Thứ Năm, 09/02/2012 10:17

Lạc quan đang chuyển hóa hoài nghi

(Vietstock) - Nếu quả thị trường đã lập đáy và vẫn tăng tiếp trong ngắn hạn, thì tại sao lại không thể hy vọng thị trường sẽ có diễn biến tốt hơn trong trung hạn?

Vậy là hai chỉ số VNI và HNX lại một lần nữa, lần thứ tư với VNI và lần thứ ba với HNX, vượt ngưỡng kháng cự.

Từ chuyện “T+2” vẫn chưa có bất cứ một câu trả lời nào trọn vẹn, đến việc lãi suất vẫn chưa hề có tín hiệu nào được kéo hạ, và gần đây nhất là câu chuyện nhà đầu tư chứng khoán vẫn phải đóng thuế dù… lỗ - tất cả những sự việc đó hình như không gây tác động tiêu cực nào đối với đà đi lên ngày càng ổn định hơn của thị trường.

Ai cũng có thể nhìn nhận ra thanh khoản trên cả hai sàn, đặc biệt sàn Hà Nội, đang có bước chuyển biến đáng kể. Và cả một dấu hiệu có phần lạc quan hơn: từ ngày 6/2 khi chính thức áp dụng bộ chỉ số mới VN30, hoạt động làm giá của “tứ trụ” trước đây, dù đã bị thay thế bởi “ngũ bá” sau này, cũng không đến nỗi tự tung tự tác nữa.

Cộng dồn lại, những hiện tượng trên đang kết thành một hơi hướng phục hồi có thể được xem là khá bền vững của thị trường.

Vào giữa tuần này, có lẽ những hoài nghi từ tuần trước và hơn nữa là từ trước Tết đã có dịp chuyển hóa thành ít ra một thái độ hoặc tò mò, hoặc khấp khởi trông ngóng vào ít ra là xu thế tăng trưởng trong ngắn hạn của mặt bằng giá cổ phiếu.

Những thông tin cập nhật mới nhất từ các công ty chứng khoán cho thấy việc đổ tiền vào những tài khoản mới và làm sống lại những tài khoản tưởng như đã chết.

Đến giờ này, có lẽ ‘Tôi và chúng ta” cùng nhìn lên. Vào lần này, cũng như không ít lần trong lịch sử của TTCK, khởi điểm với tràn ngập thất vọng mà trong đó thái độ hoài nghi vẫn còn được xem là một điểm sáng, thị trường cứ từ từ bò lên. Trên con đường khúc khuỷu như thế, điều đáng ngại là vẫn diễn ra những tác động làm giá, dù với mức độ nhỏ hơn so với quá khứ, thế nhưng cuối cùng vẫn là tăng.

Cho đến một thời điểm, không chỉ nhóm VN30 tăng giá, mà cả các nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ cũng tăng theo, đẩy mặt bằng giá “lên một tầm cao mới”. Khi đó, tâm lý sốt ruột của người cầm tiền phải được cụ thể hóa bằng hành động mua bắt đáy, hoặc chính xác hơn là mua đuổi.

Thực tình là đáy đã ở bên dưới, không quá xa nhưng cũng không còn đủ gần cho những tính toán thận trọng nữa. VNI-Index đã vượt trên 20% về điểm số, còn HNX-Index lội được 15% về giá trị, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng từ 20-30%. Nếu vào năm trước, mức tăng như vậy đã làm nhụt chí người cầm tiền vì nỗi lo rủi ro lao dốc thường trực, thì vào đầu năm nay, khi bạn tin rằng thị trường đã lập đáy thì đó là niềm an ủi lớn nhất để bạn sẵn lòng mạo hiểm thêm một lần nữa.

Hy vọng lần mạo hiểm này sẽ không phải trả giá quá lớn như dĩ vãng. Thậm chí là ngược lại, những người tinh thông có thể bắt đầu tính toán được những phân đoạn sóng nhỏ để có thể lướt - điều mà nguyên năm trước đã trở nên vô cùng khó khăn.

Như tôi đã đề cập trong những bình luận trước đây, sẽ khó có cơ hội cho thị trường hồi phục một cách suôn sẻ và có tính quy luật như thời kỳ quý 1-2 năm 2009. Khác hơn nhiều, lần này đồ thị sóng hồi phục là một sự đánh đố đối với tất cả các nhà đầu tư và cả với các công ty chứng khoán. Thị trường không “nhất thiết” phải “tăng 2 giảm 1” hay “tăng 3 giảm 1”, mà có thể biến chuyển vô chừng.

Với “phong cách” phục hồi khó khăn ấy, ngay cả những người đầu tư theo chỉ số VN30 cũng không hẳn sẽ đạt hiệu quả tối ưu. Đồng ý là chỉ số sẽ tăng, giá nhiều cổ phiếu cũng tăng theo, nhưng không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng với tỷ lệ như nhau.

Trong cách nhìn riêng, tôi lại cho rằng nhóm chi phối thị trường sẽ “chẳng dại gì” tạo động lực cho cổ phiếu bluechip tăng giá đồng loạt. Thay vào đó, sẽ có chọn lựa, chọn lọc, sẽ có chiến thuật đánh từng cổ phiếu, nhóm cổ phiếu lên trước và sau, dịch chuyển theo thứ tự.

Còn với những nhà đầu tư ít kinh nghiệm hoặc mới chỉ tham gia thị trường, có lẽ phương án tối ưu là nên “nắm và giữ”, với một thái độ gần như người đầu tư vàng hay đầu tư đất. Bởi khác hẳn với sóng tăng trưởng dốc đứng trong một số thời kỳ trước đây, giai đoạn vừa qua và sắp tới có thể gần giống với diễn biến của thị trường vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2009.

Nhưng thôi, hãy tạm gác lại những bài học không đáng có. Chúng ta hãy nên nhìn xa hơn một chút. Nếu quả thị trường đã lập đáy và vẫn tăng tiếp trong ngắn hạn, thì tại sao lại không thể hy vọng thị trường sẽ có diễn biến tốt hơn trong trung hạn?

Hạ Xuyên

Các tin tức khác

>   Đâu là cái lý của dòng tiền? (09/02/2012)

>   Tiền có 'chảy' vào chứng khoán? (09/02/2012)

>   Những cú huých hâm nóng chứng khoán (09/02/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 09/02/2012 (09/02/2012)

>   09/02: Bản tin 20 giờ qua (09/02/2012)

>   Nhà đầu tư chứng khoán ngóng giao dịch buổi chiều (08/02/2012)

>   HOSE: Giao dịch cổ đông lớn, nội bộ ngày 08/02 (08/02/2012)

>   Chứng khoán Đông Dương ngừng giao dịch tại HOSE (08/02/2012)

>   Đại hội trực tuyến có khả thi? (08/02/2012)

>   EVE: Tăng room của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% (08/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật