Thứ Năm, 02/06/2011 06:22

Kịch bản đánh lên chứng khoán bắt đầu

"Kịch bản đánh lên tốn kém" đang trở thành hiện thực. Chấp nhận chịu chi phí vốn đáng kể để tạo ra đợt phục hồi có thể giá trị đến trên 20%, tác giả kịch bản này nhắm đến mục tiêu cuối cùng là tiêu hóa lượng hàng giải chấp khổng lồ với giá tốt nhất.

Phiên giao dịch ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2011 thật ấn tượng: cả hai sàn đều tăng thực chất với vô số giá trần. VNI được đẩy lên đến 14 điểm, còn HNX thua kém đôi chút nhưng cũng bật đến 3%.

4 phiên giao dịch trước đó đã làm cho nhiều nhà đầu tư tiếp tục nỗi thất vọng, đặc biệt là những nhà đầu tư đã quen với thói quen đẩy trần BVH, MSN, VIC của nhóm tạo lập thị trường (market maker - MM). Nỗi ám ảnh về một bẫy tăng giá lộ liễu lại chế ngự quyết định mua vào của nhà đầu tư.

Rõ ràng, phiên khởi đầu của sự kích hoạt vào ngày 26/5/2011 đã được tiến hành theo kịch bản kinh điển: đầu phiên đánh xuống để gom giá sàn, sau đó lực cầu tổ chức đột ngột tuôn vào để đẩy mặt bằng giá cổ phiếu lên. Ngay trong phiên dó, các tổ chức đầu cơ đã chắc chắn thu được lợi nhuận 10%.

Dĩ độc trị độc - một liệu pháp điều trị tâm lý của nhóm MM được vận dụng rất linh hoạt. Nếu như nhiều tháng trời nay nhà đầu tư đã quá thảng thốt với kịch bản đánh lên khống thị trường, thì nay cũng bằng động tác đó mà MM rất dễ dàng gom hàng giá rẻ từ những nhà đầu tư non gan muốn thoát khỏi thị trường.

Cho đến giữa phiên giao dịch ngày 31/5/2011, vẫn hầu như không có dấu hiệu nào chắc chắn là thị trường sẽ được đánh lên. Trừ Công ty chứng khoán ACB tỏ ra lạc quan về HNX, còn lại tất cả các công ty chứng khoán khác đều nhận định thị trường sẽ đi ngang, thậm chí giảm mạnh.

Đợt đánh lên này sẽ "giúp" các CTCK tiêu thụ hàng giải chấp giá cao?

Sau phiên ngày 26/5, tín hiệu đánh lên đã xuất hiện lần thứ hai vào cuối phiên ngày 31/5. Khối lượng giao dịch vẫn èo uột, chẳng cho thấy sắc thái nào khả quan. Nhóm cổ phiếu chứng khoán còn có dấu hiệu lao dốc. HNX có lúc đã phá đáy cũ 69 điểm. Thế nhưng gần cuối phiên, cùng với lượng ATC đổ vào khá nhiều cổ phiếu bluechip trên sàn HOSE, chỉ số HNX cũng bất ngờ được kéo lên vượt khỏi đáy cũ.

Rất có thể, 69 điểm đã trở thành đáy ngắn hạn của chu kỳ giảm mạnh vừa qua. Với 4 phiên tích lũy đầy nghi ngờ, môt đợt đánh lên có thể đang được hình thành.

Nhận định của chúng tôi vào đầu tuần trước và đầu tuần này cũng nghiêng về khả năng có thể diễn ra một kịch bản đánh lên với chi phí vốn thực chất của MM sau khi HNX đã giảm đến 44% so với đỉnh 122 điểm. Kịch bản này có thể nhắm tới độ tăng trưởng của hai sàn hoặc khoảng 10%, hoặc từ 20-23%.

Nhận định là như vậy, song xác suất tin cậy thực tế lại rất thấp. Bởi tất cả những thao tác của MM đều dường như lặp lại kịch bản đánh xuống, chỉ để lộ một vài dấu hiệu nhỏ cho sự hồi phục của thị trường. Hơn nữa, trong 4 phiên tích lũy vừa qua, chỉ số VNI đã bị cho tăng khống đến 9% - một tỷ lệ tăng khống chưa từng xảy ra đối với một đợt đánh lên nào trước đây.

Tuy nhiên, kịch bản đánh lên không lần nào giống lần nào - tất cả đều tùy thuộc vào ý chí con người. Nếu như HNX có thể được nâng lên vùng 85-86 điểm, thì VNI cũng đương nhiên sẽ lấy lại phần mất mát trước đó của nó, thậm chí vươn tới vùng 520 điểm.

Với tỷ lệ tăng khống của VNI và sự chênh lệch quá lớn giữa điểm số VNI và HNX trong 4 phiên qua, đợt đánh lên dù có thể diễn ra trong thời gian tới cũng vẫn rất mong manh vì khó có thể biết đích xác MM sẽ cho VNI chinh phục những mốc nào. Chỉ biết rằng, hàng chục ngàn tỷ đồng hoặc hơn thế giá trị của cổ phiếu cần giải chấp vẫn còn gần như nguyên vẹn tại các công ty chứng khoán (mấy phiên vừa qua mới chỉ tiêu hóa khoảng gần 2.000 tỷ đồng).

Thế nên đợt đánh lên này về thực chất là nhằm "giúp" cho các công ty chứng khoán có điều kiện tốt nhất trong tình cảnh khốn khó này để tiêu thụ hàng giải chấp với giá cao.

Muốn tiêu thụ trọn vẹn được hàng giải chấp, kịch bản đánh lên phải nhắm đến mục tiêu tăng tốc cho hai sàn đạt tỷ lệ phục hồi trên 20% (có thể từ 20-23%).

Nếu kịch bản này xảy ra, đây là một đợt tăng đáng kể của TTCK từ 6 tháng qua (đợt tăng gần nhất diễn ra vào giữa tháng 11 - giữa tháng 12/2010). Đợt tăng bất ngờ và tiềm tàng lợi nhuận này cũng xoa dịu đáng kể nỗi đau đớn mất mát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời khiến những biện pháp "cứu TTCK" của các tổ chức hiệp hội và quản lý, dù mới manh nha, không có mấy lý do để tiếp tục triển khai. Chứng khoán Việt Nam vì thế vẫn "phát triển ổn định".

Một chi tiết cũng đáng lưu tâm là nếu kịch bản đánh lên được bắt đầu từ ngày đầu của tháng 6/2011, nó cũng trùng hợp với đợt đánh lên xảy ra vào ngày đầu của tháng 4/2010. Có thể sự so sánh này là mơ hồ và chẳng có cơ sở nào thuyết phục, nhưng điều có thể chiêm nghiệm là sau đợt tăng khá mạnh trong tháng 4/2010, thị trường đã lao dốc và mở màn cho một quá trình sụt giảm khủng khiếp cho đến tận bây giờ.

Nhưng sự so sánh trên có thể đỡ mơ hồ hơn nếu chúng ta sự liên hệ về động cơ thị trường: nếu kịch bản đánh lên đợt này được hoàn thiện, lượng cổ phiếu của các công ty chứng khoán cần phải giải chấp cũng được tiêu hóa trọn vẹn. Khi đó, những người ôm hàng cuối cùng chính là những nhà đầu tư nhỏ lẻ nhảy vào cuối cùng. Với sự giải tỏa tốt đẹp hàng giải chấp, nhóm MM và các công ty chứng khoán sẽ không còn lý do tự thân nào để giữ lửa cho thị trường nữa. Và tương lai của những người nhảy vào thị trường cuối cùng có lẽ sẽ không khác gì hình ảnh "trâu chậm uống nước đục".

Tương lai như thế cũng được hiển hiện bởi việc tất cả những cổ phiếu đã từng  làm mưa làm gió khi thị trường bị đánh xuống - BVH, MSN, VIC, VNM - đều đương nhiên "có phần" khi thị trường được đánh lên xanh rì vào phiên giao dịch ngày Quốc tế thiếu nhi.

Việt Thắng

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Chứng khoán “bốc hơi” cả trăm ngàn tỉ đồng (01/06/2011)

>   02/06: Bản tin 20 giờ qua (02/06/2011)

>   Ai sẽ bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư? (01/06/2011)

>   Từ số phận công ty chứng khoán đến quyền lợi nhà đầu tư (01/06/2011)

>   Ngày 01/06: Chứng khoán, Bất động sản và Ngân hàng bật mạnh (01/06/2011)

>   Môi giới chứng khoán: Nghề nguy hiểm? (01/06/2011)

>   SCIC cần chú trọng đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi (01/06/2011)

>   01/06: Bản tin 20 giờ qua (01/06/2011)

>   UPCoM-Index tăng trở lại trên 32 điểm (31/05/2011)

>   Ngày 31/05: Thị trường tăng giảm là “tùy” ở khối ngoại? (31/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật