Khó khăn, Châu Âu đang tự chia rẽ
Sau những tranh cãi căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra tại Brussels vừa qua, một sự thật rõ ràng đã hiện ra. Đó là liên minh châu Âu đã bị chia cắt làm hai.
Sự ra đi của nước Anh
Trong nỗ lực bình ổn khu vực đồng euro, Pháp, Đức và 21 quốc gia khác đã quyết định dự thảo một hiệp ước riêng để tập trung tăng cường quản lý ngân sách các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Anh và 3 quốc gia khác quyết định đứng ngoài. Tuần tới, nước Anh có thể sẽ tiếp tục trở nên cô lập hơn. Thụy Điển, Cộng hòa Séc và Hungary thì muốn có thêm thời gian để tham khảo ý kiến của nghị viện và các Đảng chính trị.
Như vậy, sau 20 năm kể từ ngày hiệp ước về Liên minh châu Âu được ký kết, tạo tiền đề cho việc hình thành đồng tiền chung châu Âu, khu vực này lại bị chia cắt cùng sự rời bỏ của nước Anh.
Với việc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, khu vực đồng euro đang tiến hành hội nhập sâu hơn, cùng với đó là sự mất mát về chủ quyền quốc gia của các nước thành viên, khi phải phụ thuộc vào một hệ thống trung tâm khác. Nước Anh, vốn không tham gia chính thức vào khu vực đồng euro, đã quyết định chọn con đường khác cho mình.
Hiện tại, những thỏa thuận vẫn còn đang trong giai đoạn tranh luận, trong đó những chính sách thắt lưng buộc bụng và thắt chặt ngân sách đang được ưu tiên hơn cả. Tuy nhiên, những chính sách như vậy không thúc đẩy đồng tiền trong ngắn hạn cũng như triển vọng trái phiếu trong dài hạn. Vấn đề này sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi phản ứng của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong những ngày tới.
Một số người cũng tỏ ra lo ngại làm thế nào để các nước thuộc khu vực "euro+" có thể tham gia vào EU mà không cần thay đổi. Đặc biệt là khi phải đối mặt với các tổ chức như Ủy ban châu Âu, nơi đánh giá kinh tế và đưa ra các khuyến cáo, hay Tòa án Tư pháp châu Âu, nơi mà Đức hy vọng sẽ thông qua đạo luật về cân đối ngân sách cho các quốc gia châu Âu - vốn đang nhận sự phản đối từ Anh.
Nhưng Pháp, quốc gia sắp mất xếp hạng AAA và quan hệ đối tác với Đức, thì lại không lấy làm buồn về sự chia cắt này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từ lâu đã mong muốn một EU nhỏ hơn, trung tập hơn của khu vực đồng euro, trong đó không cần đền những người Anh vụng về, những người Bắc Âu hay Đông Âu. Và ông Sarkozy mong muốn hình thành một tổ chức cốt lõi dựa trên cơ sở liên chính phủ, tức là một sự lãnh đạo có tổ chức hơn thay vì một siêu quốc gia châu Âu. Điều này sẽ giúp cho Pháp, và đặc biệt là tổng thống Sarkozy, nâng cao tối đa tác động của mình.
Hiện tại, ông Sarkozy đang có những tiến bộ trong cả hai mặt trận. Vị tổng thống Pháp đã cố gắng không tỏ ra hả hê sau khi giải thích về những thỏa thuận trước 27 thành viên của EU, vốn trước đó bị xem là không thể thành hiện thực vì vấp phải những trở ngại từ Anh. Cùng với sự tham gia của Croatia vào liên minh châu Âu trong năm tới, EU sẽ tiếp tục được mở rộng. "châu Âu ngày càng lớn thì nó càng khó thống nhất. Đó là một sự thực hiển nhiên", tổng thống Sarkozy nói.
Ai được ai mất?
Còn đối với Anh, những lợi ích có được thỏa thuận tại Brussels tỏ ra không rõ ràng. Vì vậy, để đổi lại việc đồng ý thay đổi những thỏa thuận trong hiệp ước EU, thủ tướng Cameron yêu cầu một số biện pháp an toàn cho nước Anh. Nếu những biện pháp này không được chấp thuận, thủ tướng sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Sau một hồi tranh luận, thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố về một "quyết định khó khăn nhưng đúng đắn" cho lợi ích của nước Anh - đặc biệt là cho hệ thống tài chính và ngành công nghiệp dịch vụ của mình, bằng việc đưa ra quyền phủ quyết. Chính phủ Anh cho rằng Ủy ban châu Âu, đã tỏ ra không thân thiện với nước Anh do chịu sự ảnh hưởng về tư tưởng thị trường chung nhất của Pháp.
Ông Cameron đã phát biểu ông cảm thấy "thoái mái" về sự chia tách, và tỏ ra vui mừng khi rời khỏi khu vực euro và khu vực dùng chung hộ chiếu Schengen. Ông cũng nói rằng vai trò của nước Anh trong EU, đặc biệt là trong thị trường chung nhất, vẫn sẽ tiếp tục bình thường. "Chúng tôi mong muốn khu vực đồng euro sẽ sớm giải quyết được vấn đề của mình, để đạt được sự ổn định và tăng trưởng mà tất cả các thành viên đều mong muốn". Tuy nhiên, khuôn mặt của ông dường như muốn nói điều ngược lại.
Với 23 thành viên còn lại của EU, nếu họ hành động thống nhất, thì có thể áp đảo lá phiếu của Anh. Tất nhiên, họ vẫn là các quốc gia độc lập. Nhưng thói quen làm việc cùng nhau và chia sẻ chung lợi ích, chắc chắn sẽ đối lập với nước Anh trong thời gian tới.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã thông báo những hành động để thay đổi khu vực đồng euro sẽ tác động tới cả 27 nước thành viên, chẳng hạn như những quy định về thị trường lao động hay việc đánh thuế các doanh nghiệp.
Hiện tại, nước Anh vẫn có thể được hưởng lợi từ những ngành kinh doanh thêm nhờ vào những khoản thuế giao dịch tài chính. Nhưng nếu hệ thống mới bắt đầu áp đặt các quy định về tài chính cho 17 quốc gia thành viên trong khu vực đồng euro, hay 23 thành viên nếu tính cả khu vực "euro+" thì sao? Pháp và Đức cho rằng, điều này rất có thể sẽ bắt buộc phải giao dịch phải diễn ra bằng đồng euro. Và nước Anh chắc chắn sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng hơn các nước khác trong khu vực.
Rất có thể,Thủ tướng Cameron đã đưa ra một hành động sai lầm đối với lợi ích lâu dài của đất nước. Tuy nhiên, hiện tại không ai có thể trách cứ gì ông.
Quốc Dũng (Theo Economist)
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|