Nâng chất tín dụng thị trường chứng khoán
Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK). NHNN cũng vừa đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) gửi bản kiến nghị về giải pháp tín dụng hỗ trợ TTCK đã trình Chính phủ trước đó để NHNN nghiên cứu.
Trước đó, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết trong các giải pháp phát triển TTCK năm 2012, cơ quan này sẽ làm việc với NHNN để có các giải pháp hỗ trợ sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, ông Bằng cũng nhìn nhận cùng với các biện pháp như triển khai thực hiện chiến lược phát triển TTCK, đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK), sẽ có quy định nâng cao chất lượng hàng hóa, điều kiện phát hành, niêm yết, phát triển các công cụ, sản phẩm mới trên TTCK.
Giới đầu tư hy vọng nếu được hỗ trợ về chính sách tín dụng tương tự như giải pháp đối với thị trường bất động sản, TTCK sẽ đỡ “èo uột” hơn trong bối cảnh niềm tin với thị trường này đang ngày càng suy giảm.
Năm 2012, chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Do đó, chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn được điều hành theo huớng chặt chẽ, thận trọng nhưng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, NHNN cần rà soát lại dư nợ tín dụng đối với TTCK, trên cơ sở đó có các quy định phù hợp, đáp ứng được yêu cầu chống lạm phát, đồng thời có lộ trình để các ngân hàng điều chỉnh theo hướng tích cực. Thí dụ, không nên quy định một mức tiền cho vay hoạt động chứng khoán như nhau đối với các tổ chức tín dụng, mà cần phân loại và chỉ hạn chế đối với các tổ chức tín dụng không đạt các tiêu chí an toàn.
Việc xem xét chính sách tín dụng hợp lý đối với TTCK là cần thiết, bởi cùng với kênh ngân hàng, kênh huy động vốn từ TTCK giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao.
Kiềm chế, kiểm soát tín dụng đối với TTCK là cần thiết, nhưng tín dụng ngân hàng thông qua hoạt động của thị trường như vay mua, ứng trước tiền bán là không thể thiếu để hỗ trợ TTCK phát triển. Vì thế, trong tình hình thực tế hiện nay cần thay đổi quan niệm đối với TTCK, không coi chứng khoán thuộc lĩnh vực phi sản xuất, từ đó có giải pháp tín dụng đối với TTCK.
Theo đó, nên tiếp cận vấn đề ở góc độ kiểm soát rủi ro, chẳng hạn chỉ nên hạn chế những ngân hàng không đáp ứng được tiêu chí trong hoạt động, thay vì áp % cho tất cả ngân hàng. Bên cạnh đó cần sớm có các biện pháp cứu TTCK, như đưa danh mục TTCK ra khỏi cụm phi sản xuất; khống chế cấp tín dụng cho chứng khoán, repo chứng khoán trên cơ sở vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.
Chính sách tiền tệ hướng vào việc nâng chất lượng tín dụng sẽ có tác động tốt cho TTCK trong trung và dài hạn, với tác động trực tiếp là hạn chế dòng tiền đầu cơ để thị trường có những điều chỉnh cần thiết cho sự phát triển dài hạn.
Thực tế trong giai đoạn phát triển TTCK vừa qua cho thấy mỗi khi chính sách tín dụng được nới lỏng, TTCK tăng và ngược lại; Giá trị các loại chứng khoán cũng bị bóp méo theo khiến TTCK không phản ánh đúng thực tế.
Do đó, dù chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng và tác động lớn đến TTCK, song chính sách đưa ra để cân bằng giữa thị trường tiền tệ và TTCK đang đòi hỏi cấp thiết. Bởi lẽ, để có thể là kênh hút vốn hiệu quả, TTCK phải có sự cạnh tranh để dòng tiền trực tiếp “chảy” vào, thay vì “chảy” qua ngân hàng rồi mới sang chứng khoán.
Vấn đề nữa cũng được đặt ra là tại sao lãi suất huy động chỉ 14%/năm trong khi có những doanh nghiệp trả cổ tức cao hơn nhiều và giá CP hiện nay được coi là rất rẻ nhưng nhiều người vẫn không tham gia.
Điều này cho thấy để nhà đầu tư quan tâm hơn đến TTCK, ngay bản thân TTCK phải làm cho mình hấp dẫn hơn, thay vì đang bộc lộ nhiều điểm yếu (về công bố thông tin, nhiều hàng hóa kém chất lượng...) như hiện nay.
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|