Môi giới chứng khoán: Nghề nguy hiểm?
Lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam, một nhân viên môi giới (Lê Văn Truyền, 27 tuổi, tại CTCK Sacombank - SBS) đã bị khởi tố vì hành vi thao túng giá chứng khoán. Sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng trong dư luận, câu chuyện này được nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau.
* Chủ tịch SBS: Vụ môi giới Truyền thuộc trách nhiệm cá nhân
Thăm dò của ĐTCK về phản ứng của các nhân sự đang hành nghề môi giới đối với vụ việc trên, đa số ý kiến cho rằng, rất có thể đó là một dạng tai nạn nghề nghiệp mà hầu như môi giới nào cũng có thể mắc phải. Pháp luật Việt Nam chỉ cho mỗi nhà đầu tư được mở 1 tài khoản, nhưng trong thực tế, một nhà đầu tư cỡ trung (dưới 1 tỷ đồng) cũng thường mượn tên, mở ít nhất 2 tài khoản. Người môi giới, vì thế, ai chẳng dính việc quản lý những tài khoản khác nhau của cùng một chủ sở hữu.
TTCK đã từng trải qua nhiều giai đoạn giao dịch bất thường, dư luận từng công khai lên tiếng về nghi vấn làm giá AAA, PVA, BMC, HQC…và yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ, nhưng sau đó, mọi việc cứ âm thầm trôi qua. Tuy nhiên, lần này, điều không may cho môi giới Truyền là một trong những khách hàng phải chăm sóc - ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch CTCP Dược Viễn Đông (DVD)- đã bị khởi tố vì tội làm giá, nên trách nhiệm liên đới đã dội xuống nhân viên này, với lý do đã hỗ trợ ông Dũng thực hiện các giao dịch chéo, chuyển tiền trong nội bộ các tài khoản liên quan.
Một số người đặt câu hỏi, môi giới Truyền, bản chất chỉ là người làm thuê (và như lời Chủ tịch SBS thì Công ty không phát hiện thấy lợi ích cá nhân của Truyền ở đây), khi anh này bị khởi tố, trách nhiệm của Công ty là ở đâu? Chủ tịch SBS cho rằng, nhân viên môi giới bị khởi tố là vụ việc mang tính cá nhân. Câu trả lời trên rõ ràng đã làm phật ý những người hành nghề môi giới, nhưng lại được hậu thuẫn bằng một thực tế: pháp luật Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới ở chỗ, chỉ có tội hình sự cho cá nhân, không có tội hình sự cho pháp nhân!
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên TTCK Việt Nam có khoảng 3.000 người làm môi giới, trong đó có khoảng 60-70% là có chứng chỉ hành nghề. Trước áp lực cạnh tranh, áp lực giữ khách, việc hỗ trợ 1 nhà đầu tư mở nhiều tài khoản để phối hợp giao dịch chỉ là việc rất nhỏ với người hành nghề. Còn nhiều việc khác họ đã và đang làm (hoặc phải làm) như hỗ trợ khách hàng vay mượn chứng khoán, bán khống, mua khống.…Thậm chí, trong bối cảnh nhà đầu tư cạn kiệt nguồn tiền và phải chịu áp lực siết nợ rất lớn từ CTCK, môi giới còn hỗ trợ tìm kiếm hoặc trực tiếp cung cấp nguồn tín dụng đen cho khách hàng, với lãi suất cả 100%, cũng không phải là chuyện hiếm trên TTCK Việt Nam.
Trở lại với câu chuyện môi giới bị khởi tố. Nếu đúng là lỗi nghề nghiệp thì môi giới Truyền đã phải chịu cái giá đắt. Nhưng điều đáng nói, như lời luật sư Trương Thanh Đức, là ranh giới giữa lỗi hành chính và tội hình sự hiện vô cùng mong manh, đặc biệt trong 3 nhóm hành vi gồm "Cố ý thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật"; "Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán" và "Thao túng giá chứng khoán". Sự mong manh này là ở chỗ, Bộ luật Hình sự chỉ quy định khung như vậy. Người hành nghề (và cả nhà đầu tư) rất khó lường khi nào mắc lỗi hành chính, khi nào phạm tội hình sự, khi mà các dấu hiệu vi phạm đối với 2 loại này gần như trùng khít với nhau.
10 năm qua, TTCK lớn mạnh vượt trội về quy mô, nhưng trong lòng nó phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Sự thiếu hoàn chỉnh của khung pháp lý đã và đang khiến ranh giới đúng sai của người hành nghề và cả nhà đầu tư mong manh theo ranh giới luận tội của các cơ quan chức năng.
Phạm Oanh
đầu tư chứng khoán
|