Thứ Hai, 12/12/2011 18:48

Bảo hiểm tăng cường dịch vụ bán lẻ

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, doanh thu của các công ty bảo hiểm từ khu vực khách hàng doanh nghiệp và tổ chức bị giảm mạnh. Để bù đắp cho những khoảng trống này, trong năm tới, nhiều DN bảo hiểm đã chọn giải pháp tập trung vào thị trường bán lẻ, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến khách hàng cá nhân.

Chuyển hướng sang khách hàng cá nhân

Trước sự sụt giảm mạnh của mảng kinh doanh bảo hiểm tài sản của các DN trong năm qua, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang chuyển hướng sang khai thác mảng khách hàng cá nhân. Thực ra, đây không phải là hoạt động mới, bởi trước đây, các công ty đều có sản phẩm cho khách hàng cá nhân nhưng chủ yếu khai thác qua các DN, tổ chức. Do kinh tế khó khăn, các DN, tổ chức hạn chế mua các sản phẩm bảo hiểm cho nhân viên nên các công ty bảo hiểm phải chọn kênh bán hàng trực tiếp cho khách hàng cá nhân.

Do chi phí khai thác bán lẻ khá lớn nên trước đây, chỉ những DN mới gia nhập thị trường mới thực hiện chiến lược bán lẻ. Các DN lớn chỉ khai thác vài sản phẩm chủ lực như bảo hiểm học sinh, bảo hiểm xe cơ giới... Ví dụ như CTCP Bảo hiểm Viễn Đông có tới 60 - 65% doanh thu đến từ các sản phẩm dành cho cá nhân như bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới, bảo hiểm học sinh, giáo viên, bảo hiểm hộ sử dụng điện… 

Nhưng tới đây, không chỉ các DN bảo hiểm có quy mô nhỏ hoặc mới được thành lập mà nhiều DN bảo hiểm lớn cũng sẽ dành sự ưu tiên lớn hơn trong khai thác thị trường bảo hiểm cho đối tượng khách hàng cá nhân. Ông Lê Văn Thành, TGĐ Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, trong chiến lược phát triển bền vững của Bảo Minh, Công ty sẽ tập trung vào cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân vì mảng kinh doanh này có rủi ro không lớn, chỉ dưới 50% phí bảo hiểm. Hiện, kế hoạch chi tiết cho việc chuyển hướng này đang được Bảo Minh xây dựng, song việc bán hàng trực tiếp tới khách hàng cá nhân chắc chắn đòi hỏi Bảo Minh phải mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn có hơn 4.000 đại lý.

Đối với CTCP Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (BIC), năm 2012, Công ty cũng sẽ tiếp tục mở rộng khai thác kênh bán lẻ và các gói sản phẩm hướng đến thị trường dân cư nhằm phân tán rủi ro và giảm gánh nặng cho các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.

Nhiều thách thức phía trước

Về cơ bản, các DN bảo hiểm đều đưa ra các sản phẩm giống nhau, chỉ có cạnh tranh về khuyến mãi, các dịch vụ tiện ích kèm theo. Tuy nhiên, các khuyến mãi, dịch vụ đi kèm không thể quá lớn vì phải nằm trong khung chi phí. Mức phí cũng có cạnh tranh nhưng không đáng kể bởi mức phí không thể thấp hơn nữa là kết quả của một thời gian dài cạnh tranh bằng hạ phí trước đây. Hiện, mức phí bảo hiểm ô tô thấp nhất khoảng 1,4% giá trị xe. Nhiều DN bảo hiểm phải tăng phí các loại xe hay xảy ra tổn thất như xe đầu kéo, container… lên tới 4% hoặc hơn nữa. Tuy nhiên, mức phí này cũng chưa đảm bảo lợi nhuận cho DN vì tổn thất khi xảy ra sự cố rất lớn.

Bởi vậy, yếu tố cạnh tranh lớn nhất giữa các DN bảo hiểm vẫn là hệ thống, mạng lưới phân phối. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN đã khai thác mảng khách hàng cá nhân trong thời gian qua chưa đạt hiệu qua như mong đợi.

Do phí bảo hiểm cá nhân thường rất thấp (như phí bảo hiểm cho một xe gắn máy chỉ trên 60 nghìn đồng, quá nhỏ bé so với mức phí bảo hiểm từ vài chục triệu đồng cho tới vài tỉ đồng của các công trình xây dựng, lắp đặt), nên dù DN bảo hiểm chi hoa hồng ở mức 20%, thậm chí có thể "cơi nới" thêm thì giá trị tuyệt đối của khoản hoa hồng này vẫn rất thấp, do vậy, không hấp dẫn các đại lý bảo hiểm tham gia. Bởi vậy, xây dựng hệ thống đại lý với bảo hiểm phi nhân thọ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó, việc bán hàng tới từng cá nhân đòi hỏi mạng lưới đại lý trải đều, chuyên nghiệp và hiểu rõ sản phẩm.

Việc xây dựng mạng lưới đã khó, việc kiểm soát, hạn chế rủi ro càng khó hơn. Theo Luật sư Thái Văn Cách, Phó tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Viễn Đông, mạng lưới rộng gắn với nguy cơ bị mất ấn chỉ. Thông thường, một tổng đại lý có thể có hàng trăm đại lý con, mỗi đại lý con lại có vài chục đại lý cấp thấp hơn. Nếu DN không có quy trình quản lý, kiểm soát thì rất dễ bị mất ấn chỉ. Thị trường bảo hiểm thường xảy ra tình trạng một đại lý cùng lúc bán sản phẩm cho vài DN bảo hiểm hoặc đại lý thường xuyên nhảy việc. Thậm chí, một đại lý có thể có 2 - 3 cuốn ấn chỉ của các DN khác nhau. Điều này vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có biện pháp nào giải quyết, kiểm soát. Ngoài ra, hệ thống đại lý lớn đòi hỏi quản lý tốt, tránh thất thoát. Thực tế, các DN bảo hiểm đều gặp phải tình trạng bán hàng mà không thu được tiền do đại lý thu phí nhưng không nộp về công ty.

Theo ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh, các DN bảo hiểm vẫn sử dụng nhân viên đăng kiểm, thuế làm hệ thống đại lý. Tuy nhiên, hiệu quả bán hàng phụ thuộc vào cách thức tổ chức hệ thống, biện pháp triển khai bán để đại lý có thể bán sản phẩm và mỗi DN sẽ có cách thức khác nhau.        

Hoàng Duy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Gặp khó, ngân hàng quan tâm hơn đến DN bảo hiểm (09/12/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi khuyến cáo: “Không nên rút tiền trước hạn” (08/12/2011)

>   19 doanh nghiệp nợ BHXH bị khởi kiện (03/12/2011)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Mở rộng chiến lược đầu tư ra nước ngoài (02/12/2011)

>   Từ 1/1/2012, tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội là 24% (30/11/2011)

>   Hạn chế hạ phí tràn lan bằng mức phí bảo hiểm cơ bản (30/11/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi: Nên bảo hiểm cả ngoại tệ (30/11/2011)

>   Doanh nghiệp trốn đóng BHXH phải xử lý hình sự (29/11/2011)

>   Không nên đưa bảo hiểm vào danh mục dịch vụ thiết yếu (23/11/2011)

>   Khó khăn: Bảo hiểm lo thủ thế cầu an (18/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật