động bị “mất trắng” quyền lợi BHXH. Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, cơ quan BHXH và Công đoàn chưa chặt chẽ, xử lý thiếu kiên quyết làm cho tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trở nên phức tạp, dây dưa, kéo dài.

Trước nhiều bất cập nêu trên, bà Trần Thị Thúy Nga kiến nghị cần đưa hành vi cố tình nợ BHXH của chủ DN là hành vi cấu thành tội phạm hình sự, nâng mức xử phạt hành chính tương ứng số tiền nợ BHXH. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra việc ký kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cho người lao động ở các DN. Đề nghị với Chính phủ thành lập thanh tra chuyên ngành BHXH thuộc BHXH Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH....

Dương Hải

lao động

Các tin tức khác

>   Không nên đưa bảo hiểm vào danh mục dịch vụ thiết yếu (23/11/2011)

>   Khó khăn: Bảo hiểm lo thủ thế cầu an (18/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi: Ngộ nhận nhà nước “bảo kê” (12/11/2011)

>   Hai lý do nên bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ (11/11/2011)

>   “Miếng bánh” thị trường bảo hiểm Việt Nam còn đủ lớn (11/11/2011)

>   Nên bảo hiểm tiền gửi với vàng, USD? (11/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi và tiêu chí số đông (09/11/2011)

>   DN bảo hiểm và nỗi lo quý cuối năm (07/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi nên độc lập với NHNN (04/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi: nhận 50 triệu đồng thì chỉ là “an ủi”! (03/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật