Bảo hiểm phi nhân thọ: Mở rộng chiến lược đầu tư ra nước ngoài
Không chỉ quyết liệt cạnh tranh tìm chỗ đứng ở thị trường trong nước, ngày càng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) của Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong số đó bước đầu đã thu trái ngọt từ chiến lược đầu tư này.
|
Đầu tư ra nước ngoài không phải chạy theo trào lưu, mà đều được các DN bảo hiểm nghiên cứu kỹ lưỡng |
Mới sang thị trường Lào được hơn 1 năm nhưng CTCP Bảo hiểm bưu điện - PTI (Việt Nam) đã đạt được kết quả đáng kể khi Công ty Bảo hiểm Lane Xang, Lào (LAP), được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa PTI và Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) đã bắt đầu có doanh thu khoảng 5,5 tỷ đồng. Bởi lẽ, thông thường, một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) mới thành lập thường phải chịu lỗ kỹ thuật khoảng 3 - 4 năm.
Từ những bước đi chập chững đầu tiên, hiện tại, Công ty Bảo hiểm Lane Xang, cũng đã triển khai mạng lưới bán hàng thông qua 18 chi nhánh và khoảng 40 phòng giao dịch của Ngân hàng Phát triển Lào. Định hướng trở thành công ty bảo hiểm bán lẻ lớn nhất tại Lào nên LAP hướng tới các khách hàng là những người có tài sản cá nhân đủ lớn. Được biết, mô hình hợp tác thành công giữa PTI và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) tại Việt Nam đang được nghiên cứu áp dụng đối với Công ty Bảo hiểm Lane Xang, và Tổng công ty Bưu chính Lào (LaoPost).
Đại diện LAP cho rằng, một khi Công ty triển khai thành công mô hình bán hàng qua hệ thống Bưu chính Lào thì đồng nghĩa với việc LAP định hướng trở thành công ty bảo hiểm có kênh bán lẻ lớn nhất tại thị trường Lào. Từ đầu năm 2012, LAP sẽ bước vào giai đoạn 2 của việc hợp tác với LaoPost với việc triển khai mạng lưới bán hàng tại 17/17 bưu điện tỉnh trên cả nước Lào và cung cấp thêm dịch vụ bảo hiểm nhà và bảo hiểm tài sản. Dự kiến, hết năm 2012, hệ thống LaoPost sẽ trở thành một kênh khai thác hiệu quả và chuyên nghiệp giống như VNPost tại Việt Nam với doanh thu 20 - 25 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 400%.
BIC đã trở thành doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có mạng lưới hoạt động tại 3 nước Đông Dương (với việc thành lập Liên doanh Bảo hiểm Việt - Lào (LVI) tại Lào năm 2008 và Công ty Bảo hiểm Cambodia Việt Nam (CVI) tại Campuchia năm 2009). Hiện tại, BIC đang găt hái thành công từ việc đầu tư này. Hai công ty LVI và CVI đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và dần khẳng định ví trị tại thị trường hải ngoại với tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2011 dự kiến đạt 5 triệu USD.
LVI sau 3 năm hoạt động đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số 6 doanh nghiệp bảo hiểm tại Lào với tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 200%/năm. Còn CVI, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2011, doanh thu phí bảo hiểm đã đạt hơn 1,4 triệu USD (tăng trưởng 93% so với cùng kỳ, hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2011); thị phần đã tăng từ 4% lên 7%. Năm 2011, kế hoạch doanh thu của CVI là 1,65 triệu USD, đảm bảo hoạt động có lợi nhuận. CVI hiện là công ty bảo hiểm dẫn đầu thị phần bảo hiểm hàng không tại Campuchia. Mới đây, CVI đã ký hợp đồng bảo hiểm 2 máy bay Airbus A320 của Công ty Hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines) với trách nhiệm bảo hiểm lên tới 850 triệu USD; còn CVI cũng ký hợp đồng bảo hiểm hàng không với Hãng hàng không Skywings Asia Airlines (Hàn Quốc) với trách nhiệm bảo hiểm lên tới 600 triệu USD.
Trong khi đó, việc bắt tay với hai đối tác ngoại là Quỹ Đầu tư Oman (OIF) và Talanx Group có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của PVI Holdings. Bắt tay với OIF không chỉ là lời giải cho bài toán tài chính của PVI Holdings mà còn là chìa khóa để hãng bảo hiểm này có thể thâm nhập thị trường bảo hiểm năng lượng Trung Đông, nơi được coi là kinh đô dầu lửa của thế giới. Còn việc hợp tác với Talanx cũng sẽ giúp PVI Holdings tiếp nhận những kinh nghiệm từ một hãng bảo hiểm hàng đầu ở châu Âu với lịch sử hình thành phát triển trên 100 năm và có nhiều điểm tương đồng trong chiến lược phát triển với PVI. Điều quan trọng hơn, theo lãnh đạo PVI Holdings, với sự hợp tác này, PVI sẽ trở thành 1 mắt xích trong chuỗi cung cấp các sản phẩm bảo hiểm toàn cầu của tập đoàn Talanx.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào khi "đem chuông đi đánh xứ người" cũng sớm đạt được những con số đáng mơ ước như trên. Bởi như thừa nhận của một vị lãnh đạo CVI, liên doanh của BIC tại Campuchia, đằng sau sự thành công của những doanh nghiệp bảo hiểm như BIC trong việc vươn ra thị trường Lào và Campuchia là sự hậu thuẫn rất tích cực của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với những mối quan hệ vững chắc và rộng lớn tại hai thị trường này.
Nhưng thực tế, để tồn tại và trụ vững trên thị trường nước ngoài, đặc biệt là khi cuộc cạnh tranh đang thực sự bắt đầu, thì điểm tựa tốt không phải là tất cả mà bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự vận động tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ… "Đầu tư ra nước ngoài không phải chạy theo trào lưu, mà đều được các DN bảo hiểm cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên chiến lược phát triển dài hạn của DN, nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như phân tích rõ những thế mạnh tại các thị trường dự kiến đầu tư", lãnh đạo CVI chia sẻ.
Ngọc Lan
đầu tư chứng khoán
|