TTCK ngóng 5 giải pháp cấp bách
Ngày 2/12 tới sẽ diễn ra Diễn đàn DN Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011. Nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn DN Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp mang tính cấp bách nhằm hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn, nhất là TTCK và hy vọng nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) để sớm được triển khai trên thực tế.
Việc lấy lại niềm tin cho TTCK lúc này được nhiều thành viên thị trường cho là quan trọng nhất. Muốn vậy, sự minh bạch là yêu cầu trước tiên. Theo Nhóm công tác, Việt Nam cần thiết lập Lịch sự kiện kinh tế để công bố các chỉ số, thông tin kinh tế cơ bản. Ngoài chỉ số CPI và một số chỉ số hiện tại, nên công bố thêm chỉ số thất nghiệp; hàng tồn kho khu vực sản xuất; dữ liệu thị trường nhà đất; dự trữ ngoại hối quốc gia; số dư tiền gửi và số dư nợ cho vay của các ngân hàng, trong đó, cần chi tiết khoản cho vay theo ngành nghề, khu vực, tổ chức/cá nhân, loại tiền… Bộ Tài chính, UBCK cần công bố định kỳ số liệu vốn đầu tư gián tiếp, tổng số tài khoản giao dịch, lượng tiền mặt trong các tài khoản mua, bán chứng khoán…
Một chiến lược quảng bá cho TTCK Việt Nam, theo Nhóm công tác là cần thiết và được thực hiện thông qua các hoạt động như nỗ lực đưa Việt Nam vào Chỉ số thị trường mới nổi MSCI; tăng cường tham gia, trình bày tại các hội thảo kinh tế quốc tế, diễn đàn kinh doanh khu vực…, nhằm gửi thông điệp về triển vọng của nền kinh tế và TTCK Việt Nam tới cộng đồng NĐT quốc tế.
Đặc biệt, để tăng cường thu hút NĐT nước ngoài, Nhóm công tác cho rằng, có hai việc cần giải quyết ngay là đơn giản hoá thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho NĐT nước ngoài và cải cách chính sách thuế. Nhiều NĐT nước ngoài hiện rất băn khoăn trong quyết định đầu tư vào TTCK Việt Nam, vì phải thực hiện những thủ tục quá phức tạp để đăng ký Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (do Ngân hàng Nhà nước cấp), Mã số giao dịch chứng khoán (Trung tâm Lưu ký cấp)…, nên Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục này. Hiện nay, nếu NĐT tổ chức nước ngoài bỏ tiền vào quỹ nội địa để đầu tư, thì khi nhận cổ tức phải chịu thuế 25%/thu nhập, trong khi nếu họ tự mua bán thì chỉ chịu thuế 0,1%/giá trị giao dịch.
Theo Công văn 12501/2010/BTC-CST của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong CTCP (không phải công ty đại chúng), thì NĐT tổ chức nước ngoài nếu phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần trong CTCP (không phải công ty đại chúng) sẽ chịu thuế suất 25%. Trong khi đó, hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong công ty đại chúng hoặc được thực hiện giữa cá nhân không cư trú sẽ được tính 0,1%/giá trị giao dịch. Nhóm công tác đề xuất, phương pháp tính thuế/mức thuế đánh trên chuyển nhượng cổ phần trong CTCP (không phải công ty đại chúng) cần áp dụng giống như đối với công ty đại chúng (0,1%/giá trị giao dịch). Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài đang phải chịu 10% thuế thu nhập trái phiếu, một mức rất cao, nên để khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài dài hạn, Bộ Tài chính nên xem xét bỏ loại thuế này hoặc xây dựng một khung thuế suất linh hoạt hơn.
Tăng tốc chương trình cổ phần hóa cũng là giải pháp cấp bách mà Nhóm công tác đề xuất, nhằm thu hút dòng vốn ngoại thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian cụ thể. Nên tăng quyền cho Ban chỉ đạo cổ phần hóa DN theo hướng: nếu một đợt IPO thất bại vì giá phát hành cao, Ban chỉ đạo cổ phần hóa được quyền giảm giá chào bán cổ phần tối đa là 10% trong đợt đấu giá tiếp theo, nhưng không được thấp hơn giá trị sổ sách của DN. Sẽ có tối đa ba cuộc đấu giá liên tiếp và nếu tất cả đều thất bại thì toàn bộ kết quả định giá DN cần phải được thực hiện lại.
Theo Nhóm công tác, là NĐT tổ chức lớn nhất trên thị trường, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đóng vai trò quan trọng trên TTCK, các bước đi của tổ chức này có tác động rất nhạy cảm đến tâm lý thị trường. Do đó, cần làm rõ vai trò của SCIC, đồng thời đề nghị tổ chức này phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin như các chủ thể khác đang tham gia thị trường.
"Ngành Tài chính cần đối thoại về chính sách thuế với NĐT chứng khoán"
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính
Những giải pháp phát triển NĐT tổ chức mà UBCK, Bộ Tài chính đang xây dựng như cho phép lập quỹ mở, cho phép lập quỹ hưu trí, quỹ bất động sản… là cần, nhưng chưa đủ. Giải pháp thiết thực nhất để thu hút NĐT là chính sách thuế. Chính sách thuế với NĐT cá nhân thời gian qua đã cho thấy nhiều điều quá bất cập, còn chính sách thuế với NĐT tổ chức thì chưa có tính khuyến khích. Việt Nam đã và đang có chính sách ưu đãi thuế với những ngành công nghiệp mũi nhọn, tại sao không thể ưu đãi thuế đối với ngành chứng khoán?
Nếu Nhà nước có thể giảm một chút lợi ích (giảm thuế) để khơi thông dòng chảy vốn trên TTCK, thì TTCK sẽ mang đến những lợi ích lớn hơn nhiều lần. TTCK cần được quan tâm đúng mức, ưu đãi đúng mức để thực hiện vai trò cốt yếu của nó là kênh huy động vốn và đầu tư vốn trong nền kinh tế. Chính TTCK đã giúp hệ thống ngân hàng huy động được lượng vốn khổng lồ khi các ngân hàng phát hành cổ phiếu và chỉ khi TTCK vững mạnh thì hệ thống ngân hàng mới bớt gánh nặng.
"Quan trọng nhất là phải nâng cao tính thanh khoản"
Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các DN niêm yết
Trước hết, cơ quan quản lý cần có các biện pháp nhằm nâng cao tính thanh khoản cho TTCK, sớm rút ngắn thời hạn mua, bán, vì đây là mong muốn lớn nhất của các NĐT trong thời điểm hiện nay. Cụ thể, cần đẩy nhanh việc triển khai các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường. Bên cạnh đó, để TTCK phát triển bền vững thì cần phải tăng cường các biện pháp giám sát, nhằm tăng tính minh bạch và công bằng trên thị trường. Bên cạnh đó, để hạn chế các mặt tiêu cực như đầu cơ, thao túng thị trường…, UBCK cần giám sát chặt các giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ. Đặc biệt, hiện nay đang có tình trạng tương đối phổ biến là các công ty con (công ty TNHH 100% vốn thuộc sở hữu của công ty mẹ) mua cổ phiếu của công ty mẹ, nên cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ hơn nữa việc công bố thông tin (bao gồm việc công bố các thông tin của các DN niêm yết và công bố giao dịch của các cổ đông lớn).
Ngoài ra, cần tăng cường công tác giám sát đối với các tổ chức đầu tư trên thị trường, đây là vấn đề rất quan trọng và cũng là việc khó làm nhất hiện nay. Theo lộ trình, năm 2012 tới, các CTCK 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam. Với quy mô và tiềm lực tài chính lớn, các tổ chức này sẽ có tác động rất lớn đến TTCK Việt Nam (cả tích cực lẫn tiêu cực). Điều này đặt ra trách nhiệm giám sát rất lớn đối với cơ quan quản lý. |
Hữu Hòe - Hải Vân
đầu tư chứng khoán
|