Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu mới (kỳ 2): Những dự báo kinh hoàng
Theo dự báo của cơ quan nghiên cứu LEAP/Europe 2020, từ nay đến năm 2013, khoảng 30.000 tỷ USD tài sản của các ngân hàng phương Tây sẽ tan thành mây khói do tác động của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và nhiều yếu tố bất lợi khác. Bên cạnh đó, một loạt dự báo đen tối cho ngành ngân hàng toàn cầu cũng được đưa ra.
* Khủng hoảng NH mới (kỳ 1): Những dấu hiệu đen
Châu Âu mất 7.000 tỷ USD
Vượt xa con số 2.000 tỷ EUR (2.633 tỷ USD) Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) đang hướng đến, giới phân tích tin rằng các ngân hàng ở lục địa già sẽ mất khoảng 7.000 tỷ USD trong thời gian tới.
Theo nhà phân tích Gareth Gore của tạp chí Tài chính quốc tế (International Financing Review), các loại tài sản từng là bệ đỡ cho ngành ngân hàng như tài sản thế chấp, bất động sản và các khoản vay khác nay đều tỏ ra yếu kém và nhiều rủi ro.
Trong khi đó, các nguồn huy động vốn truyền thống (qua các định chế đầu tư và các ngân hàng khác) cũng bắt đầu cạn dần khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ngày thêm trầm trọng.
Điều này buộc các ngân hàng phải nhanh chóng tìm những nguồn vốn thay thế để có thể “sống sót”. Kế hoạch đầu tiên là bán bớt các tài sản xấu, nhưng đã thất bại vì người mua không chấp nhận giá bán các ngân hàng đưa ra.
Cụ thể, các ngân hàng muốn bán các loại tài sản xấu gần bằng với giá danh nghĩa - giá trị được ghi trong sổ kế toán - trong khi người mua lại muốn có giá tốt hơn. Vì vậy, các ngân hàng chuyển sang kế hoạch B.
|
Sẽ xuất hiện làn sóng nộp đơn phá sản của các ngân hàng châu Âu trong năm 2012?
|
Họ gộp các loại tài sản yếu kém dưới dạng các gói chứng khoán, rồi đem chúng thế chấp để vay tiền từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nói cách khác, trò chơi “chứng khoán hóa” tương tự trước khi bùng phát khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2007-2008 đã trở lại.
Nhưng ECB cũng chỉ chấp nhận thế chấp bằng một số loại tài sản nhất định. Khi đó, các ngân hàng lại quay sang các ngân hàng đầu tư và đối tác, thỏa thuận để “biến” tài sản không thể thế chấp thành các gói chứng khoán mà ECB chấp nhận, sau đó dùng chúng để vay tiền ECB.
Nhà phân tích David Enrich của tờ Wall Street Journal nhận định đó là “kế hoạch thông minh”, nhưng có thể khiến các đối tác của ngân hàng lâm cảnh phá sản. Và khi một đối tác lớn sụp đổ, sẽ gây phản ứng dây chuyền khiến các ngân hàng và đối tác khác ở lục địa già lập tức đổ xô giành lại tiền mặt hoặc các tài sản giàu thanh khoản.
Khi đó, châu Âu sẽ giống như Hoa Kỳ năm 2008. Và ngay cả khi các ngân hàng châu Âu có thể dùng trò “chứng khoán hóa” để xoay sở và tồn tại, họ vẫn có kế hoạch giảm một lượng lớn tín dụng.
Đây là bước đi khôn ngoan của các ngân hàng nhưng lại không tốt cho nền kinh tế. Theo Gore, các ngân hàng lớn như Societe Generale và BNP Paribas đã lên kế hoạch giảm khoảng 5.000 tỷ EUR trong vòng 3 năm tới.
30.000 tỷ USD tan biến
Theo GlobalEurope Anticipation Bulletin (GEAB), với việc các ngân hàng phải giảm tới 50% nợ cho Chính phủ Hy Lạp (theo thỏa thuận của các lãnh đạo châu Âu), cuộc khủng hoảng hệ thống toàn cầu bước sang một giai đoạn mới, khi các nhà đầu tư và ngân hàng phải hủy nợ công cho các chính phủ phương Tây.
GEAB trích nghiên cứu của LEAP/Europe 2020 dự báo năm 2012 các chủ nợ phương Tây phải hủy bình quân 30% nợ chính phủ. Điều này, cộng với mất mát tương đương trong tài sản kế toán của các định chế tài chính toàn cầu, đến đầu năm 2013, 30.000 tỷ USD tài sản của thế giới sẽ tan biến vào không khí.
Trong khi đó, sự bất đồng giữa các lãnh đạo trên thế giới đang có dấu hiệu gia tăng. Cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Cannes (Pháp) gần đây và thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) ngày 9-12 đều kết thúc trong thất vọng.
2 ông lớn đánh giá tín dụng toàn cầu là Moody’s và Fitch hôm 12-12 đã nhận xét về cuộc họp ngày 9-12 là một “thất bại”. Đặc biệt, trong khi lục địa già đang cần một sự đoàn kết cao độ để chống lại cuộc khủng hoảng nợ công thì những dấu hiệu bất đồng ngày càng rõ nét.
Đầu tiên, Anh bị loại khỏi cuộc họp của khu vực đồng EUR hồi tháng 10 và nay lại phủ quyết công ước tài chính được 26 thành viên EU còn lại thông qua. Hiện có hơn 50% cử tri Anh muốn nước này rời bỏ EU.
Làn sóng phá sản mới?
Steen Jakobsen, Kinh tế trưởng Saxo Bank, tỏ ra lo ngại việc sẽ xuất hiện một làn sóng nộp đơn phá sản của các ngân hàng châu Âu ngay trong năm 2012. Steen cho rằng châu Âu nên có một luật phá sản tương tự Chapter 11 của Hoa Kỳ.
Theo ông, thời gian đang cạn trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ đưa ra kế hoạch chung chung, không có các giải pháp cụ thể giải quyết nợ công, trong khi thị trường liên ngân hàng ở châu Âu đang gần như đóng băng. Khoảng cách vốn ứng cứu và nhu cầu ứng cứu quá lớn.
Quỹ EFSF hiện chỉ có 440 tỷ EUR, nhưng giới chuyên môn ước tính Italia và Tây Ban Nha mỗi năm cần 400-500 tỷ EUR để hoạt động và tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Không chỉ các ngân hàng châu Âu. Fitch còn cảnh báo các ngân Hoa Kỳ đang đối mặt với “rủi ro nghiêm trọng” do các loại nợ họ nắm giữ sẽ thành giấy lộn vì liên quan đến nợ của châu Âu. “Nếu cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng EUR không được giải quyết trình tự và kịp thời, triển vọng tín dụng của ngành ngân hàng Hoa Kỳ sẽ rất tệ” - Fitch nói trong một thông cáo.
Theo ước tính của Fitch, các ngân hàng Hoa Kỳ hiện nắm giữ một lượng lớn nợ nhiều rủi ro của các nước PIIGS (Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha). 6 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ là JPMorgan Chase & Co., Bank of America Corp., Citigroup Inc., Wells Fargo & Co., Goldman Sachs Group Inc. và Morgan Stanley có 50 tỷ USD nợ rủi ro của các nước PIIGS, trong khi có 188 tỷ USD nợ của các ngân hàng Pháp, 225 tỷ USD nợ của các ngân hàng Anh.
Văn Cường
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|