Thứ Sáu, 21/10/2011 06:09

Chứng khoán Việt Nam: Tự mua-bán với nhau

Cuối năm nay sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Xu hướng gần đây đang có sự chuyển dịch, đó là các công ty đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn đang nhìn dè chừng, chờ xem Chính phủ sẽ cải thiện nền kinh tế vĩ mô ra sao. Đó là nhận định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Hội nghị Đầu tư VN năm 2011 diễn ra trong ngày 19 và 20-10 tại TP.HCM.

Khái niệm “nhà đầu tư chiến lược” chưa rõ ràng

Ông Đông cho hay mới đây, Chính phủ cũng đã triển khai việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính. Đặc biệt Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát để đảm bảo lạm phát xuống một con số và nợ quốc gia phải giảm xuống mức dưới 5%. “Bởi vậy nếu có cái nhìn dài hạn 3-5 năm, chắc chắn VN sẽ là điểm hấp dẫn để đầu tư. Theo xu hướng này thì sang năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đến VN sẽ nhiều hơn” - ông Đông nói.

Mặc dù vậy, ông Louis Taylor, Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered (phụ trách tại VN, Lào, Campuchia), cho rằng những tiêu chí công khai hiện nay vẫn là con số bí ẩn cản trở đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế thị trường VN vẫn còn xa lắm so với các chuẩn mực quốc tế.

“Tuy nhiên, dư địa trên TTCK tại VN rất lớn. Tôi đã đi dọc VN và thấy rõ tiềm năng phát triển rất lớn. Chỉ cần tạo ra những chính sách vĩ mô đủ tin cậy, vững tay kiềm chế lạm phát, tạo sân chơi ổn định, công khai hơn. Chắc chắn TTCK sẽ khởi sắc và hấp dẫn trở lại” - ông Louis nói.

Hiện nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm phần lớn trên thị trường chứng khoán. 

Ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý tài sản PXP, cho rằng nhìn ở góc độ vĩ mô thì giai đoạn này lại là cơ hội thú vị cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi đây là thời điểm rất tốt mà chúng ta có thể tin vào những triển vọng mới của nền kinh tế. Tuy vậy, ông Kevin không khỏi những trăn trở khi các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất vẫn là thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Bởi trong quá trình đầu tư như vậy mà tiền đồng mất giá thì kênh đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Bên cạnh đó, gần đây tôi cảm thấy chưa thực sự có định nghĩa rõ ràng về nhà đầu tư chiến lược tại VN. Dường như nhà đầu tư chiến lược vẫn là tranh tối tranh sáng. Liệu chúng tôi đầu tư 15% cổ phần thì chúng tôi có phải là nhà đầu tư chiến lược hay không? Nhưng cái dễ thấy nhất là với 15% ấy, chúng tôi không nằm trong HĐQT của công ty thì rất khó để có những chiến lược cụ thể. Trong khi đó, đầu tư cho chứng khoán không chỉ là bỏ tiền vào đó mà còn phải dựa vào chiến lược” - ông Kevin nói.

Mua nhanh bán cũng nhanh

Theo ông Louis, TTCK trên thế giới là do nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng mua và bán. Tuy nhiên, tại VN hoàn toàn khác, hiện nay thị trường do những nhà đầu tư trong nước tự buôn bán với nhau. Đặc biệt, những nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm số lớn. Xuất hiện tình trạng nhảy vào mua cổ phiếu nhưng lại bán rất nhanh. Việc này không hẳn tốt nhưng lại tạo động lực cho TTCK sôi nổi và là cơ hội để những nhà đầu tư lớn có những chiến dịch đầu tư dài hơi.

Bước đầu tiên, theo ông Louis, phải sớm cổ phần hóa công ty, tập đoàn lớn để tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Đi đầu trong việc cổ phần hóa phải có các ứng cử như Petrolimex hay Vietnam Airlines... Nếu thực hiện tốt, sẽ tạo tiền đề để các tập đoàn kế tiếp cổ phần. Gần đây cũng có những tín hiệu tốt trong cổ phần hóa như Vietcombank bán cổ phần cho một đơn vị tại Nhật Bản. Điều đó đã làm tăng nguồn vốn cho ngân hàng nhưng Nhà nước vẫn giữ số phần trăm lớn. Đó là những tín hiệu tốt cho cổ phần hóa.

Cũng theo ông Louis, còn một điểm khác nữa, ở phương Tây việc đổ vỡ của công ty lớn hay những cổ phiếu yếu thanh khoản được công khai rõ ràng và không phải là vấn đề quá sốc hay ghê gớm . Trong khi VN có vẻ không phải như vậy. “Vì thế muốn làm được điều đó, vẫn rất cần cơ chế công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài” - ông Louis nói.

Nên cho chứng khoán giao dịch thêm buổi chiều

Ông Kevin Snowball cho biết ở một số nước vẫn có những phiên giao dịch buổi chiều nhưng ở Việt Nam thì không. “Tôi thấy với hàng trăm cổ phiếu như hiện nay nhưng TTCK VN chỉ giao dịch mấy tiếng thì rất ít. Nên chăng có phiên buổi chiều giống như buổi sáng để thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn. Nhất là trong giai đoạn vùng đáy này, nếu chúng ta không cẩn thận sẽ bị lỡ chuyến tàu. Hiện nay có hơn hàng trăm công ty niêm yết trên TTCK, trong đó có 80% là công ty tư nhân. VN đang tạo ra một nguồn cung rất lớn” - ông Kevin nói.

Ông Nguyễn Xuân Minh cho rằng TTCK VN cũng có những điểm khá thuận lợi. Chẳng hạn như thị trường này không hề phân biệt giữa chứng khoán trong nước và ngoài nước. Ông Minh cũng hy vọng cuối năm nay hoặc đầu năm 2012 sẽ thành lập được quỹ hỗ tương trên TTCK. “Như vậy sẽ tạo ra nhiều sản phẩm được chào bán trên thị trường để thu hút nhà đầu tư. Một khi nhiều sản phẩm được chào bán thì thanh khoản trên thị trường chứng khoán cũng tốt hơn” - ông Minh nói.

Hiện nay có một thực tế khi người ta bán cổ phần công ty thì thường thả nổi cổ phần nên đã gây ra sự lũng đoạn, tạo ra giá trị ảo. Chữ nhà đầu tư chiến lược cũng đang bị lạm dụng. Vì nhiều nhà đầu tư chứng khoán mua cổ phần rồi bán lại cho người khác rất nhanh. Vậy thì đâu phải là nhà đầu tư chiến lược. Bởi nhà đầu tư chiến lược phải có một kế hoạch dài hạn và đường hướng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư ấy cũng không nhất thiết phải ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Minh,

Giám đốc điều hành Công ty Quản lý tài sản VN

Yên Trang

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 21/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (20/10/2011)

>   UBCK làm mạnh hơn thị trường cảm nhận (20/10/2011)

>   Thị trường ngày 20/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (19/10/2011)

>   Thị trường ngày 19/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (18/10/2011)

>   Thị trường ngày 18/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (17/10/2011)

>   Thị trường tuần 17 – 21/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (16/10/2011)

>   Khuyến nghị mua DPM, TS4, LCG, GMD và bán IJC (16/10/2011)

>   Chưa khôi phục niềm tin, chứng khoán tiếp tục lình xình (15/10/2011)

>   Thị trường ngày 14/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (13/10/2011)

>   Cuối 2011 có hướng dẫn trích lập dự phòng OTC? (13/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật