Thứ Hai, 01/08/2011 09:15

Hiện tại nên đầu tư vào cổ phiếu nào?

(Vietstock) – Theo phân tích của các công ty chứng khoán, hiện tại nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu VIS và LSS, tiếp tục nắm giữ cổ phiếu CSM. Về trung hạn, nhà đầu tư có thể để ý đến GMC và cổ phiếu HDG thích hợp cho dài hạn. Trong khi đó, VCSC dự báo EIB có khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2011.

LSS: Hấp dẫn trong ngắn hạn và dài hạn

Ngày 27/07, CTCP Chứng khoản Bảo Việt (HNX: BVS) đưa ra báo cáo khuyến nghị nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu của CTCP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS). Theo BVS, LSS là cổ phiếu khá hấp dẫn trong ngắn hạn và dài hạn vì đây là doanh nghiệp đầu ngành với ưu thế về vùng nguyên liệu ổn định và năng lực sản xuất lớn. Trong thời gian tới, tình hình tiêu thụ và diễn biến giá đường được đánh giá có triển vọng tốt.

BVS ước tính sản lượng tiêu thụ của LSS năm 2011 là 85,000 tấn đường, doanh thu đạt 1,662 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 309 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại, BVS cho rằng các nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu LSS với mức P/E và P/B 2011 tương ứng là 3.5 và 0.9 lần. Đây là mức định giá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Xem báo cáo chi tiết.

VIS: Quý 2 hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận

Đánh giá về CTCP Thép Việt Ý ((HOSE: VIS), CTCP Chứng khoán SME (HNX: SME) cho rằng tình hình hoạt động kinh doanh năm 2011 của VIS khá khả quan, lợi nhuận được cải thiện.

Nửa đầu năm 2011, tăng trưởng doanh thu của VIS phần lớn dựa vào tăng trưởng về giá trị (khoảng 45%) và tăng trưởng cả về sản lượng tiêu thụ (khoảng 25%) do giá bán thép xây dựng trên thế giới và trong nước tăng mạnh trong quý 1 và giữ mức cao trong quý 2. Giá thép hiện đang có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ và có thể giữ mức giá đến cuối năm. Dựa trên giả định về giá và sản lượng, SME dự báo doanh thu của VIS trong năm 2011 đạt khoảng 3,068 tỷ đồng, tăng 11%.

Về lợi nhuận ròng, quý 2 VIS đã hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm. Dựa trên dự báo về giá thép và phôi thép cùng tăng trong nửa cuối 2011, SME cho rằng tổng lợi nhuận ròng của VIS đạt khoảng 154 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2010. Tỷ suất lợi nhuận 4.36% so với trung bình ngành (3.59%).

Xét về nguồn vốn, vay ngắn hạn là phương thức huy động vốn chủ yếu của VIS do nhu cầu vốn lưu động lớn. Với vốn vay ngắn hạn lớn, lãi suất trên 20%/năm như hiện nay là nguyên nhân đẩy dự báo chi phí tài chính và lãi vay của VIS trong năm 2011 lên gấp đôi. Tuy nhiên, các chỉ số sức khỏe tài chính tốt hơn trung bình ngành cho thấy công ty có nhiều khả năng vượt qua thử thách này.

Với mức giá 15,800 đồng hiện tại, P/E forward và P/E trailing của VIS đều đang thấp hơn trung bình ngành. Trong điều kiện thanh khoản thị trường được cải thiện và giả định lãi suất cho vay là 18%, SME định giá cổ phiếu VIS ở mức 18,292 đồng/cp trong vòng 6 tháng tới. Do vậy, SME khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu VIS ở giá hiện tại. Xem báo cáo chi tiết

CSM: khuyến nghị nắm giữ

Nhận xét về CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM), CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng CSM đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá cao su đã tăng bình quân khoảng 64% từ quý 4/2010 đến nay. Ngoài ra, tình hình vĩ mô kéo dài làm tăng chi phí đầu vào của công ty và thu hẹp phần nào đầu ra của sản phẩm.

Tuy nhiên, FPTS cho rằng CSM là một doanh nghiệp lớn trong ngành săm lốp, có thương hiệu đã được khẳng định cả trong và ngoài nước. Đây là lợi thế vô hình cho sự phát triển dài hạn của công ty. Bên cạnh đó, từ tháng 2/2011 đến nay, giá cao su đã giảm nhẹ trở lại, có thể hỗ trợ phần nào cho việc giảm giá vốn sản phẩm trong hai quý cuối năm.

Hơn nữa, CSM đang khởi động dự án nhà máy lốp radial toàn thép với sản lượng giai đoạn 3 ước tính 1 triệu chiếc. Nếu đạt 100% công suất thiết kế và giá bán bình quân 6 triệu đồng/lốp, doanh thu của CSM có thể tăng tới 2,100 – 6,000 tỷ đồng/năm trong những năm tới. Hiện tại, CSM đang khởi động lại dự án liên doanh than đen với tổng vốn đầu tư tăng lên khoảng 84 triệu USD. Dự án này sẽ giúp CSM chủ động hơn nguồn nguyên liệu than đen với giá 11,000 – 12,000 đồng/kg, giúp tiết giảm giá thành sản phẩm săm lốp.

Ngoài ra, CSM đang phối hợp với công ty Ba Đình để khai thác một số dự án bất động sản. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ quỹ đất để xây dựng cao ốc và nhận tiền khai thác khoảng 10% giá trị mỗi cao ốc. CSM cũng sẽ hợp tác với công ty Ba Đình xây dựng tòa nhà văn phòng ở 180 Nguyễn Thị Minh Khai, trong đó CSM được quyền khai thác 7/17 tầng khi hoàn thành tòa nhà. Đây là hướng đi đúng đắn của CSM để chủ động sử dụng hiệu quả khu đất hiện có, đồng thời tạo nguồn vốn để tập trung cải thiện, phát triển cho ngành kinh doanh lõi săm lốp trong điều kiện nguồn vốn huy động đang khó khăn với chi phí lớn hiện tại.

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2011, FPTS cho rằng CSM chỉ thực hiện được 90% kế hoạch doanh thu, đạt khoảng 2,956 tỷ đồng do đầu ra đang bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm của Đài Loan và nhập lậu từ Trung Quốc. Lợi nhuận sẽ có sự đóng góp từ khoản bất thường khi hoạch toán dự án bất động sản với công ty Ba Đình.

Với những phân tích như trên, FPTS nhận định CSM vẫn là một doanh nghiệp nhiều triển vọng. FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ ở vùng giá hiện tại quanh 13,200 đồng dù mức định giá là 14,280 đồng. Xem báo cáo chi tiết.

EIB: Có thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận

Báo cáo phát hành ngày 26/07 của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo Ngân hàng Eximbank (HOSE: EIB) sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn trong tương lai nhờ thương hiệu mạnh, vốn chủ sở hữu lớn, mạng lưới rộng khắp đất nước và sự hỗ trợ tài chính dày kinh nghiệm từ SMBC.

Theo VCSC, khả năng sinh lợi của EIB đã được cải thiện đáng kể với ROE tăng từ 8.7% trong năm 2009 lên 13.5% trong năm 2010. Hơn nữa, hệ số an toàn vốn (CAR) của EIB đạt 17.8%, cao nhất so với các ngân hàng trong nước.

Mặc dù thị trường khó khăn, EIB đã đạt lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2011 khoảng 1,690 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ 2010 và tăng 15% so với 6 tháng cuối năm 2010.

Tuy vậy, VCSC nhận định thận trọng về kết quả lợi nhuận 6 tháng cuối năm của EIB vì ngân hàng này cần giảm lãi suất cho vay để tăng trưởng tín dụng nhưng đồng thời phải duy trì lãi suất huy động hấp dẫn để thu hút vốn. Hơn nữa, lãi suất dự kiến chưa thể giảm sớm trong các tháng còn lại của năm nay. Ngoài ra, quy định các doanh nghiệp nhà nước phải bán USD cho doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động bằng USD của EIB.

Tuy nhiên, VCSC vẫn cho rằng, EIB có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận 3,000 tỷ đồng trong năm nay dựa trên quá trình hoạt động trong những năm gần đây và kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2011. Xem báo cáo chi tiết.

GMC: Thích hợp cho đầu tư trung hạn

Báo cáo phân tích doanh nghiệp phát hành ngày 28/07 của CTCP Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (HOSE: BSI) cho rằng cổ phiếu của CTCP Sản xuất Thương mại may Sài Gòn (HOSE: GMC) thích hợp cho đầu tư trung hạn.

Báo cáo của BSI cho thấy GMC xác định kênh phân phối là thị trường trung  - cao cấp. Công ty đã được ủy quyền sản xuất sản phẩm có thương hiệu như Nike, Nautica, Haggar, JC Penny… để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Châu Âu… So với các doanh nghiệp cùng ngành, GMC là doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu khá cao (26%).

Sản xuất FOB hiện chiếm gần 97% doanh thu sản xuất chính của công ty, chỉ có 3.12% doanh thu sản xuất chính dưới hình thức gia công thông qua một số công ty nước ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh của GMC duy trì khá ổn định. Quý 1/2011, GMC đạt gần 130 tỷ đồng doanh thu thuần và 8.3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng 40% về doanh thu và 3% lợi nhuận so với cùng kỳ 2010. Với kết quả này, GMC đã hoàn thành 20.7% kế hoạch lợi nhuận 2011.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chính của công ty thường phải nhập khẩu từ nước ngoài nên chịu sự biến động về số lượng và giá cả nguồn cung. GMC cũng là doanh nghiệp xuất khẩu nên mọi biến động của thị trường thế giới có thể ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của công ty. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành dệt may như GMC chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia.

Như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của GMC khá ổn định, tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt khá cao. Xuất phát từ triển vọng khả quan của ngành và doanh nghiệp, với mặt bằng giá hiện tại khá hấp dẫn, BSI cho rằng GMC là cổ phiếu thích hợp cho nhà đầu tư trung hạn. Xem báo cáo chi tiết.

HDG: Năng lực tài chính mạnh

Trong một báo cáo khác phát hành ngày 25/07, BSI nhận định  Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) là doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh và năng lực phát triển bất động sản tốt.

Theo BSI, hiện HDG đang có cơ cấu tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay khá thấp, các khoản nợ phải trả của HDG chủ yếu là các khoản người mua trả tiền trước.

Về tổng quỹ đất, HDG đã được giao khoảng 2 triệu m2 để phát triển các khu đô thị mới trong cả nước, trong đó đã và đang triển khai hạ tầng kỹ thuật trên 1 triệu m2, còn lại đang hoàn tất các thủ tục đầu tư. Năm 2011, HDG tiếp tục triển khai đầu tư vào các dự án như An Khánh – An Thượng, Dịch Vọng, 183 Hoàng Văn Thái… Đây là những dự án sẽ mang lại dòng tiến chính trong năm. Hiện doanh nghiệp này cũng đang hoàn tất thủ tục đầu tư mới.

Mặt khác, chính sách trả cổ tức của HDG khá tốt, trung bình từ 15 – 20%/năm bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, HDG cũng gặp phải một số rủi ro như thị trường bất động sản đang rơi vào giai đoạn trầm lắng. Danh mục lớn các dự án, việc triển khai nhanh đồng bộ trong năm có thể vấp phải sự mất cân đối về dòng tiền thu chi, gây rủi ro mất thanh khoản.

Mặc dù vậy, BSI vẫn đánh giá HDG là doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh và năng lực phát triển dự án bất động sản tốt. Cổ phiếu HDG có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn sau xu hướng còn suy giảm khá mạnh hiện tại. Nguồn doanh thu, lợi nhuận HDG được kỳ vọng khá ổn định từ nhiều dự án bất động sản và các dự án thủy điện đang triển khai. Trên cơ sở thị trường bất động sản hiện tại, BSI cho rằng HDG là cổ phiếu thích hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn của các tổ chức và cá nhân. Xem báo cáo chi tiết. 

Trương Thơ

Các tin tức khác

>   Thị trường tuần 01-05/08 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (31/07/2011)

>   Cần mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài (29/07/2011)

>   Dòng tiền từ Nhật Bản chực chờ vào TTCK Việt Nam (29/07/2011)

>   Thận trọng chờ đợi vẫn là chủ đạo (29/07/2011)

>   Thị trường khó khởi sắc đến cuối năm (28/07/2011)

>   Thị trường ngày 29/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/07/2011)

>   Thị trường ngày 28/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (27/07/2011)

>   TS. Lê Xuân Nghĩa: Chính sách tiền tệ và những tác động lên TTCK Việt Nam (27/07/2011)

>   Thị trường ngày 27/07 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (26/07/2011)

>   Thị trường đang bị thiệt hại nặng, cần một sự trăn trở toàn diện… (26/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật