"Tái cấu trúc DN bảo hiểm từ năm 2012 là cần thiết"
Đó là khẳng định của Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012 của Bộ Tài chính vừa diễn ra.
Bức tranh sáng - xám
Ông Nghiệp đánh giá, thị trường bảo hiểm đang có sự phát triển tương đối tốt, có bước phát triển quan trọng, khẳng định vai trò trong nền kinh tế và từng bước trở thành kênh huy động, đầu tư vốn trong dài hạn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể, trong 10 năm gần đây, thị trường đã có sự phát triển nhanh, với mạng lưới 400 chi nhánh khắp các tỉnh, thành; doanh thu toàn ngành luôn tăng trưởng cao và ổn định với tỷ lệ tăng bình quân 18,5%, ước thực hiện năm 2011 đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm 2010; các sản phẩm bảo hiểm đa dạng hơn; việc giải quyết bồi thường của các DN bảo hiểm đã hỗ trợ tích cực cho sự ổn định sản xuất - kinh doanh và đời sống.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, Nguyễn Công Nghiệp: "Tái cấu trúc theo hướng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ và phòng ngừa rủi ro." |
Tính riêng năm 2011, tổng giá trị tài sản của các DN bảo hiểm ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 15%; vốn chủ sở hữu đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 41%. DN bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 95.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vẫn còn đó những tồn tại như sản phẩm bảo hiểm nhiều nhưng chất lượng còn thấp, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho tổ chức kinh doanh và người dân có thu nhập khá; nhiều mảng thị trường còn bỏ ngỏ, chưa có nhiều sản phẩm dành cho người có thu nhập thấp; các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mới có số lượng khách hàng tham gia còn hạn chế; quy mô thị trường bảo hiểm nhỏ, phí bảo hiểm bình quân đầu người thấp.
Về phía DN bảo hiểm, dù đã đầu tư vào TTCK với vai trò là nhà đầu tư có tổ chức, song quy mô đầu tư còn nhỏ; một vài DN chưa đáp ứng được quy định về duy trì vốn chủ sở hữu cao hơn vốn pháp định; tỷ lệ sở hữu của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại DN bảo hiểm cao, dẫn đến tình trạng khép kín trong hoạt động kinh doanh.
Tái cấu trúc
Từ hiện trạng nêu trên, Bộ Tài chính xác định, việc tái cấu trúc các DN bảo hiểm trong giai đoạn tới là cần thiết. "Tái cấu trúc ngành này nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn dài hạn cho nền kinh tế, nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém của thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra khả năng tiếp cận được với các thị trường quốc tế, khu vực. Đó cũng là một hướng đi mà các tổ chức tài chính quốc tế từng trải qua sau mỗi thời kỳ hưng thịnh, suy thoái", báo cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo Bộ này, việc tái cấu trúc cần phải đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa, kết hợp với việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm; thu hẹp số lượng các tổ chức tài chính trung gian, nhất là DN bảo hiểm có hoạt động yếu kém, không hiệu quả; phát triển các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Nội dung của tái cấu trúc là mở rộng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm; thí điểm thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm cho các cơ sở khám chữa bệnh…; mở rộng các sản phẩn bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, bảo hiểm vi mô phục vụ người có thu nhập thấp; xác định vai trò của các tổ chức tín dụng, các DN bảo hiểm khi đầu tư vào TTCK.
Tái cấu trúc các DN bảo hiểm cần theo hướng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ và phòng ngừa rủi ro. Cụ thể, phân loại các DN theo hệ thống chỉ tiêu, giám sát; nâng cao điều kiện thành lập DN, trước mắt yêu cầu các DN có nguồn vốn sở hữu thấp hơn mức vốn pháp định bổ sung vốn theo quy định; đa dạng hoá sở hữu đối với DN nhằm hạn chế hiện tượng khép kín, độc quyền trong kinh doanh; yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư, đảm bảo mỗi tổ chức góp vốn không quá 20% vốn điều lệ; tăng cường năng lực quản trị và hoạt động của DN bảo hiểm trên 3 trụ cột chính: an toàn tài chính; quản trị rủi ro và minh bạch thông tin.
Lộ trình tái cấu trúc các DN bảo hiểm
Bước 1: Xây dựng đề án tái cấu trúc DN bảo hiểm trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về chủ trương (năm 2011).
Bước 2: Xây dựng đề án chi tiết trên cơ sở đánh giá kỹ thực trạng và rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quá trình tái cấu trúc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quý I/2012).
Bước 3: Tập trung tái cấu trúc DN theo các mục tiêu và giải pháp nêu trong đề án (2012 - 2013).
Bước 4: Thí điểm thực hiện bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm trong nông nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (2012 - 2014).
Phân loại DN bảo hiểm và áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát
Nhóm 1 - Các DN đảm bảo khả năng thanh toán, hoạt động kinh doanh có lãi: Tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động kinh doanh, có thể cho phép mở rộng phạm vi hoạt động nếu có phương án kinh doanh hiệu quả.
Nhóm 2 - Các DN vẫn đảm bảo khả năng thanh toán, nhưng kinh doanh còn khó khăn, chi phí hoạt động lớn, tỷ lệ bồi thường cao hoặc hoạt động kinh doanh không có lãi trong 2 năm liên tục: Cần đánh giá hiệu quả, giảm chi phí hoạt động; việc mở rộng hoạt động kinh doanh cần được kiểm soát chặt chẽ, trên nguyên tắc hiệu quả.
Nhóm 3 - Các DN có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán: Cần đánh giá thực trạng tài chính, cơ cấu lại đầu tư, xử lý nợ phù hợp hoạt động, tăng vốn chủ sở hữu, cải cách quản trị điều hành; chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho DN khác.
Nhóm 4 - Các DN mất khả năng thanh toán, bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và áp dụng các giải pháp theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nếu không khắc phục được sẽ thực hiện sáp nhập, phá sản. |
Diệu Minh
Đầu tư chứng khoán
|