Thứ Hai, 13/02/2012 11:04

Dòng tiền lớn chờ bên lề thị trường

Như mọi lần phục hồi trong nghi ngờ, thị trường luôn xuất hiện các tin đồn, lần này hướng vào khối ngoại.

Cuộc leo dốc của chứng khoán lần này mang đậm dấu ấn của khối ngoại. Đóng vai trò xúc tác trong những phiên giao dịch trước Tết, hai tuần sau kỳ nghỉ, các NĐT nước ngoài còn tham gia thị trường tích cực hơn với giá trị mua ròng trung bình gần 500 tỷ đồng/tuần, cao nhất trong 6 tháng qua. Như mọi lần phục hồi trong nghi ngờ, thị trường luôn xuất hiện các tin đồn, lần này hướng vào khối ngoại.

Vốn ngoại: bình cũ, rượu cũ

Một bộ phận NĐT tổ chức lý giải sự tham gia tích cực của khối ngoại xuất phát từ một số quỹ đầu tư được bơm tiền tại một CTCK thâm niên nhất nhì thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo của CTCK ACBS - đối tượng được đồn đoán, xác nhận với ĐTCK rằng, giao dịch của các định chế tài chính chuyên nghiệp tại đây vẫn bình thường. Tương tự, một số CTCK lớn nắm giữ ưu thế trong việc cung cấp dịch vụ cho các quỹ đầu tư ngoại phủ nhận tin đồn về một quỹ ETF mới mở tài khoản và “xung trận”.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, một số quỹ lớn “đóng đô” ở Việt Nam duy trì vị thế mua ròng từ trước Tết Nguyên đán, nhưng do hạn chế về tiền mặt nên mức độ tham gia chỉ ở mức “lai rai” thăm dò thị trường. Danh mục công bố thường kỳ của các quỹ ETF hoạt động ở Việt Nam cho thấy, dù đẩy mạnh giao dịch và năng động, nhưng mục tiêu chính chỉ là tái cơ cấu. Tiền mặt của họ cũng sắp cạn.

Vốn ngoại chảy từ đâu? Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài nhận xét, giá trị mua ròng của khối ngoại có khả năng xuất phát từ hai nguồn. Thứ nhất là dòng vốn ủy thác gián tiếp qua một số ngân hàng toàn cầu, với các phỏng đoán chính sách sắp có thay đổi tích cực. Như những lần trước đây, dòng vốn mang tính đầu cơ, vào nhanh và ra cũng nhanh không kém. Thứ hai là sự tham gia tích cực trở lại của một số quỹ đầu tư trước đây gặp áp lực tới hạn phải thanh lý quỹ. Trong suốt 4 tháng cuối năm 2011, một số quỹ phải nâng vị thế tiền mặt trước áp lực thanh lý quỹ hay chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp đưa quỹ đóng thành quỹ mở. Thời điểm cuối năm, một số quỹ đến từ Đông Á đã ổn định cấu trúc và chọn thời điểm thích hợp quay trở lại thị trường. Cũng không loại trừ về khả năng một số quỹ nước ngoài khác đạt được các thỏa thuận tương tự kéo dài thời gian hoạt động như các định chế tài chính Hàn Quốc.

Về áp lực thoái vốn của quỹ ngoại, Báo cáo chiến lược năm 2012 của CTCK HSC nhận định, nếu không có những áp lực thanh lý quỹ vì những lý do bên ngoài kinh tế Việt Nam, thì áp lực bán đã chấm dứt. Các quỹ lớn có phạm vi đầu tư ở Việt Nam đã được gia hạn hoặc nâng đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu thoái vốn trong năm 2012. HSC cho rằng, cuối năm ngoái, áp lực bán ra của khối ngoại là đợt bán cuối cùng trong một thị trường đi xuống dài hạn.

Vốn nội: “ Tay to” chờ bên lề thị trường

Hành trình đi lên của chứng khoán vừa qua được lý giải từ sự quay trở lại của khối ngoại và kỳ vọng của các NĐT nội địa: Cuối năm 2011, nhiều cổ phiếu dẫn dắt thị trường liên tục phá đáy, dưới áp lực bán tháo của các CTCK và ngân hàng nhằm thu hồi nợ và giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống giới hạn quy định. Khi tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nhiều tháng và không có dấu hiệu cho thấy VND sẽ bị phá giá, kênh đầu cơ này tự động biến mất. Với thị trường vàng, sau bước đột phá trong khâu quản lý, giá vàng trong nước chỉ lưỡng lự quanh vùng 45 triệu đồng/lượng, triệt tiêu một kênh “lướt sóng”. Còn thị trường bất động sản đang ảm đạm nhất trong nhiều năm qua, thanh khoản gần như tê liệt. Tiết kiệm ngân hàng dù vẫn đang là kênh đầu tư có vị thế lấn lướt nhất, nhưng ưu thế có thể sớm thay đổi, khi năm 2012, lạm phát vào quỹ đạo bị kiểm soát. Nhiều kênh đầu tư cùng lúc tắc nghẽn, khi nhận ra áp lực bán qua đi, đặc biệt lần đầu tiên gần như cùng lúc TTCK nhận được các tuyên bố hỗ trợ từ các cấp quản lý, dòng tiền mạo hiểm đã vào cuộc. Một đợt phục hồi được nhìn nhận chỉ mang tính kỹ thuật đã biến thành một con sóng nhỏ khi VN-Index tăng tới 22%.

Tuy nhiên, sau khi VN-Index trở lại mốc trên 400 điểm và có dấu hiệu điều chỉnh, giám đốc môi giới nhiều CTCK lớn tỏ ra hết sức dè dặt khi đề cập về diễn biến sắp tới của các chỉ số. Sự thận trọng này là có lý khi dòng tiền mạo hiểm sớm đạt kỳ vọng đang có dấu hiệu rút ra, trong khi các dòng tiền bổ sung vẫn là ẩn số. Môi giới của CTCK SSI, HSC, KimEng, Bản Việt… phản ánh với ĐTCK rằng, sự đi lên vượt mọi tiên liệu khiến nhiều khách hàng bắt đầu nôn nóng. Nhóm NĐT cỡ bự, có tiềm lực tài chính hàng trăm tỷ đồng, vốn chọn giải pháp đứng bên lề làm quan sát viên, nay đang cân nhắc cơ hội. Các CTCK là những gương mặt tạo lập thị trường không thể bỏ qua. Tất nhiên, khi “ngoại công” xuất hiện thì cần cả “nội kích” là dòng chảy tín dụng nội địa khơi thông.

Nhưng thị trường không thể sống chỉ bằng hy vọng. Điều kiện để chứng khoán phục hồi vững chắc là kinh tế vĩ mô phải ổn định để DN kinh doanh có lãi. Một trong các yếu tố bắt buộc là mặt bằng lãi suất phải giảm, lạm phát được kiềm chế, thanh khoản hệ thống ngân hành thông suốt. Có như vậy thì dòng tiền đánh cược vào các chuyển biến vĩ mô trong 3 hay 6 tháng tới giúp chứng khoán trở lại ngưỡng trên 400 điểm không rút đi và dòng tiền lớn bên lề mới chuyển dịch. Để thị trường đi tiếp, cần các tín hiệu ủng hộ tích cực từ chính sách và biến chuyển kinh tế vĩ mô.

Giang Thanh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Điều chỉnh nên làm gì? (15/02/2012)

>   Một cách nhìn về xử lý các khoản giải chấp chứng khoán (13/02/2012)

>   Sự kiện DNNY 13-18/02: Mở màn mùa chốt quyền dự đại hội (13/02/2012)

>   Ai bảo vệ tiền của nhà đầu tư ở công ty chứng khoán? (12/02/2012)

>   13/02: Bản tin đầu tuần (13/02/2012)

>   Gửi tiết kiệm: Kênh đầu tư “nằm ngủ vẫn sinh lời” (12/02/2012)

>   Tín hiệu thị trường nhìn từ cổ phiếu... “lởm” (11/02/2012)

>   Khấp khởi chờ tín hiệu mới (11/02/2012)

>   Nhiều khúc mắc trong triển khai T+2 (11/02/2012)

>   Nhân tố quyết định xu hướng thị trường năm Nhâm Thìn (12/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật