Chủ tịch UBCK: Đề xuất công khai dư nợ margin là thiết thực
Báo ĐTCK mới đây ghi nhận đề xuất của một số thành viên thị trường về việc cơ quan quản lý cần ban hành các quy định nhằm giảm thiểu rủi ro cho CTCK và thị trường trong quá trình triển khai giao dịch ký quỹ (margin), trong đó, có kiến nghị nên công khai dư nợ margin đến từng mã chứng khoán.
Về vấn đề này, trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng, cho biết, đây là đề xuất hay và thiết thực, nên UBCK sẽ xem xét trong quá trình bổ sung, hoàn chỉnh quy định về margin trong thời gian tới.
Đề xuất trên hay và thiết thực, vậy thưa ông, bao giờ UBCK sẽ ban hành quy định về vấn đề này và theo hướng nào?
Trong quá trình triển khai margin, có một số ý kiến cho rằng bắt đầu bộc lộ một số bất cập. Tuy nhiên, do quy định này mới được áp dụng, nên chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các thành viên thị trường, nhất là từ phía CTCK. Thông thường, tối thiểu 6 tháng hoặc 1 năm, UBCK sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý một lần; trong đó, sẽ xem xét để ban hành quy định phù hợp với kiến nghị công khai dư nợ margin đến từng mã chứng khoán.
Vẫn nằm trong nhóm kiến nghị giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống trong quá trình thực hiện margin, một số ý kiến cho rằng, UBCK cần bổ sung quy định về nợ xấu của CTCK. Đề xuất này có cần thiết, thưa ông?
Thực ra, với Thông tư số 226/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu ATTC, nếu các CTCK tự giác tuân thủ nghiêm, thì đã thể hiện rõ nét tình trạng sức khoẻ tài chính nói chung, chỉ tiêu nợ xấu của các CTCK nói riêng, bởi quy định này được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chỉ tiêu hiện đại theo thông lệ quốc tế. Do đó, trước mắt, chưa cần có thêm quy định riêng về nợ xấu của các CTCK. Tuy nhiên, do phải đợi đến tháng 4/2012 thì mới có chế tài xử lý các CTCK không đủ an toàn tài chính, nên hiện việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc nhất trên thực tế chưa được triển khai toàn diện, nhất là việc xử lý các trường hợp báo cáo thiếu trung thực về chỉ tiêu ATTC. Bởi vậy, sau một thời gian triển khai thông tư này, Bộ Tài chính, UBCK sẽ bổ sung những quy định cần thiết, đặc biệt là tăng cường chế tài xử lý mạnh để đảm bảo việc báo cáo chỉ tiêu ATTC của các CTCK trung thực.
Sự thiếu trung thực của các CTCK như ông vừa nêu đang ở mức độ nghiêm trọng ra sao và rủi ro của tình trạng này đối với an toàn hệ thống như thế nào?
Cơ quan quản lý đang gặp thách thức khi chưa thể kiểm soát được toàn diện mức độ xác thực của các con số trong báo cáo về chỉ tiêu ATTC của các CTCK. Điều này xuất phát từ thực tế không thể phủ nhận là tính tuân thủ của không chỉ CTCK, mà cả một số ngân hàng, NĐT trên TTCK Việt Nam còn nhiều hạn chế so với TTCK các nước. UBCK đã phát hiện những trường hợp có độ "chênh" về sức khoẻ tài chính giữa báo cáo của các CTCK với thực tế kiểm tra và đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý. Trong đó, riêng với các CTCK có tình hình tài chính xấu, ngoài kiểm tra trực tiếp, UBCK còn thường xuyên giám sát chặt chẽ nhằm tránh gây rủi ro cho hệ thống. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng đủ nguồn lực để kiểm tra thường xuyên các CTCK, nên đòi hỏi các doanh nghiệp này phải tự giác trong tuân thủ chế độ báo cáo về ATTC. Ở các nước, CTCK báo cáo rất kịp thời, trung thực về chỉ tiêu ATTC, đồng thời tích cực triển khai nhiều biện pháp khắc phục như tăng vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư, giảm tỷ lệ cho vay…. Trên cơ sở thông tin đáng tin cậy này, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp hỗ trợ giải quyết hiệu quả.
Ngoài các giải pháp đang triển khai, sắp tới, UBCK có biện pháp mạnh nào với các CTCK không đảm bảo ATTC, thưa ông?
Một số biện pháp mạnh sẽ được UBCK triển khai trong thời gian tới nhằm chấn chỉnh tình trạng sức khoẻ tài chính bất ổn tại các CTCK. Trong đó, UBCK sẽ có công văn yêu cầu các công ty kiểm toán trong quá trình soát xét BCTC bán niên, kiểm toán BCTC năm của các CTCK, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường về ATTC, thì ngoài phải kịp thời báo cáo, các công ty kiểm toán còn phải giải trình rõ ràng về tình trạng này cho UBCK. Dẫu sao, biện pháp giám sát này chỉ phát huy hiệu quả vào những thời điểm diễn ra hoạt động soát xét, kiểm toán BCTC, trong khi những thời điểm khác trong năm không phải lúc nào cơ quan quản lý cũng có điều kiện kiểm tra tất cả các CTCK. Vấn đề chung là các DN phải tự giác trong báo cáo trung thực tình hình ATTC, cũng như tích cực triển khai các biện pháp khắc phục vì sự phát triển bền vững của không chỉ họ mà cả thị trường.
Hữu Hoè thực hiện
đầu tư chứng khoán
|