Góc nhìn Nhà đầu tư - Dự cảm năm Nhâm Thìn (kỳ 2)
Các kịch bản đối với chỉ số VN-Index
(Vietstock) - Trên cơ sở tổng hợp kết quả phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật như phân tích sóng Elliott, kênh xu hướng, ngưỡng kháng cự & hỗ trợ, mẫu hình kỹ thuật, tương quan cung – cầu, tâm lý NĐT, phân tích các nhóm ngành,... người viết xin tóm lược nét chính yếu dự cảm năm Nhâm Thìn thành các kịch bản cho VN-Index.
* Dự cảm năm Nhâm Thìn: Nhân tố quyết định xu hướng thị trường (Kỳ 1)
Kịch bản kỳ vọng hợp lý
Xác suất: Khoảng 70%
Bối cảnh giả định: Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực từ nửa sau năm 2011; mặt bằng lãi suất từng bước giảm dần; Bộ Tài chính và UBCKNN triển khai quyết liệt tái cấu trúc TTCK; NHNN điều hành chính sách tiền tệ trong định hướng hệ thống NHTM thực hiện chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động (ngắn hạn) cho nền kinh tế; tỷ giá USD/VND giữ ổn định; thị trường vàng nằm trong tầm kiểm soát của NHNN; các vấn đề nợ công châu Âu không diễn biến xấu hơn và từng bước được giải quyết; thị trường thế chấp dưới chuẩn, tăng trưởng kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng cải thiện từ giữa năm 2011.
Sóng Elliott đối với VN-Index: Triển khai sóng 3 (sóng 1 từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 10/2009; và sóng 2 từ tháng 11/2009 đến tháng 12/2011).
Mục tiêu: VN-Index có thể đạt 580-600 điểm trong năm Nhâm Thìn
Lưu ý: Kết thúc năm Nhâm Thìn sóng 3 vẫn chưa kết thúc.
Kịch bản lạc quan
Xác suất: Khoảng 25%
Bối cảnh giả định: Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực từ nửa sau năm 2011 và cải thiện rõ rệt từ quý II-2012; lạm phát duy trì mức thấp (0.3-0.5%) trong nhiều tháng liên tục kéo mặt bằng lãi suất hạ theo (trong trường hợp này, NHNN nhiều khả năng sẽ chủ động giảm nhanh mặt bằng lãi suất để tránh kịch bản rơi vào thiểu phát giai đoạn cuối năm và năm sau); Bộ Tài chính và UBCKNN triển khai quyết liệt tái cấu trúc TTCK; NHNN điều hành chính sách tiền tệ trong định hướng hệ thống NHTM thực hiện chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động (ngắn hạn) cho nền kinh tế; tỷ giá USD/VND giữ ổn định; thị trường vàng nằm trong tầm kiểm soát của NHNN; nửa đầu năm 2012 châu Âu đạt được giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm vấn đề nợ công; thị trường thế chấp dưới chuẩn và kinh tế Mỹ tiến triển tốt và nhanh hơn mong đợi; kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn so với kỳ vọng hiện nay.
Sóng Elliott đối với VN-Index: Triển khai sóng 3 Sóng Elliott đối với VN-Index: triển khai sóng 3 (sóng 1 từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 10/2009; và sóng 2 từ tháng 11/2009 đến tháng 12/2011).
Mục tiêu: VN-Index có thể đạt 680 - 730 trong năm Nhâm Thìn.
Diễn biến tổng quát của thị trường: Tương tự cách tăng của sóng 1 (năm 2009) hoặc sóng tăng giai đoạn cuối năm 2003 đầu năm 2004.
Lưu ý: Kết thúc năm Nhâm Thìn sóng 3 vẫn chưa kết thúc.
Kịch bản thận trọng
Xác suất: Chưa tới 5%
Bối cảnh giả định: Kinh tế vĩ mô chậm được cải thiện; lạm phát tiếp tục là một thách thức và vẫn duy trì ở mức cao (trên 1% duy trì liên tục trong nhiều tháng) bất chấp chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ hiện nay; mặt bằng lãi suất vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao (như hiện nay); các giải pháp tái cấu trúc TTCK chỉ là nửa vời không quyết liệt và thực chất; các nước khu vực sử dụng đồng Euro tiếp tục bế tắc, không đạt được giải pháp giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công (tuy nhiên có lẽ không một nước nào phải rời khỏi khu vực Euro năm 2012 này); thị trường nhà đất dưới chuẩn và nền kinh tế Mỹ cải thiện chậm; tăng trưởng kinh tế thế giới không có nhiều động lực nhưng không rơi vào tình trạng suy thoái (đi ngang).
Xu hướng năm Nhâm Thìn: VN-Index đi ngang trong vùng 400 +/-10%.
Kịch bản bi quan
Xác suất: Vô cùng nhỏ
Bối cảnh giả định:
- Khu vực sử dụng đồng Euro đổ vỡ kéo theo những tác động rất nghiêm trọng tới sự phục hồi hiện nay của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
- Vấn đề căng thẳng giữa Iran và phương Tây không được giải quyết một cách khôn khéo dẫn đến giá dầu thô bùng nổ tác động nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế thế giới, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. Tuy nhiên, người viết cho rằng khả năng này khó có thể xảy ra vì đó không phải là kết cục mong muốn của cả phía Iran và phương Tây. Hơn nữa, các bên vẫn để ngỏ những “lối thoát”, tránh cho nhau rơi vào thế “đường cùng” và có vẻ như họ vẫn đang kiểm soát được diễn biến. Hoặc giả như nếu có xảy ra cuộc chiến, có lẽ nó chỉ có thể xảy ra sau khi phương Tây và các đồng minh đã thu xếp ổn thỏa nguồn cung cấp dầu thô. Và cuộc chiến này (giả như có xảy ra) sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, không phát triển thành cuộc chiến có tầm khu vực hoặc Thế chiến. Dù vậy, giá dầu cũng sẽ có đợt tăng ngắn hạn do tác động tiêu cực (cơ bản trên phương diện tâm lý) từ cuộc chiến cho dù ở phạm vi hẹp này.
Sóng Elliott và mục tiêu của VN-Index: Người viết xin không phân tích sâu về kịch bản này vì cho rằng xác xuất là vô cùng nhỏ.
Bài viết cùng tác giả:
* Chứng khoán Việt Nam 2011: Dấu ấn tháng 12?
* Chứng khoán tháng 1: Tích lũy và khởi động!
Phạm Tường Phán
|