Thứ Ba, 20/12/2011 23:11

DN trốn đóng bảo hiểm xã hội: Nợ 5 tỷ, đòi được… 200 triệu

Doanh nghiệp để tài khoản trống, tài sản có giá trị thì cầm cố ngân hàng nên dù có phán quyết của tòa, việc thi hành án vẫn bất khả thi.

Phó Giám đốc cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Trương Trọng Thắng cho biết, từ năm ngoái, cơ quan này đã bắt đầu áp dụng biện pháp mạnh nhất là khởi kiện những doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ra tòa nhưng tình trạng này vẫn không hề giảm. Theo thống kê, số tiền bảo hiểm xã hội mà các doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn nợ lên tới gần 865 tỷ đồng, trong đó nợ từ 6-12 tháng là 297 tỷ đồng, nợ trên 12 tháng là 333 tỷ đồng.

Điển hình phải kể đến một số doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài như: Công ty CP Cầu 12 CIENCO 1 nợ 12 tỷ đồng; Công ty CP Cầu 14 CIENCO 1 nợ 7,6 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 7,4 tỷ đồng...

Ông Thắng cho biết, năm ngoái, sau khi đâm đơn kiện các doanh nghiệp ra tòa, Hà Nội đã đòi được gần 4 tỷ đồng từ 9/11 doanh nghiệp bị khởi kiện, dù chưa cần tới phiên xét xử tại tòa án. Năm nay, có 4 doanh nghiệp đang chờ ngày hầu tòa với số tiền chiếm dụng hơn 6,3 tỷ đồng, gồm: Công ty  Constrexim CID; Công ty CP Constrexim Hồng Hà; Công ty ARCHPEL; Công ty TNHH CAVICO Việt Nam.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử và tuyên án 3 doanh nghiệp bị khởi kiện thuộc Tập đoàn CAVICO với số tiền nợ gần 5 tỷ đồng, nhưng đến nay Bảo hiểm xã hội Hà Nội mới chỉ thu được vẻn vẹn 200 triệu đồng. Ba doanh nghiệp bị kiện gồm: Công ty CP CAVICO Điện lực tài nguyên (nợ 2,54 tỷ đồng); Công ty CP CAVICO giao thông (nợ 2,1 tỷ đồng); Công ty CP CAVICO khoáng sản và công nghiệp (nợ 319 triệu đồng).

Theo ông Thắng, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng “nhờn”, tìm mọi cách để lách luật, trục lợi từ những kẻ hở của pháp luật. Khó khăn lớn nhất hiện nay theo ông Thắng, không chỉ là thủ tục khởi kiện kéo dài, doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật, trốn tránh trách nhiệm. Khởi kiện thành công rồi cũng chưa xong, bởi khâu thi hành án cũng có nhiều vướng mắc.

“Sau khi tòa tuyên án, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng, tiến hành phong tỏa 5 tài khoản ngân hàng của một doanh nghiệp, nhưng số dư tài khoản chỉ có ...6 triệu đồng, cũng có nghĩa là việc thi hành án không thực hiện được”, ông Thắng nói. Việc phong tỏa tài khoản cũng không hề dễ dàng vì động chạm đến lợi ích của các ngân hàng. Vì vậy, doanh nghiệp càng có thêm thời gian để rút tài khoản. Ở một số doanh nghiệp, các tài sản có giá trị cũng thường được thế chấp để vay ngân hàng nên dù bản án có hiệu lực pháp luật thì dù có muốn cưỡng chế, cơ quan thi hành án cũng không thể tịch thu được các tài sản đó.

Ông Thắng cho rằng, cần sớm quy định việc thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động mà không đóng phải được xử lý hình sự, vì đây là hành vi chiếm đoạt tài sản. Có như vậy mới đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo quyền lợi người lao động. Mức xử phạt hành chính với hành vi này dù “kêu” mãi nhưng hiện vẫn chỉ có 30 triệu đồng, quá nhẹ so với số lãi mà doanh nghiệp thu được từ số tiền chiếm dụng của người lao động.

Hiện mức lãi suất chậm đóng đối với tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội đều chỉ ở mức khoảng 8%/năm. Trong khi, nếu gửi ngân hàng họ có thể thu được lợi nhuận cao gấp đôi lãi phạt, vì vậy  tình trạng vi phạm ngày càng tràn lan, doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt để vi phạm.

Ngày 23/11 vừa qua, hàng trăm công nhân của Công ty CP CAVICO Việt Nam khai thác mỏ và xây dựng đang làm việc tại Quảng Ninh cũng phải kéo về tận trụ sở công ty (Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) để đòi quyền lợi vì hơn 1 năm nay tiền lương và bảo hiểm xã hội của họ đã bị công ty chiếm dụng khiến họ phải lần ăn từng bữa. Đó cũng là thực trạng chung của rất nhiều công nhân lao động nghèo khi bị các doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Thu nhập đã thấp, khi ốm đau, thai sản lại không được hưởng các chế độ bảo hiểm khiến cuộc sống càng trở nên khó khăn. Thực tế, tình trạng đình công, lãn công thời gian qua phần lớn xuất phát từ việc doanh nghiệp nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động, gây bất ổn thị trường lao động.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi các biện pháp xử phạt doanh nghiệp vi phạm theo hướng tăng nặng nhưng không biết khi nào quyền lợi của người lao động mới được bảo đảm, khi mà số doanh nghiệp vi phạm và số tiền bảo hiểm của người lao động bị chiếm dụng thậm chí còn ngày càng tăng lên.

Phan Long

người lao động

Các tin tức khác

>   “Năm 2012, ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng khoảng 19 - 21%” (16/12/2011)

>   Tái cấu trúc thị trường bảo hiểm: Cần nỗ lực từ nhiều phía (16/12/2011)

>   Đề xuất tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên 200 triệu đồng (16/12/2011)

>   Can cớ gì chỉ bảo hiểm tiền gửi VND? (14/12/2011)

>   Bảo hiểm tăng cường dịch vụ bán lẻ (12/12/2011)

>   Gặp khó, ngân hàng quan tâm hơn đến DN bảo hiểm (09/12/2011)

>   Bảo hiểm tiền gửi khuyến cáo: “Không nên rút tiền trước hạn” (08/12/2011)

>   19 doanh nghiệp nợ BHXH bị khởi kiện (03/12/2011)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: Mở rộng chiến lược đầu tư ra nước ngoài (02/12/2011)

>   Từ 1/1/2012, tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội là 24% (30/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật