Nhà nước bảo hiểm rủi ro khi huy động vàng trong dân
Ngày 31-1, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết Đề án huy động vàng trong dân đang được cơ quan chuyên môn soạn thảo, đồng thời lấy ý kiến đóng góp và phản hồi từ các ngân hàng thương mại.
“Chờ sau khi Nghị định quản lý thị trường vàng ban hành, chúng tôi sẽ cho rà soát lại các điểm, dự kiến sang giữa quý 2 mới trình Chính phủ được”, ông nói.
Trước băn khoăn nếu NHNN huy động vàng trong dân, khi giá vàng tăng đột biến người dân đổ xô rút bán thu lời, NHNN có thể sẽ phải chịu một khoản lỗ lớn? Lãnh đạo NHNN cho hay khả năng này cũng được tính đến nhưng nếu lỗ mà ổn định được kinh tế vỹ mô thì đó cũng là điều nên xem xét.
Lỗ hay lãi cần một quá trình hạch toán dài cả năm. Bên cạnh đó, trong cơ cấu dự trữ đã có Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng, nhưng từ trước đến nay chủ yếu mới dùng cho tỷ giá, thời gian tới có thể dùng cho cả vàng.
Có nên huy động vàng trong dân hay không hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Theo một chuyên gia, từ trước đến nay, quan điểm Chính phủ vẫn là tránh “vàng hoá, hạn chế đô la hoá” trong dân. Nay nếu cho dùng vàng miếng và vay vàng miếng, sẽ khiến giới đầu cơ tập trung vào vàng bởi tính thanh khoản cao. Vì thế Đề án huy động vàng trong dân và sử dụng ra sao rất nên thận trọng và tham khảo kỹ càng.
Trước đó, trả lời báo chí dịp đầu Xuân, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cho biết: Hiện lượng vàng trong dân có khoảng 300 - 500 tấn. Trong đề án, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, là các TCTD.
Mặt khác, với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Khánh Huyền
tiền phong
|