Thứ Tư, 14/12/2011 15:41

Tại sao hiệp ước mới của EU sẽ thất bại?

Thoả thuận đạt được cuối tuần trước của Khu vực đồng euro sẽ không phát huy tác dụng. Đó là nhận định của Stephen King, Kinh tế trưởng của Ngân hàng HSBC, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Kiểm soát thua lỗ" do Đại học Yale (Mỹ) phát hành. Luận điểm cốt lõi của Stephen King là cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu có nguyên nhân kinh tế sâu xa.

Việc yêu cầu các chính phủ thực thi trách nhiệm nghiêm túc đối với vấn đề tái khoá là rất tốt, nhưng kinh nghiệm về nước Anh cho thấy, các "nguyên tắc vàng" rồi cũng sẽ thành "nguyên tắc kim loại thường", Stephen King nói.

Ngay cả khi các nước đã tuân thủ các quy tắc ứng xử về tài khoá, thì cũng không có gì bảo đảm rằng, họ sẽ đạt được sự ổn định về kinh tế và tài chính. Sự thực thi chính sách tài khoá tốt có thể vẫn phải song hành với những mất cân đối lớn và trên diện rộng về mặt kinh tế.

Năm ngoái, Đức đã đạt được thặng dư trong cán cân thanh toán vãng lai lên tới 5,7% GDP, còn tỷ lệ này của Trung Quốc là 5,2%. Thặng dư tài khoản vãng lai, suy đến cùng, phản ánh sự dôi ra giữa tiết kiệm trong nước so với đầu tư trong nước. Một nước có thặng dư tài khoản vãng lai, về nguyên tắc, phải nắm giữ các tài sản nước ngoài. Và do đó, nó liên quan đến những vấn đề kinh tế xuyên biên giới.

Người Trung Quốc hầu như đã tái đầu tư các khoản tiết kiệm dôi dư của họ vào các tài sản của Mỹ, qua đó làm tăng dự trữ ngoại hối của nước này. Trong khoảng 1 thập kỷ qua, điều này làm hình thành một nhu cầu rất lớn về các trái phiếu chính phủ, gây áp lực đẩy lợi suất trái phiếu xuống các mức thấp một cách bất thường. Vì thế, các nhà đầu tư tư nhân đã tìm đến các lĩnh vực đầu tư có lợi nhuận cao hơn, tạo nhu cầu tăng chóng mặt đối với các chứng khoán có nguồn gốc là tín dụng bất động sản, mở đường cho cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn tại Mỹ.

Thoả ước của Khu vực đồng euro sẽ thất bại vì nó không đưa ra được sự giải thích xác đáng nào về cách mà thặng dư tài khoản vãng lai của Đức sẽ được tái đầu tư nếu các quốc gia Nam Âu trở về với nề nếp tài khoá. Có lẽ, trong giấc mơ, các nhà làm chính sách của châu Âu mới dám hy vọng thặng dư tài khoản vãng lai của Đức giảm xuống. Thực tế, chỉ có 2 cách để thặng dư của Đức có thể giảm: xuất khẩu phải giảm tương đối so với nhập khẩu, hoặc nhập khẩu tăng lên tương đối so với xuất khẩu.

Cách thứ nhất có thể xảy ra nếu Nam Âu rơi vào suy thoái sâu. Italia và Tây Ban Nha đang thay thế Mỹ để trở thành những đích đến quan trọng của hàng xuất khẩu từ Đức. Các chính phủ Nam Âu từng là các khách hàng quan trọng của doanh nghiệp Đức, song nợ công tăng cao cùng với chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ ảnh hưởng đến Đức và các nhà xuất khẩu khác. Đó lại không phải là điều mà mọi người thực sự mong muốn.

Cách thứ hai sẽ chỉ xảy ra nếu Đức chấp nhận thúc đẩy nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, nếu nhu cầu tăng lên, lạm phát tại Đức cũng sẽ có cơ hội trỗi dậy. Với Khu vực đồng euro, chung quy lại, đây là một điều tốt. Lạm phát thấp hơn mức bình quân ở các nước Nam Âu cùng với lạm phát cao hơn mức bình quân của Đức và các nước Bắc Âu khác sẽ cho phép dịch chuyển sự cạnh tranh mà không đe doạ giảm phát toàn khu vực. Tuy nhiên, với truyền thống ghét lạm phát, Đức không chắc sẽ tham gia "trò chơi" này.

Trong trường hợp Đức vẫn có thặng dư về tiết kiệm, nước này sẽ tái đầu tư chúng như thế nào? Trong khi hoạt động đầu tư ở những nơi khác trên thế giới vẫn khả dĩ, Đức lại chỉ ưa thích giữ các khoản đầu tư của mình ở trong Khu vực đồng euro. Và nếu các nước Nam Âu không còn phát hành các giấy tờ nợ, các tài sản nào khác có thể hấp dẫn nhà đầu tư Đức? Có lẽ, chúng ta sẽ thấy, bên cạnh việc Đức xây dựng các nhà máy tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà và Hy Lạp, nhà đầu tư của nước này sẽ đổ các khoản tiền tiết kiệm vào tài sản cố định ở các nước Nam Âu, hay thậm chí xấu hơn là vào những tài sản tài chính được sáng tạo mới, bất bình thường, như là những chứng khoán phái sinh từ tín dụng bất động sản.

Những nước từng đạt được thặng dư ngân sách, cũng thường không chống đỡ nổi cuộc khủng hoảng tài chính. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, nước Anh đã duy trì thặng dư ngân sách đồng thời với thâm hụt tài khoản vãng lai. Chỉ khi nền kinh tế bắt đầu đổ vỡ, các nhà làm chính sách mới bắt đầu nhận ra rằng, những mất cân bằng trong khu vực tư nhân có thể đe doạ sự cân bằng của khu vực công.

Ngay cả khi các nước thuộc khu vực đồng euro thành công trong việc giữ vững nền tài khoá, họ có lẽ vẫn rơi vào khủng hoảng kinh tế và tài chính. Trừ khi thặng dư tài khoản vãng lai của Đức giảm xuống, rủi ro cuộc khủng hoảng lặp lại vẫn rất cao.

Quang Huy

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Fitch hạ bậc tín nhiệm các công ty bảo hiểm Italy (14/12/2011)

>   Thị trường tài chính Hồng Kông phát triển nhất thế giới (14/12/2011)

>   Mỹ thâm hụt ngân sách 137 tỷ USD trong tháng 11 (14/12/2011)

>   Kinh tế Châu Âu sẽ giảm mạnh năm 2012 (14/12/2011)

>   Eurozone cung cấp 150 tỷ EUR cho IMF (20/12/2011)

>   Thế giới đối mặt thắt chặt tín dụng, giảm kinh tế (13/12/2011)

>   S&P: Eurozone có thể cần 1 "cú sốc tài chính" nữa (13/12/2011)

>   Thủ tướng Hungary: Năm 2012 sẽ là "cơn giông tố lớn" (13/12/2011)

>   Nhiều người lo thất nghiệp tăng nhanh (13/12/2011)

>   Ireland có thể "thất hứa" với thỏa thuận Croke Park (13/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật