Chủ Nhật, 12/02/2012 08:00

Góc nhìn Nhà đầu tư - Dự cảm năm Nhâm Thìn (Kỳ 1)

Nhân tố quyết định xu hướng thị trường năm Nhâm Thìn

(Vietstock) - TTCKVN đã có những tuần giao dịch đầu khá tích cực sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Và câu hỏi được nhiều người đặt ra là xu hướng  thị trường năm Nhâm Thìn sẽ như thế nào? Dưới đây người viết xin được đưa ra dự cảm về các kịch bản đối với VN-Index.

Trước khi đi vào từng kịch bản cho VN-Index, thiết nghĩ cần điểm qua những nhân tố cơ bản sẽ chi phối và quyết định xu hướng ngắn – trung – dài hạn của thị trường.

Khủng hoảng nợ công châu Âu và tăng trưởng kinh tế thế giới

Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của nhà đầu tư là khủng hoảng nợ công khu vực sử dụng đồng Euro và khủng hoảng trên thị trường thế chấp dưới chuẩn, tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế thế giới nói chung.

Đầu năm 2010, vấn đề nợ công của Hy Lạp đã khởi đầu cuộc khủng hoảng sâu rộng ở khu vực sử dụng đồng Euro kéo dài đến hơn một năm sau đó. Tuy nhiên, hai tháng cuối năm 2011 xuất hiện những chuyển động lớn. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra ở Davos vừa qua, Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) cho rằng khu vực này đã đạt tiến bộ lớn trong giải quyết khủng hoảng nợ công và hiện đã trở thành một thế giới khác so với cách đây 5 tháng. Cũng tại đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy thời kỳ khủng hoảng nợ công nghiêm trọng nhất ở châu Âu đã trôi qua.

Lãi suất trái phiếu chính phủ của các nước trong “tâm bão” cuộc khủng hoảng như Tây Ban Nha, Italy... dường như đã đạt đỉnh cuối năm 2011. Đầu năm 2012 đến nay chính phủ những nước này đã bán được trái phiếu ở mức lãi suất thấp hơn nhiều so với tính toán của thị trường. 

Cuộc khủng hoảng trên sẽ được giải quyết, vấn đề chỉ là thời gian. Trường hợp lạc quan, có thể nửa đầu năm 2012 khu vực châu Âu sẽ đạt được những giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm. Trong trường hợp thận trọng, tiến trình sẽ diễn ra chậm hơn nhưng có lẽ sẽ không có nước nào phải rời khỏi khu vực ít nhất cho đến hết 2012 (khi các cuộc bầu cử ở Mỹ và Pháp còn chưa kết thúc). Trường hợp xấu nhất, một hoặc hai nước phải rời khỏi khu vực nhưng diễn biến vẫn nằm trong dự liệu mà các nước lớn (Pháp và Đức) đảm bảo sự an toàn của đồng tiền này – đồng Euro sẽ vẫn tồn tại và tăng cường sức mạnh sau cuộc khủng hoảng.

Về khủng hoảng trên thị trường thế chấp dưới chuẩn và tăng trưởng kinh tế Mỹ: Kể từ giữa năm 2011, thị trường liên tục nhận được những tin tức không xấu hơn, nếu không muốn nói là theo hướng tích cực từ lĩnh vực nhà đất và kinh tế vĩ mô ở Mỹ. Đây là nhân tố chủ đạo hỗ trợ các chỉ số chính trên TTCK Mỹ giữ được đà tăng bất chấp những vấn đề ở khu vực sử dụng đồng Euro (phiên giao dịch ngày 7/2/2012, Nasdaq đạt mức cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây).

Trong cuộc họp gần nhất cuối tháng 1/2012 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), FED cam kết giữ nguyên mức lãi suất siêu thấp ít nhất đến cuối năm 2014 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sự cải thiện trong tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ là nhân tố rất quan trọng làm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng Euro và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Từ cuối năm 2011, ngân hàng trung ương của hầu hết các nền kinh tế lớn đã ngừng tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Người viết cho rằng, trong năm 2012 các nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ không thắt chặt hơn, thậm chí có thể sẽ là nới lỏng. Như vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 có vùng xám ở khu vực sử dụng đồng Euro. Nhưng, một khi vấn đề nợ công sớm được giải quyết, khu vực này cũng sẽ được chứng kiến sự phục hồi về kinh tế.

Thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế

Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ vị trí nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp; đã hoàn thành trước hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, năng động, sáng tạo và hiệu quả vào nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương cấp khu vực và quốc tế. Chính những thành công đó góp phần tạo hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. 

Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng sẽ là khu vực kinh tế năng động, quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ 21. Thực hiện thành công tái cơ cấu và đổi mới mô  hình kinh tế sẽ giúp Việt Nam khai thác hiệu quả nhân tố “thiên thời” đó. Đây chính là nhân tố mà các NĐT, đặc biệt là NĐT tổ chức nước ngoài sẽ không thể bỏ qua.

Tái cơ cấu và đổi mới mô hình kinh tế

Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế trí thức…là quan điểm phát triển tổng quát của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Các thành viên Chính phủ đang cho thấy quyết tâm tạo sự thay đổi tích cực theo hướng tăng cường minh bạch, hiệu lực và hiệu quả trong điều hành vĩ mô, thực hiện thành công công cuộc tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế. Việc ban hành và quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 đã đem lại những kết quả rất đáng khích lệ từ nửa cuối năm 2011. Đặc biệt tăng trưởng GDP năm 2011 vẫn đạt khoảng 6% trong bối cảnh tốc độ tăng dư nợ tín dụng và cung tiền M2 giảm mạnh so với các năm trước..

Người viết cho rằng, với sự quyết liệt của Chính phủ, thời điểm 2014-2015 quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ cơ bản được hoàn thành, tạo nền tảng cho giai đoạn bứt phá sau đó.

Kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Nghị quyết 01 năm 2012 với 7 nhóm giải pháp lớn. Nhóm giải pháp về kinh tế được cho là sự tiếp nối định hướng điều hành của năm 2011: tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả...

Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 1 dương lịch. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 cả nước là 1%. Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, sức mua không tăng đột biến và giá đa số các mặt hàng đã giảm trở lại so với thời điểm sát Tết. Tín hiệu đầu năm cho thấy khả năng CPI sẽ được kiểm soát dưới 10% như mục tiêu Chính phủ đề ra.

Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ dần hạ thấp cùng tín hiệu từ CPI và thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Dù vậy, trong bối cảnh mục tiêu tăng dư nợ tín dụng 15-17%, vốn vay từ NHTM cho hoạt động kinh doanh sẽ không còn dễ dàng như trước đây.

Các doanh nghiệp (DN) nói chung đã trải qua quá trình tái cấu trúc sâu sắc, trong đó có hoạt động tái cơ cấu nguồn vốn, tăng cường năng lực quản trị tài chính nói riêng và quản trị doanh nghiệp nói chung. Đây chính là nhân tố giúp DN có sức bật, chớp thời cơ khi những vấn đề trên thế giới được giải quyết... Nền kinh tế phục hồi được cho là từ nửa cuối 2012 và đầu 2013.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân của các DN, Chính phủ cũng thực hiện nhiều quyết sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, như giãn, giảm thuế và cải cách thủ tục hành chính....

Tái cấu trúc, trả lại TTCK vai trò kênh huy động và dẫn vốn trung – dài hạn

Bộ Tài chính, UBCKNN đang triển khai chiến lược dài hạn cũng như những giải pháp, bước đi cụ thể, quyết liệt trong ngắn hạn, tái cấu trúc trên tất cả các trụ cột thị trường theo hướng minh bạch, hiệu quả. NĐT đã có thể tin TTCK không còn bị ghẻ lạnh, bỏ rơi, sẽ hồi phục và tăng trưởng năm 2012.

Từ phía NHNN, định hướng phát triển thị trường tiền tệ thực hiện đúng chức năng cơ bản cung cấp vốn lưu động (ngắn hạn) cho nền kinh tế; những chính sách nhằm ổn định giá trị VND và chống Đô la hóa nền kinh tế; các chính sách quản lý thị trường vàng khiến các kênh này giảm độ hấp dẫn, dòng tiền sẽ được “phân luồng” sang thị trường vốn mà trọng tâm là TTCK. Những kết quả đạt được từ giữa năm 2011 cho thấy diễn biến thực tế đang đi đúng định hướng của NHNN. Đây sẽ là nhân tố hỗ trợ rất đắc lực cho TTCK, giúp thị trường hoàn thành chức năng kênh huy động và dẫn vốn trung – dài hạn cho nền kinh tế. 

Tín hiệu từ phân tích kỹ thuật

TTCKVN đã trải qua một thời gian dài liên tục sụt giảm, thậm chí “lạc điệu” với TTCK thế giới, ngay cả khi kinh tế vĩ mô đã có những tín hiệu lạc quan nửa sau năm 2011. Đa số NĐT (cả tổ chức và cá nhân) thua lỗ nặng nề. Khoảng 70% số mã cổ phiếu trên hai sàn trở về vùng mệnh giá, trong đó không ít mã rơi về vùng 2,000-3,000 VND. Hệ số P/E của hàng loạt mã giảm về mức đặc biệt hấp dẫn chỉ từ 2-5.

Tháng 12/2011 hai chỉ số chung trên thị trường rơi về vùng hỗ trợ rất mạnh là 320-340 đối VN-Index và 51-55 đối với HNX-Index. Khi các chỉ số chung của thị trường và giá của từng mã cổ phiếu rơi về vùng hỗ trợ “cứng”, cũng là lúc lòng tham trỗi dậy. Tháng 12/2011 cho thấy sự phân hóa rất rõ nét, có nhóm cổ phiếu cắt cơn sụt giảm và đi ngang tích lũy, có nhóm quay đầu tăng giá, trong khi nhóm cổ phiếu nóng (phần lớn tập trung trên sàn Hà Nội) tiếp tục cơn sụt giảm “điên cuồng”.

Sang tháng 1/2012, hiệu ứng tích lũy và khởi động xu hướng giá tăng đã lan tỏa. Hầu hết các mã cổ phiếu kết thúc chu kỳ giảm, tiếp tục tích lũy và khởi động xu hướng mới. Thanh khoản được cải thiện rõ rệt, đặc biệt trên nhóm blue chips quen thuộc HAG, HPG, PVF, PVX, DPM, ITA, REE....

Thực ra, nếu theo dõi sát diễn biến thị trường, không khó để nhận biết tín hiệu “gom hàng” của dòng tiền “thông minh” khi kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả tích cực. Thanh khoản trên hai sàn chính thức đã bắt đầu cải thiện trở lại kể từ tháng 7/2011. Ngoài ra, những đợt “gom hàng” tăng sở hữu với những DN lớn của các NĐT chiến lược, những vụ M&A và IPO “đình đám” dồn dập nửa cuối năm 2011 và đầu năm 2012 là những bằng chứng sinh động.

Diễn biến vài tháng qua cho thấy thị trường đã đạt đáy, đang tích lũy và khởi động một xu hướng giá tăng. Niềm tin nơi NĐT đang phục hồi và lớn dần.

Đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để tham gia thị trường trong vòng 10-15 năm tới!

* Đón đọc Dự cảm năm Nhâm Thìn - Kỳ 2: Các kịch bản đối với chỉ số VN-Index

Phạm Tường Phán

Các tin tức khác

>   Dòng tiền nội vào cuộc đua giá (10/02/2012)

>   Broker với trăm nẻo mưu sinh (10/02/2012)

>   Thu hồi Giấy chứng nhận Thành viên lưu ký của SME (10/02/2012)

>   10/02: Bản tin 20 giờ qua (10/02/2012)

>   Cổ phiếu giá rẻ - Chọn mặt gởi tiền (09/02/2012)

>   Khối ngoại dồn dập “đánh thốc” cổ phiếu VN30? (09/02/2012)

>   Lạc quan đang chuyển hóa hoài nghi (09/02/2012)

>   Đâu là cái lý của dòng tiền? (09/02/2012)

>   Tiền có 'chảy' vào chứng khoán? (09/02/2012)

>   Những cú huých hâm nóng chứng khoán (09/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật