Thứ Năm, 15/12/2011 06:28

Tác động khủng hoảng toàn cầu đối với BRICS: Bữa tiệc đã tàn?

Khủng hoảng tài chính không chỉ tàn phá Mỹ và châu Âu mà đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là nhóm dẫn đầu BRICS.

Trong mười năm qua, các nền kinh tế BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) luôn tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Brazil tăng từ chưa đầy 2% năm 2001 lên 7,5% năm 2010, mức kỷ lục trong vòng 25 năm qua. Tăng trưởng của Trung Quốc đạt 8,3% năm 2001, tăng vọt lên tới 14% năm 2007 và 10,5% năm 2010. GDP Ấn Độ tăng từ 3,8% năm 2001 lên 10,4% năm 2010. Tăng trưởng của Nga và Nam Phi cũng rất ổn định.

Nhờ vậy, chỉ riêng năm nước BRICS đã chiếm gần 40% kinh tế thế giới cùng nguồn dự trữ ngoại tệ lớn, đặc biệt như Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại tệ chiếm đến 2/3 nguồn dự trữ thế giới (PDF).

Vào đầu những năm 2000, các nền kinh tế mới nổi này đã xuất hiện như những người chiến thắng trong thập niên sắp tới, đến mức mà các nhà kinh tế tin rằng các nền kinh tế này hoàn toàn “miễn nhiễm” với khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 vốn đã nhận chìm các nước giàu có vào cuộc khủng hoảng địa ốc và cuộc khủng hoảng nợ còn chưa biết khi nào kết thúc. Các nhà kinh tế lúc đó đưa ra lý thuyết cho rằng các nước BRICS đến một thời điểm nhất định sẽ có thể tách khỏi các nền kinh tế đã phát triển để tăng trưởng theo tốc độ riêng của mình, bất chấp sóng gió của các nền kinh tế “già nua” này.

Tuy nhiên, trước các diễn biến của năm 2011, liệu nhận định này còn có cơ sở?

Những dấu hiệu xấu

Các “đầu tàu kinh tế” như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng đã chậm lại trong những tháng gần đây với tốc độ tăng trưởng năm nay và dự báo năm tới đã giảm sút, dù vẫn còn cao hơn so với các nước giàu có phương Tây.

Theo Bloomberg, trong quý 3-2011, kinh tế Brazil đã suy thoái sau tám quý tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo GDP của Brazil cả năm 2011 chỉ tăng khoảng 2,97%, thua xa mức dự báo ban đầu 3,8%. Tăng trưởng năm 2012 nhiều khả năng cũng chỉ đạt 3,4-3,48%, thấp hơn dự báo cũ 4-5% và chỉ bằng một nửa mức kỷ lục của năm 2010.

Tại Ấn Độ, báo India Times cho biết sản xuất công nghiệp trong tháng 10-2011 giảm tới 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thâm hụt thương mại tăng mạnh lên 155-160 tỉ USD so với mức 104,4 tỉ USD một năm trước. Chính quyền New Delhi xác định tăng trưởng GDP năm 2011 chỉ đạt 7,25-7,75% thay vì mức 9% như dự báo trước đó. Dự báo tăng trưởng năm 2012 cũng chỉ đạt 7,25%.

GDP của Trung Quốc cũng sẽ chỉ đạt mức tăng 9-9,2% trong năm 2011, như Tân Hoa xã cho biết. Giới tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm còn 8,5% trong năm 2012. Các công ty Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ châu Âu sụt giảm. Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo khủng hoảng nợ châu Âu sẽ khiến xuất khẩu của các nước Đông Á, trong đó có Trung Quốc, sụt giảm mạnh.

Khủng hoảng không chừa ai

Căn bệnh chung của các nền kinh tế BRICS là lạm phát cao. Chỉ số giá tiêu dùng Ấn Độ xấp xỉ 10%, đẩy hàng triệu người nghèo vào cảnh khó khăn. Lạm phát Brazil đã tăng đến 6,64%, vượt xa ngưỡng mục tiêu 4,5%. Các chuyên gia cũng chỉ trích việc chính quyền Ấn Độ và Brazil liên tục chi tiêu quá mức. BBC dẫn lời một số nhà kinh tế nhận định lạm phát ở Brazil và Ấn Độ đang ở ngưỡng “đại dịch”.

Giới đầu tư cũng cảnh báo về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Năm 2009-2010 cho vay bùng nổ ở Trung Quốc, lên tới 2.800 tỉ USD. Theo khảo sát mới đây của Hãng Bloomberg, khoảng 61% trong tổng số hơn 1.000 nhà đầu tư quốc tế được hỏi dự báo Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong vòng năm năm tới. Dù vậy, các chuyên gia Ngân hàng Goldman Sachs và IMF vẫn nhận định Trung Quốc sẽ tránh được suy thoái và kiềm chế lạm phát thành công.

Theo các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng toàn cầu không chừa bất cứ khu vực nào. Dù vậy nhờ nhiều năm tăng trưởng, số người thất nghiệp thấp, tỉ lệ tiết kiệm cao (chiếm 50% GDP tại Trung Quốc và 35% GDP tại Ấn Độ so với Mỹ là 12%, Pháp 18%), BRICS vẫn đủ sức lèo lái nền kinh tế vượt qua khó khăn. “Đó vẫn là điều mơ ước của các ông (tổng thống Mỹ) Barack Obama, (tổng thống Pháp) Nicolas Sarkozy, (thủ tướng Anh) David Cameron cộng lại” - báo Le Monde bình luận.

Sơn Hà

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Morgan Stanley: Toàn cảnh kinh tế Ấn Độ 2012 và 2013 (14/12/2011)

>   Đồng euro là đồng tiền của ai? (14/12/2011)

>   Đồng euro giảm sát ngưỡng thấp nhất trong năm (14/12/2011)

>   Tại sao hiệp ước mới của EU sẽ thất bại? (14/12/2011)

>   Fitch hạ bậc tín nhiệm các công ty bảo hiểm Italy (14/12/2011)

>   Thị trường tài chính Hồng Kông phát triển nhất thế giới (14/12/2011)

>   Mỹ thâm hụt ngân sách 137 tỷ USD trong tháng 11 (14/12/2011)

>   Kinh tế Châu Âu sẽ giảm mạnh năm 2012 (14/12/2011)

>   Eurozone cung cấp 150 tỷ EUR cho IMF (20/12/2011)

>   Thế giới đối mặt thắt chặt tín dụng, giảm kinh tế (13/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật