An toàn cho CTCK:
UBCK làm mạnh hơn thị trường cảm nhận
Trước lo ngại của thị trường, đặc biệt là từ phía NĐT về rủi ro mất an toàn tài chính (ATTC) của các CTCK, trao đổi với Báo ĐTCK, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) cho biết: "UBCK đang làm mạnh hơn những gì thị trường cảm nhận, nhằm xử lý các CTCK không đảm bảo ATTC hiệu quả, tránh tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống…".
NĐT đang lo ngại về tình trạng mất ATTC tại các CTCK. UBCK đang xử lý vấn đề này ra sao, thưa ông?
Việc giám sát "sức khoẻ" tài chính của các CTCK đang được UBCK triển khai chặt chẽ, quyết liệt hơn những gì mà thị trường, NĐT cảm nhận được, bởi việc này được tiến hành thường xuyên thông qua nhiều kênh khác nhau. Cụ thể, trên cơ sở các CTCK báo cáo về chỉ tiêu ATTC, UBCK sẽ lập tức yêu cầu các CTCK giải trình nếu tỷ lệ này dưới mức an toàn theo quy định. Với những công ty mà tháng này có chỉ tiêu ATTC kém, nhưng tháng sau đã thấy tốt lên, thì UBCK tiến hành kiểm tra ngay để làm rõ tính xác thực của thông tin mà các CTCK báo cáo. UBCK đang căng hết các lực lượng để đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với các CTCK không đảm bảo chỉ tiêu ATTC, nhằm chủ động xử lý hiệu quả, an toàn.
Hẳn UBCK đã có trong tay danh sách CTCK có biểu hiện mất ATTC nghiêm trọng. Thưa ông, UBCK có biện pháp xử lý thế nào đối với những trường hợp này?
Hiện tại, UBCK đã phân loại, lên danh sách các CTCK có sức khoẻ tài chính theo các nhóm khác nhau, để có biện pháp xử lý hiệu quả, phù hợp. Riêng với nhóm CTCK có sức khoẻ tài chính xấu nhất, UBCK đang triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát với mức độ gắt gao hơn. Chúng tôi đang tìm cách xử lý hiệu quả nhất các CTCK không đảm bảo ATTC, chứ không thuần tuý áp dụng các biện pháp quá thiên về mặt kỹ thuật như đình chỉ, đóng cửa hoạt động.
Trong nội bộ UBCK đang có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Vụ Quản lý kinh doanh, Vụ Quản lý quỹ, Thanh tra… trong quá trình kiểm tra, giám sát các công ty này. Thậm chí, các đơn vị của UBCK còn phối hợp với kiểm toán độc lập trong việc yêu cầu tổ chức này giải trình chi tiết, rõ ràng thông tin về ATTC của các CTCK, nhằm đề xuất hình thức xử lý hữu hiệu.
Những thông tin quan trọng này, theo NĐT thì UBCK cần công bố sớm, để họ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng tại những CTCK mà họ mở tài khoản giao dịch. Tại sao lại có sự chậm trễ trong công bố những CTCK có sức khoẻ tài chính không đảm bảo, thưa ông?
UCBK khẳng định, sắp tới sẽ công bố thông tin về vấn đề này, nhưng phải làm dần dần, chứ không thể nóng vội.
Lý do là việc công bố thông tin phải theo đúng quy định pháp luật, phải tính toán cẩn trọng, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn thị trường, cũng như hệ thống tài chính khác, nhất là ngân hàng, vì thực tế, có những CTCK không đảm bảo ATTC có quan hệ tín dụng với các ngân hàng. UBCK đang cân nhắc bài toán công bố thông tin, để đảm bảo hài hoà lợi ích cho các bên liên quan.
Thưa ông, những biện pháp này có bảo vệ được quyền lợi của NĐT nhỏ lẻ khi CTCK rơi vào tình trạng mất thanh khoản?
Trong các giải pháp xử lý CTCK không đảm bảo ATTC, UBCK luôn chú trọng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, bất kể họ là tổ chức hay cá nhân. Với những CTCK nằm trong danh sách có chỉ tiêu ATTC không tốt, thì ngay trong quá trình kiểm tra, giám sát, UBCK đã yêu cầu các công ty này có hình thức giảm dần giao dịch với khách hàng, để giảm thiểu rủi ro cho NĐT nếu xảy ra sự cố mất an toàn tài chính.
Trong bối cảnh TTCK khó khăn hiện nay, với việc xử lý các CTCK không đảm bảo ATTC nói riêng, điều hành thị trường nói chung, UBCK đặt ra mục tiêu số 1 là an toàn hệ thống, đồng thời, xử lý những vấn đề phát sinh kịp thời, để tạo nền tảng tốt cho thị trường khi kinh tế vĩ mô ổn định trở lại.
Với tư tưởng như vậy, mọi chủ trương triển khai các sản phẩm mới, trong đó có T+2 chưa được tính đến trong bối cảnh hiện nay.
Hữu Hòe thực hiện
đầu tư chứng khoán
|