“Năm 2012, ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng khoảng 19 - 21%”
36.327 tỷ đồng là tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm ước đạt trong năm 2011. Đây là kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm nay có nhiều khó khăn. Trao đổi với ĐTCK, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính làm rõ hơn những điểm nổi bật của thị trường bảo hiểm năm 2011 và triển vọng trong năm 2012.
Xin ông cho biết những điểm nổi bật trên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2011?
Năm 2011, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 36.327 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với năm 2010. Đến cuối năm 2011, ngành bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 96.648 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010; các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm gần 12.000 tỷ đồng, đảm bảo sự phát triển ổn định của các tổ chức, cá nhân không may gặp rủi ro, qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Môi trường kinh doanh bảo hiểm trong năm qua tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với thực tế cũng như cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong đó, hành lang pháp lý được ban hành đồng bộ, tạo thuận lợi cho DNBH hoạt động kinh doanh, với việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư hướng dẫn Nghị định này cùng một số văn bản pháp quy thuộc các lĩnh vực bảo hiểm đặc thù sẽ được ban hành trong năm nay.
Trong điều kiện môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, các DNBH đã tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh mở cửa và hội nhập.
Tuy có bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, song quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng. Xin ông chia sẻ một số giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới?
Theo tôi, để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển, tương xứng với tiềm năng của một nền kinh tế đang phát triển với dân số gần 90 triệu người, trong thời gian tới, các DN cần tiếp tục nghiên cứu phát triển và đa dạng hoá sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, trình độ nhận thức và sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Bên cạnh đó, các DNBH cũng cần tập trung vào các mảng thị trường còn bỏ ngỏ và nhiều tiềm năng như bảo hiểm y tế, giáo dục, hưu trí, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp.
Để củng cố niềm tin của người tham gia bảo hiểm, thu hút khách hàng, DNBH cần tăng cường tính minh bạch của sản phẩm.
Để thực hiện được những điều đó, các DN phải xây dựng chiến lược phát triển ngắn hạn cũng như dài hạn, xây dựng các phương án đối phó khi khả năng xấu nhất xảy ra; thực hiện chính sách quản lý chi phí hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ khách hàng; cải thiện chất lượng công tác quản trị điều hành; đầu tư xây dựng và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, nhằm giảm thiểu chi phí, hạn chế các trường hợp trục lợi bảo hiểm.
Về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tạo môi trường, nền tảng pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường; tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với DNBH, DN môi giới bảo hiểm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo hiểm cho các DNBH, DN môi giới bảo hiểm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Hiệp hội Bảo hiểm, các cơ sở đào tạo và DN để nâng cao trình độ của cán bộ quản lý, cán bộ môi giới, nâng cao hiểu biết của người dân về vai trò của môi giới bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi mua bảo hiểm.
Thời gian qua đã xảy ra tình trạng các DNBH cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh doanh của DN nói riêng và an toàn tài chính của ngành nói chung. Vậy, cơ quan quản lý có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?
Trên thị trường bảo hiểm hiện nay, có sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các DN nhằm phân chia lại thị phần. Cạnh tranh là động lực của sự phát triển, nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam và nâng cao tính an toàn tài chính trong hoạt động bảo hiểm, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác giám sát từ xa và thanh tra, kiểm tra tại chỗ các DNBH;
Hai là, rà soát và ban hành các quy định chặt chẽ hơn về biên khả năng thanh toán của DNBH, trong đó, xác định rõ các tiêu chí về nguy cơ mất khả năng thanh toán và mất khả năng thanh toán; yêu cầu các DN xác định biện pháp can thiệp đối với từng mức độ rủi ro (an toàn khả năng thanh toán, nguy cơ mất khả năng thanh toán, mức báo động, mất khả năng thanh toán,...);
Ba là, rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy định về vốn pháp định, đảm bảo quy mô vốn phù hợp với tốc độ phát triển hoạt động kinh doanh của DNBH (phạm vi hoạt động, nghiệp vụ triển khai, tốc độ tăng trưởng);
Bốn là, tăng cường giám sát mức độ an toàn của các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm thông qua việc yêu cầu DNBH triển khai phần mềm công nghệ thông tin cho phép tự động trích lập dự phòng theo đúng quy định pháp luật; xử phạt nghiêm và yêu cầu DNBH điều chỉnh danh mục đầu tư từ các quỹ dự phòng nghiệp vụ trong trường hợp đầu tư không đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, không đúng hạn mức quy định;
Năm là, củng cố, tăng cường hệ thống quản lý và khả năng quản trị rủi ro của các DN kinh doanh bảo hiểm;
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tuyên truyền và giám sát các DNBH về tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, các chính sách về cạnh tranh, chống độc quyền; khuyến khích các DN cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trong đó, cần công khai minh bạch các chế độ quyền lợi, của khách hàng.
|
Trong năm tới, thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng của năm 2011
|
Ông đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường bảo hiểm năm 2012
Theo tôi, trong năm tới, thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng của năm 2011, với tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt khoảng 43.000 tỷ đồng, tăng 19 - 21% so với năm 2011.
Năm 2012, nhiều sản phẩm bảo hiểm mới sẽ được các DN bảo hiểm đưa ra thị trường nhằm phục vụ nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân (như các sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm năng lượng hạt nhân, bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh và các sản phẩm bảo hiểm y tế, hưu trí, bảo hiểm cho người nghèo…). Chất lượng phục vụ khách hàng, hệ thống quản trị DN sẽ ngày càng tốt hơn do yêu cầu của cơ quan quản lý và để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Kim Lan thực hiện.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|