Chủ tịch UBCK: Công khai thông tin để bảo vệ nhà đầu tư
"Chúng tôi đang làm việc với hàng loạt CTCK, tiến hành kiểm tra thực trạng tài chính của những công ty này để từng bước phân loại và có các biện pháp phù hợp bảo vệ nhà đầu tư".
Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) vừa công bố hàng loạt giải pháp củng cố và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK). Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh các giải pháp này, ông Vũ Bằng - chủ tịch UBCK - cho biết:
|
Ông Vũ Bằng |
- Sau một giai đoạn phát triển, TTCK VN đã bộc lộ không ít những khiếm khuyết, những vấn đề cần bổ sung và chấn chỉnh. Việc triển khai đồng loạt các giải pháp về cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý và đặc biệt là hàng hóa, sản phẩm mới... không ngoài mục tiêu xây dựng một TTCK phát triển ổn định và bền vững, thật sự trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
* Việc các công ty chứng khoán (CTCK) lạm dụng tiền, chứng khoán trong tài khoản của nhà đầu tư vừa qua đã được dư luận nhiều lần phản ảnh. UBCK có đưa ra giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?
- Tôi cũng có nghe dư luận phản ảnh rằng mô hình tài khoản tổng tại CTCK và thanh toán hai cấp hiện nay đã bị các CTCK lạm dụng. Đã có ý kiến đề xuất loại bỏ mô hình này, thay vào đó là áp dụng phương thức thanh toán bù trừ trực tiếp để bảo vệ nhà đầu tư, hạn chế các biến tướng trong giao dịch. Nhưng nói thì dễ, còn làm thì khó do vướng nhiều thứ. Tôi lấy ví dụ, để có thể thanh toán bù trừ trực tiếp, trước hết các CTCK phải được ngân hàng cho phép kết nối với hệ thống, được cho phép kiểm tra số dư của nhà đầu tư trước khi đặt lệnh...
Hơn nữa, các CTCK phải kết nối được với rất nhiều ngân hàng, do nhà đầu tư mở tài khoản tiền tại nhiều ngân hàng, kể cả các chi nhánh tại nhiều địa phương... Hiện nay UBCK cũng nghiên cứu mô hình, trong đó Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ theo dõi tài khoản tiền của từng nhà đầu tư như đang áp dụng với tài khoản chứng khoán, nhưng mô hình này trên thế giới rất ít được áp dụng. Trong khi đó, mô hình tài khoản tổng vẫn đang được nhiều nước áp dụng.
* Như vậy, UBCKcó giải pháp nào để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong những trường hợp CTCK bị phá sản hay mất khả năng thanh toán, với hàng loạt “sự cố” mất thanh khoản tại một số CTCK vừa qua?
- Trong dự thảo thông tư hướng dẫn về hoạt động của các CTCK sửa đổi bổ sung, dự kiến ban hành vào quý 1-2012, chúng tôi có yêu cầu các CTCK phải thực hiện kiểm toán, hằng quý phải có soát xét chỉ tiêu an toàn tài chính. Và theo quan điểm của UBCK, các thông tin này nên công khai cho thị trường để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin và hành xử phù hợp để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, chuyện công khai hay không vẫn còn phải cân nhắc do liên quan đến nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, một CTCK đang trong quá trình thu xếp vấn đề tài chính, nếu thông tin được công bố ra bên ngoài, chắc chắn kế hoạch này sẽ bị phá sản, chưa kể sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hệ thống. Hơn nữa, chúng tôi đã tham khảo tại một số thị trường, chẳng hạn như Trung Quốc, họ cũng không công bố công khai những thông tin này. Tuy nhiên hiện nay, sau khi thông tư về chỉ tiêu an toàn tài chính các CTCK được ban hành, chúng tôi đang làm việc với hàng loạt CTCK, tiến hành kiểm tra thực trạng tài chính của những công ty này để từng bước phân loại và có các biện pháp phù hợp bảo vệ nhà đầu tư.
* Gần đây trên TTCK đang xuất hiện “trào lưu” xin hủy niêm yết, ứng xử của UBCK đối với các trường hợp xin hủy niêm yết của doanh nghiệp như thế nào?
- Tôi cho rằng hầu hết doanh nghiệp hủy niêm yết thời gian qua chủ yếu là do các vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, chứ không đơn giản là giá cổ phiếu hay việc khó khăn về huy động vốn như bản thân các doanh nghiệp công bố. Điều này xuất phát từ cái nhìn ngắn hạn về lợi ích của một nhóm cổ đông lớn trong doanh nghiệp, thay vì lợi ích của cổ đông đại chúng.
Từ đó, chỉ cần một vài cổ đông lớn, với tỉ lệ nắm giữ áp đảo (trên 65%), sẽ dễ dàng thông qua việc hủy niêm yết, tiếng nói của cổ đông nhỏ không có giá trị trong khi quyền lợi của nhóm cổ đông này bị bỏ qua. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ xem xét đưa vào những quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện hủy và tái niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, muốn hủy niêm yết, doanh nghiệp phải lấy ý kiến cổ đông đại chúng.
* Nhưng việc có quá nhiều cổ phiếu không đáp ứng được chất lượng cũng gây ảnh hưởng chung đến toàn thị trường. Trong đề án tái cấu trúc TTCK, UBCK có tính đến phương án phân loại hàng hóa đối với từng thị trường không, thưa ông?
- Việc có nhiều cổ phiếu không thật sự đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, thật ra có yếu tố lịch sử của nó. Trong một thời gian dài sau khi thành lập, với chủ trương thu hút càng nhiều doanh nghiệp niêm yết càng tốt, thu hẹp thị trường tự do, chúng ta chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, thay vì có những rào cản gắt gao về chất lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, từ năm 2010, UBCK cũng đã tính đến chuyện phân loại hàng hóa, đưa ra tiêu chuẩn chất lượng cho phù hợp với từng thị trường. Sắp tới, ngoài các tiêu chuẩn về quy mô vốn, tỉ lệ thanh khoản, trình độ quản trị... quy định riêng cho từng thị trường (sàn TP.HCM-HSX, sàn Hà Nội - HNX và UPCoM), tại mỗi thị trường này cũng được phân bảng cụ thể.
Anh Dương Đình Tuấn - nhà đầu tư chứng khoán:
Cần giải pháp hỗ trợ thanh khoản
Vấn đề quan tâm hiện nay của nhà đầu tư là các giải pháp hỗ trợ thanh khoản của thị trường chứng khoán. Chứng khoán diễn biến xấu trong suốt một thời gian dài vừa qua trước hết do chịu tác động chung của tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, chính sách thắt chặt tiền tệ, doanh nghiệp niêm yết làm ăn thua lỗ... Đây là những nguyên nhân làm cho nhiều nhà đầu tư không còn quan tâm đến chứng khoán, ngay cả có tiền cũng không ai dám liều lĩnh. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng cơ quan quản lý thị trường cũng chịu một phần trách nhiệm. Chẳng hạn việc mua bán chứng khoán cùng phiên hay rút ngắn giao dịch ngày T... từng được các thành viên của thị trường liên tục đề xuất, kiến nghị và cũng được cơ quan quản lý hứa, nhưng đến nay vẫn chẳng đâu vào đâu. Tóm lại, còn quá nhiều việc mà các cơ quan quản lý phải làm để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư. |
Hoài Giang thực hiện
Tuổi Trẻ
|