Thứ Tư, 14/12/2011 16:57

Đồng euro là đồng tiền của ai?

Đồng euro là đồng tiền của ai? Thời điểm này cách đây năm năm, người nào đặt câu hỏi trên sẽ nhận được nụ cười mỉm của người đối diện.

Câu hỏi “Đồng euro là đồng tiền của ai?” chắc cần một biên độ thời gian nhất định để tìm được câu trả lời thích hợp.

Từ khi ra đời đến giai đoạn cực thịnh, đồng euro luôn là một biểu tượng sức mạnh của Liên minh châu Âu (EU) và quá trình thống nhất, từ kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, đồng tiền chung giúp giảm chi phí giao dịch, tránh khỏi những phí tổn và rủi ro về chênh lệch tỷ giá. Điều này áp dụng cho các bên kinh doanh trong khu vực xài đồng euro, và cho cả các công ty từ quốc gia muốn kinh doanh ở khu vực châu Âu. Lợi thế giảm chi phí giao dịch dẫn đến tiết kiệm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế vĩ mô. Một mặt khác, đây có thể xem như một loại bảo hiểm vô hình cho các công trái chính phủ. Khu vực đồng euro càng lớn thì khả năng trung hoà những yếu tố bên ngoài do biến động tỷ giá, luân chuyển nguồn vốn tư bản hoặc khủng hoảng thanh khoản càng cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra lợi thế của một đồng tiền quốc tế trong việc tham gia thị trường thế giới, đặc biệt trong những thời điểm xảy ra hỗn loạn kinh tế ở tầm mức toàn cầu. Mức độ ổn định của đồng tiền chung được xem như cái neo để duy trì chỉ số tiêu dùng và kiềm chế lạm phát, bất chấp sự di chuyển ào ạt của các dòng vốn ra vô từ bên ngoài.

Sức mạnh còn là sự lan toả của tính biểu tượng. Điều này được thể hiện không chỉ bởi kích thước của khu vực tiền tệ, với 17 quốc gia, mà còn ở tham vọng của cả EU muốn trở thành một cực chính trị độc lập trên bình diện toàn cầu. Nếu xem mệnh giá của đồng tiền đại diện cho sức mạnh hay vị trí sở hữu của một quốc gia trong trật tự tiền tệ toàn cầu, thì một đồng nội tệ tượng trưng dân số hơn 328 triệu người là một nguồn lực dồi dào so với các đồng tiền mạnh khác, khi các đại diện châu Âu đối thoại với các đối tác khác ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Trung Quốc trên các bàn tròn thương thuyết quốc tế.

“Đồng euro là đồng tiền của ai?” cần phải được xoay ngược lại thành “Ai là người sở hữu hay muốn sở hữu đồng euro”. Câu hỏi này chắc cần một biên độ thời gian nhất định để tìm được câu trả lời thích hợp.

Cuối năm 2011, người nào lặp lại câu hỏi “Đồng euro là đồng tiền của ai?” – ngược lại – sẽ nhận được những cái gật đầu hay ánh mắt đồng cảm, từ giới kinh tế, đến các học giả trong viện hàn lâm, từ các chính trị gia đến các đại diện hội đoàn xã hội. Ngay ở tầm mức các quốc gia liên Âu, đồng euro dường như không còn là một biểu tượng sức mạnh. Sau mười tiếng đồng hồ thương lượng từ chiều ngày 8 đến sáng ngày 9.12.2011 tuần qua, lãnh đạo EU chia đôi. Mặc dầu thống nhất rằng các quốc gia khu vực đồng euro và các nước khác sẽ đóng góp tới 200 tỉ euro (268 tỉ USD) trong các khoản vay đối ứng cho IMF để giải quyết khủng hoảng, trong đó 75% từ 17 nước sử dụng đồng euro, nhưng nước Đức – đầu tàu chính của nhiệm vụ giải cứu đồng euro – phủ quyết hai nút thắt quan trọng. Thứ nhất là từ chối việc “cơ chế ổn định châu Âu” (MES) – một thiết chế ngăn khủng hoảng mới được hình thành – được phép vay tiền không giới hạn từ ngân hàng Trung ương châu Âu. Thứ hai là không tán thành việc cùng dùng chung công trái phiếu châu Âu (eurobond). Mặc dầu hội nghị đã đồng ý “tăng cường kỷ luật ngân sách”, với các biện pháp chế tài có hiệu lực ngay lập tức với các nước vi phạm, hiệu lực này lại vô hiệu với một trong những thành viên quan trọng nhất: vương quốc Anh. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nhấn mạnh quyết định không chịu bị ràng buộc trước những quy định ngân sách nghiêm ngặt từ Brussels, nhằm quyết giúp bảo vệ quyền lợi kinh tế của đảo quốc sương mù.

Đồng euro từng là của chung, cả những nước trong EU sử dụng hay không sử dụng nó, vì đem lại cho mỗi quốc gia những lợi ích vật chất đo được bằng sự thịnh vượng của hội nhập, và sự ổn định toàn cục. Nay vì mang gánh nặng đồng tiền chung, nó khiến cho một nước có tỷ lệ nợ cao như Hy Lạp phải bó tay trong chính sách tỷ giá, hay một nước có kỷ luật ngân sách vững mạnh như Đức – vì trách nhiệm phải quấn theo kế hoạch giải cứu – bị các tổ chức thẩm định tài chính doạ hạ điểm tín nhiệm. Moody’s mới đây tuyên bố sẽ xem xét lại điểm tín nhiệm của các nước trong EU, trong đó có các nước thuộc khu vực đồng euro, ngay những quốc gia được xem là ổn định nhất như Phần Lan, Hà Lan hay Đức. Anh, nước dù không xài đồng euro, nhưng từ lâu đã chấp nhận mình là một phần của khu vực tiền tệ chung, nay cũng vì lợi ích quốc gia quyết định chọn lối đi riêng.

Có thể, tính biểu tượng là cái neo còn lại để gắn kết con thuyền trước cơn giông bão. Tin tốt là lập luận đồng euro là hoà bình, là một châu Âu nhất thể, hay sức mạnh của một cực trên trật tự thế giới đang thay đổi chắc chắn vẫn còn tính hấp dẫn. Tin xấu là những lập luận này không thể cứu đói, tạo việc làm hay thuyết phục cơn thịnh nộ của thị trường. “Đồng euro là đồng tiền của ai?” cần phải được xoay ngược lại thành “Ai là người sở hữu hay muốn sở hữu đồng euro?”. Câu hỏi này chắc cần một biên độ thời gian nhất định đề tìm được câu trả lời thích hợp.

Trương Minh (Từ CHLB Đức)

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Đồng euro giảm sát ngưỡng thấp nhất trong năm (14/12/2011)

>   Tại sao hiệp ước mới của EU sẽ thất bại? (14/12/2011)

>   Fitch hạ bậc tín nhiệm các công ty bảo hiểm Italy (14/12/2011)

>   Thị trường tài chính Hồng Kông phát triển nhất thế giới (14/12/2011)

>   Mỹ thâm hụt ngân sách 137 tỷ USD trong tháng 11 (14/12/2011)

>   Kinh tế Châu Âu sẽ giảm mạnh năm 2012 (14/12/2011)

>   Eurozone cung cấp 150 tỷ EUR cho IMF (20/12/2011)

>   Thế giới đối mặt thắt chặt tín dụng, giảm kinh tế (13/12/2011)

>   S&P: Eurozone có thể cần 1 "cú sốc tài chính" nữa (13/12/2011)

>   Thủ tướng Hungary: Năm 2012 sẽ là "cơn giông tố lớn" (13/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật