Góc nhìn Nhà đầu tư
Một cách nhìn về xử lý các khoản giải chấp chứng khoán
(Vietstock) - Trước khi có quy định về giao dịch ký quỹ thì hoạt động này đã chính thức có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khá lâu dưới cái tên gọi Hợp đồng hợp tác đầu tư.
Có hai hình thức về hợp đồng hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán (CTCK) thường thấy, bằng cách sử dụng vốn vay của chính CTCK hay của một tổ chức tài chính khác.
Khi sử dụng đòn bẩy tài chính bằng nguồn vốn của chính CTCK, nhà đầu tư (NĐT) đã ký hợp đồng trực tiếp với CTCK, tài sản đảm bảo trên tài khoản chứng khoán lưu ký của chính CTCK đó hoặc bằng các tài sản khác ngoài cổ phiếu mà NĐT đứng tên sở hữu.
Còn khi sử dụng đòn bẩy tài chính bằng nguồn vốn của một tổ chức tài chính khác thì CTCK đóng vai trò trung gian, đứng ra xác nhận tài sản đảm bảo của NĐT trên tài khoản chứng khoán lưu ký tại CTCK và theo dõi, báo cáo giao dịch của NĐT trước đơn vị cho vay để đảm bảo hợp đồng giữa hai bên đươc thực hiện đúng.
Tỷ lệ vay trong các hợp đồng hợp tác đầu tư rất khác nhau tùy theo khách hàng, tùy theo tài sản đảm bảo hay chính sách của từng CTCK. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ Tài sản đảm bảo /Số tiền phát vay dao động quanh tỷ lệ 1:1 đến 3:7, cá biệt có nơi đến 1:4. Do vậy, lượng hàng cần bán giải chấp là thông tin rất khó biết được.
Bán giải chấp có tạo ra cung giả?
Khi tỷ lệ vay vượt ngưỡng an toàn và quá thời hạn để khách hàng nộp thêm tài sản; các CTCK, tổ chức cho vay sẽ tiến hành xác định tại mức giá tham chiếu trong ngày hôm đó cần bán số lượng cổ phiếu của khách là bao nhiêu để thu tiền đã phát vay.
CTCK có thể tiến hành bán bằng mọi giá để thu tiền về. Đây là cách phổ biến nhất. Họ sẽ bán để làm sao thu đủ giá trị số tiền về cho tổ chức mình mà không cần biết lượng cầu trên thị trường như thế nào. Họ sẵn sàng đặt bán và đua bán tại mức giá sàn miễn sao giải quyết càng sớm càng tốt.
Trường hợp cổ phiếu thanh khoản kém, không thực hiện được như cách trên thì các tổ chức cho vay vẫn bán nhưng cũng chính họ sẽ mua lại nhằm mục đích nhanh chóng đưa giá cổ phiếu về đúng bằng giá phát vay. Về đến mức giá này, nếu khách hàng vẫn không thể bổ sung tài sản hay thanh lý khoản vay được thì các tổ chức sẽ tiến hành giao dịch thỏa thuận lượng hàng trên từ tài khoản khách hàng về tài khoản đứng tên của tổ chức đó. Lúc này coi như khách hàng đã hết nợ và số chứng khoán trên là khoản đầu tư của tổ chức đó.
Các hoạt động bán giải chấp có tạo ra cung giả tạo trên thị trường hay không?
Với lãi vay cao thì một điều chắc chắn là việc vay tiền để mua của NĐT đa phần là cho hoạt động đầu cơ. Như vậy, nếu loại trừ trường hợp làm giá và tăng lượng dư mua ở mức giá thấp thì việc này không tạo ra cầu giả tạo trên thị trường; mà nó phản ánh kỳ vọng của người mua vào cổ phiếu trong thời gian ngắn.
Về phía cung, hoạt động bán giải chấp là không theo quy luật cung cầu của thị trường, tạo ra lượng cung ảo về mã chứng khoán đó. Lý do bán không dựa vào phân tích tình hình tài chính hay thông tin về doanh nghiệp mà đơn thuần là bán để thu tiền về với khối lượng bán tăng đột biến, không phụ thuộc vào ý chí của người bán.
Tóm lại, hoạt động bán giải chấp qua khớp lệnh liên tục, định kỳ không phản ánh đúng cung cầu của thị trường và cần có cách xử lý trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cả người vay và người cho vay. Cổ phiếu cho dù là hàng hóa nhưng vẫn có những đặc tính riêng và cần những cách xử lý riêng.
Các phương hướng xử lý
Thứ nhất, giao dịch ký quỹ đối với chứng khoán niêm yết nhất thiết phải thực hiện thông qua CTCK. Trường hợp sử dụng vốn vay của các tổ chức khác thì phải thực hiện giao dịch thông qua các CTCK mà tổ chức đó mở tài khoản. Khi đó, CTCK đứng ở vai trò trung gian thực hiện giao dịch, đảm bảo khả năng thanh toán và thông tin minh bạch của hai bên, thực hiện việc công bố thông tin về giao dịch ký quỹ với UBCK và Sở GDCK.
Thứ hai, về việc công bố thông tin, theo điều 19 trong Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, trước khi bán giải chấp thì CTCK có trách nhiệm thông báo cho khách hàng và có trách nhiệm gửi cho khách hàng bảng sao kê kết quả giao dịch bán giải chấp chứng khoán ký quỹ. Như vậy, việc bán giải chấp khi chưa đến hạn báo cáo định kỳ theo điều 21 (cũng trong quy chế trên) sẽ chỉ có CTCK và khách hàng biết. Do đó, để đảm bảo thông tin công khai và minh bạch, UBCK nên quy định CTCK phải công bố thông tin ra toàn thị trường trước 2 ngày giao dịch về lượng bán giải chấp, thời gian bán giải chấp dự kiến.
Thứ ba, khối lượng bán giải chấp hàng ngày không được vượt quá khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất để tránh lượng cung tăng đột biến.
Thứ tư, tỷ lệ ký quỹ cũng như danh mục chứng khoán được phép ký quỹ nên giao cho CTCK tự quyết định căn cứ vào chất lượng dịch vụ tài chính và khả năng quản lý rủi ro của chính CTCK. Việc ra những tiêu chí trên hoàn toàn không đủ thời gian để các CTCK khắc phục và những quy định hành chính “gây sốc” được đưa ra khi nhiều giao dịch ký quỹ, margin trên thị trường đã không còn kiểm soát nổi là hành động đúng nhưng không thực tế. UBCK chỉ nên quy định thời gian vay (vì bản chất là hoạt động đầu cơ), tỷ lệ phải xử lý giải chấp và điều kiện các CTCK được phép giao dịch ký quỹ căn cứ vào tình hình tài chính của CTCK hoặc nguồn vốn bên ngoài có chứng minh nguồn gốc mà CTCK vay để phục vụ cho giao dịch ký quỹ.
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước nên cấm các Ngân hàng TMCP cho vay để đầu tư chứng khoán vì cả ngân hàng và TTCK đều thực hiện huy động vốn với đối tượng khác nhau. Ngoài ra nhiều khi do áp lực tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã dễ dãi rót tiền cho vay đầu tư chứng khoán mà bỏ qua những rủi ro của kênh đầu tư chứng khoán, đặc biệt là tại Việt Nam. Đây là những khoản vay có lãi suất vay cao, thời gian vay ngắn, tài sản đảm bảo dễ thanh khoản nhưng lại có nhiều rủi ro khi giá giảm không phanh, thanh khoản từ cao thành mất thanh khoản trong thời gian ngắn. Đó là còn chưa kể đến hồ sơ vay chính ngân hàng còn chưa kiểm soát được sự chính xác khi có sự kết hợp giữa khách hàng và CTCK lấy số dư chứng khoán làm tài sản đảm bảo vay ngân hàng. Trước mắt thì việc cấm này sẽ gây tiêu cực cho thị trường nhưng là giải pháp để TTCK ổn định lâu dài.
Thứ sáu, để đảm bảo NĐT không bị mất trắng trong trường hợp giao dịch ký quỹ chứng khoán mất thanh khoản và bị CTCK xử lý bằng cách giao dịch thỏa thuận như trên, UBCK nên quy định trong các hợp đồng giao dịch ký quỹ phải có điều khoản nếu giá giảm đến mức nào đó. Ví dụ, tỷ lệ Tài sản đảm bảo/ Số tiền phát vay nhỏ hơn tỷ lệ 3:7 thì CTCK được phép thỏa thuận mua lại số chứng khoán của NĐT để tránh NĐT bị mất thêm. Trong khoảng thời gian nào đó, NĐT căn cứ theo khả năng tài chính của mình sẽ thỏa thuận mua lại số chứng khoán trên tại chính mức giá đó. Như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro phần nào cho cả hai bên vay và cho vay.
Thực tế đã cho thấy các dịch vụ T+2, ký quỹ, bán khống, quyền chọn…đã được các CTCK triển khai khi chưa có quy định cụ thể của UBCK. Điều này cho thấy nhu cầu có thật của thị trường, các CTCK “nhìn nhau’ và chỉ chờ có ai đó đi tiên phong để nối tiếp triển khai.
Sự quản lý hành chính không theo kịp thay đổi của TTCK đã gây ra những hậu quả xấu đã được phản ánh nhiều từ cuối năm 2009 trở về đây. Hy vọng sự ra đời Quy chế giao dịch ký quỹ sẽ là khởi điểm để các cơ quan quản lý đưa ra các quy chế về giao dịch quyền chọn, bán khống sau này hợp lý hơn.
Nguyễn Mạnh Nghĩa (Hà Nội)
|