Vùng tối và sáng của công ty chứng khoán
Một trong những nhiệm vụ mà Bộ trưởng Tài chính giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thực hiện ngay trong quí 1 là tăng cường thanh tra các công ty chứng khoán. Tiến trình tái cơ cấu khối chứng khoán cho đến nay vẫn chỉ đang khởi động trên giấy!
Chưa báo cáo hết, đã lỗ 2.000 tỉ đồng
Mùa báo cáo tài chính năm chưa kết thúc, nhưng con số 80 công ty chứng khoán lỗ được cơ quan quản lý thị trường công bố vào cuối quí 3-2011, có vẻ như không những không giảm mà còn tăng thêm. Số lỗ lũy kế cả năm cũng vì thế mà nhiều thêm. Công ty Chứng khoán BIDV lỗ 208 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) lỗ 93 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lỗ hơn 380 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Hải Phòng (HPC) lỗ gần 95 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Công nghiệp và Thương mại (VIG) lỗ 96 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Sao Việt (SVS) lỗ 38 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) lỗ 44 tỉ đồng… Tính sơ khởi những công ty đã nộp báo cáo tài chính, số lỗ ước khoảng 2.000 tỉ đồng.
Mức thua lỗ đã khiến vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán co lại. Đã có bốn công ty từ bỏ nghiệp vụ môi giới. Nhiều công ty lỗ trong mảng tự doanh, hết cả vốn. Thị trường đang đặt câu hỏi về một số công ty có số dư tiền mặt cao vào cuối kỳ, nhưng lại có khoản nợ ngân hàng khá lớn. Khoản nợ này được một số công ty giải thích là của khách hàng, họ chỉ là người đứng giữa giới thiệu khách hàng cho ngân hàng. Không lẽ ngân hàng ngờ nghệch đến mức nhận cổ phiếu thế chấp, mà không quản lý, không biết giá trị của chúng đến mức nào thì xử lý để thu hồi nợ? Từ xưa đến nay trong cho vay chứng khoán, chưa có ngân hàng nào mất vốn. Chỉ cần giá cổ phiếu về gần điểm xử lý, ngân hàng đã xử lý rồi, không chờ nước gần đến chân, nói gì nước đến chân. Bởi thế những khoản nợ lớn hàng ngàn tỉ đồng của khách hàng trên sổ sách công ty chứng khoán không thể không liên can gì đến chính công ty.
Thứ nữa, một số công ty có giá trị đầu tư dài hạn tăng đột biến. Nếu là tự doanh, phải chăng các công ty này vừa giải ngân một khoản tiền lớn? Xem lại báo cáo tài chính, số tiền nhàn rỗi để giải ngân là không có, hoặc có nhưng không đáng kể. Khả năng chuyển nợ thành đầu tư dài hạn đang được để ngỏ. Với những khoản cho khách hàng ký quỹ, nay tài khoản bị “cháy”, nhà đầu tư bỏ của chạy lấy người, công ty chứng khoán đã chuyển sang danh mục đầu tư dài hạn. Về nguyên tắc, đầu tư dài hạn phải trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, đa số công ty chỉ trích dự phòng đầu tư ngắn hạn. Thậm chí những khoản đầu tư OTC cũng không được trích dự phòng với lý do không có giao dịch.
Bao giờ minh bạch hóa bắt đầu?
Nếu thanh tra UBCKNN làm rõ được những điểm mờ mờ tỏ tỏ này, sự minh bạch của các công ty chứng khoán sẽ hiện ra và đây là điều cần thiết trước khi xác định chính xác tỷ lệ vốn khả dụng để xếp loại và tiến hành các bước tái cơ cấu. Không giống ngân hàng, nơi áp lực tái cơ cấu bị ép từ trên xuống, tái cơ cấu công ty chứng khoán đến nay vẫn chỉ là tự nguyện, nghĩa là sức ép từ dưới lên.
Nhìn vào phía sau, sự ra đi sắp tới của vài chục công ty chứng khoán là sự ra đi của những ông chủ, bà chủ các công ty. Những cổ đông lớn, cổ đông sáng lập công ty chứng khoán không chỉ mất tiền khi công ty thua lỗ, mất vốn như thể hiện trên báo cáo tài chính. Không ít cổ đông công ty chứng khoán góp vốn lập doanh nghiệp với một nửa số vốn của bản thân, nửa khác vay ngân hàng, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có, tức cổ phiếu công ty chứng khoán. Nay hầu hết thị giá cổ phiếu chứng khoán dưới mệnh giá (hơn chục cổ phiếu chứng khoán niêm yết có giá 1.500-5.000 đồng), thì các cổ đông nói trên phải đối mặt với trách nhiệm nộp thêm tài sản thế chấp cho ngân hàng. Giới đầu tư gọi đây là lỗ kép!
Trong thành phần công ty chứng khoán, một lực lượng đông đảo là các công ty trực thuộc ngân hàng, hoặc có sự góp vốn của ngân hàng đến 11% vốn điều lệ. Các công ty ấy tuy có khó khăn song khả năng trụ lại cao nhờ ngân hàng mẹ gánh lỗ qua việc trích lập dự phòng rủi ro của chính ngân hàng. Còn lại khoảng 50 công ty chứng khoán tư nhân, một số có vốn góp của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, sẽ không dễ tồn tại, nhất là các doanh nghiệp nhà nước đang phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Sự ra đời của một công ty chứng khoán được thị trường chính thức công nhận, ấy là khi nó có giấy phép thành lập, hoạt động trong tay. Sự chấm dứt của nó sẽ là khi giấy phép không còn giá trị (bị thu hồi, hết thời hạn hoạt động). Hẳn nhiên là chưa có công ty chứng khoán nào hết hạn hoạt động. Bao lâu nữa UBCKNN thông báo lần đầu tiên thu hồi giấy phép hoạt động của một công ty chứng khoán?
Thị trường chứng khoán giảm sâu đã vắt kiệt sức và chuẩn bị đào thải những công ty không đủ sức cạnh tranh. Mấy tháng trước đã có hiện tượng cổ đông lớn của một công ty chứng khoán “nói lời chia tay” một các tinh vi. Nếu tiếp tục để công ty chứng khoán như một công ty trực thuộc, cổ đông tổ chức đó phải hạch toán kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán vào báo cáo tài chính hợp nhất và sẽ để lộ hàng ngàn tỉ đồng cho vay có khả năng mất vốn, bắt buộc trích lập dự phòng, dẫn tới lợi nhuận tập đoàn sụt giảm. Tập đoàn đã chuyển nhượng cổ phiếu công ty chứng khoán đang nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức thấp nhất và coi như từ nay công ty chứng khoán không còn trực thuộc. Nếu chuyển nhượng qua sàn, theo thị giá niêm yết, tập đoàn sẽ phải ghi nhận khoản lỗ vài trăm tỉ đồng. Sự chuyển nhượng đã diễn ra bên ngoài sàn với giá bằng mệnh giá. Một sự chuyển nhượng theo hình thức thỏa thuận với giá cao hơn giá giao dịch trên sàn như vậy phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Nói thế để thấy rằng sự vào cuộc của thanh tra chứng khoán đối với hoạt động của công ty chứng khoán không những cần thiết, phải đẩy nhanh như hối thúc của Bộ trưởng Tài chính, mà còn cần quyết liệt. Sự minh bạch của thị trường phải bắt đầu từ nhóm chủ thể này.
Lưu Hảo
TBKTSG
|