Sẽ sáp nhập HSX và HNX?
Việc sáp nhập 2 sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (HSX và HNX) đã được đề cập đến trong thời gian gần đây. Cho đến nay, lộ trình và cách thức sáp nhập chưa được tiết lộ. Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, thông tin này được kỳ vọng là “thương vụ” nếu xảy ra sẽ nâng tầm quản lý và “cởi trói” để thúc đẩy cho sự đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam.
HSX + HNX = Công ty TNHH MTV?
Thông tin được tiết lộ tại một cuộc họp ở Nam Phi vừa qua, tờ Financial Times dẫn lời ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Sở GDCK TPHCM (HSX) cho biết, Bộ Tài chính có kế hoạch sáp nhập HNX với HSX. Tuy nhiên, ông Sinh cho hay chủ trương sáp nhập 2 sở (HSX và HNX) chỉ mới được Bộ Tài chính nêu ra trong một cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước và mới ở mức xây dựng đề án.
Được biết, 2 sở GDCK đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu nhà nước và có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, trên HSX có khoảng 300 doanh nghiệp đang niêm yết và trên HNX có gần 400 cổ phiếu niêm yết. Ngoài ra, HNX còn có 127 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM và vận hành thị trường trái phiếu chính phủ.
Việc sáp nhập 2 sở GDCK cũng có thể xem như một cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Mục đích cao nhất của bất kỳ một thương vụ hợp nhất nào cũng hướng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho hai doanh nghiệp thông qua việc cơ cấu lại bộ máy hoạt động, mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh, tận dụng lợi thế của nhau, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Đây cũng là mục đích của việc sáp nhập HSX và HNX như ông Sinh đã phát biểu: “Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở quy mô nhỏ và đang rất cần cải thiện năng lực cạnh tranh. Nhìn ra ASEAN thì hầu hết các nước láng giềng đều chỉ có một sở giao dịch và chúng tôi cũng nên làm như vậy”.
Hiện nay, sáp nhập đang trở thành xu hướng chung của các sở GDCK trên thế giới. Mới đây nhất, Báo Nikkei của Nhật cho biết sàn chứng khoán Tokyo (TSE) và sàn chứng khoán Osaka (OSE) đã bước vào giai đoạn thỏa thuận cuối cùng về việc sáp nhập và thành lập công ty liên doanh vào năm 2012.
Trước đó vài tháng, vụ sáp nhập đình đám 2 sàn New York (Mỹ) và Frankfurt (Đức) cũng đã được quyết định. Ngoài ra, một số nước phương Tây khác cũng đang lên kế hoạch sáp nhập các thị trường chứng khoán của mình.
Kỳ vọng của nhà đầu tư
Sau hơn 11 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn được xem còn khá nhỏ và chưa phát huy hết vai trò trong nền kinh tế. Mục đích của cuộc sáp nhập là nhằm tạo ra một tổ chức quản lý thị trường lớn mạnh hơn với những công cụ tối ưu và tiết giảm chi phí.
Do đó, vụ sáp nhập chỉ tạo ra giá trị khi đơn vị hợp nhất giải quyết được những vấn đề được cho là “trục trặc” hiện nay và tạo ra được những công cụ, chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, bằng không chỉ là “bình mới, rượu cũ”.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn, các chỉ số VN-Index và HNX-Index liên tục sụt giảm. Sự lao dốc này có sự tác động của nhiều nguyên nhân như kinh tế bất ổn, suy yếu dòng vốn ngoại, tâm lý hoang mang của nhà đầu tư, thiếu công cụ sản phẩm hỗ trợ và thiếu chính sách quản lý thị trường hiệu quả.
Còn nhớ vào đầu tháng 6-2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 74, theo đó nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản chứng khoán, được mua bán cùng phiên và được giao dịch ký quỹ (margin). Thông tư này được kỳ vọng sẽ mang đến cho thị trường luồng sinh khí mới và đánh dấu một bước phát triển đối với thị trường. Tuy nhiên “cuộc vui” không kéo dài lâu, thị trường chứng khoán lại bị “vùi dập” bởi các bất ổn vĩ mô.
Sau hơn 3 tháng có hiệu lực, Thông tư 74 chưa mang lại hiệu quả thực sự đối với thị trường. Ngoài các nguyên nhân khách quan đến từ nền kinh tế thì một số nhận định cho rằng, những quy định mới này vẫn chưa “gãi đúng chỗ ngứa”. Thật vậy, điều thị trường đang rất cần hiện nay là rút ngắn thời gian thanh toán, sự minh bạch hóa cho thị trường và các công cụ phái sinh.
Đặc biệt, rủi ro trong giao dịch mà nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay chính là rủi ro T+. Quy định thanh toán hiện hành là T+3, mà thực chất là T+4, tức mua cổ phiếu hôm nay nhưng phải 3 ngày sau cổ phiếu mới về tài khoản và sang ngày thứ tư mới có thể bán cổ phiếu được. Điều này làm cho nhà đầu tư gặp rất nhiều rủi ro và không thúc đẩy được thanh khoản cho thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều đánh giá còn cho rằng, hiện tại UBCK vẫn chưa làm tròn vai trò giám sát thị trường, giúp các thông tin trên thị trường minh bạch hơn và tạo ra những sản phẩm mới thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Hiện nay, lộ trình và cách thức sáp nhập hai thị trường vẫn đang được xây dựng, mọi phương án hãy còn bỏ ngỏ. Dù vậy, nguyên tắc các phương án luôn hướng tới là phải tối đa hóa giá trị của đơn vị hậu sáp nhập theo công thức 1+1>2. Để làm được điều này, đơn vị mới phải tận dụng được lợi thế theo quy mô, cải thiện được hệ thống giao dịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiết kiệm chi phí.
Thành viên tham gia thị trường kỳ vọng vào tổ chức mới sẽ đảm đương tốt vai trò và ưu việt hơn so với hai đơn vị riêng lẻ trước đó. Với quy mô và vị thế mới, đơn vị mới được mong chờ sẽ “cởi trói” và thúc đẩy sự đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phú Thuận
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|