Nỗi đau margin
Đợt sụt giảm nghiêm trọng trên TTCK vừa qua, theo giới phân tích, là do sự hội tụ từ nhiều yếu tố: giải chấp cổ phiếu ở một số CTCK lớn; bán khống; bán ra để đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính nhằm đối phó với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kể từ 1/4/2011, khi CTCK bắt buộc phải báo cáo về tỷ lệ này…
Các lý do cũ có, mới có, nhưng một lần nữa phản ánh về hướng đi bế tắc của nhiều CTCK.
HOSE: 6 tỷ USD vốn hóa bốc hơi
Giá trị vốn hóa của sàn HOSE đã bốc hơi gần 120.000 tỷ đồng (6 tỷ USD) sau 11 phiên liên tiếp VN-Index lao dốc. Chỉ số HNX-Index thậm chí đã có lúc rơi xuống dưới 70 điểm, phá mức đáy thiết lập cách đây 27 tháng. Nhưng các chỉ số chứng khoán không phản ánh hết sự thiệt hại nặng nề của NĐT bám trụ thị trường. Chỉ trong chưa đầy hai tuần, nhiều cổ phiếu hàng hiệu mất giá chóng mặt: SJS (-35%); HAG (-32%); MSN (-34%), FPT (-16%)…
Tháo chạy có lẽ là từ thích hợp nhất để miêu tả trạng thái giao dịch trong hai tuần đi xuống quá mạnh vừa qua. Khái niệm đắt, rẻ hoàn toàn không có ý nghĩa với NĐT cá nhân. Họ sợ hãi và mục tiêu duy nhất là bán được cổ phiếu. Bán bằng mọi giá. Chứng khoán bị ruồng rẫy, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không có thêm tin tức nào xấu hơn.
Nỗi đau margin
Đầu tháng 5, CTCK SME đưa ra bản báo cáo, trong đó đặt dấu hỏi về nguồn cung cổ phiếu khi các khoản vay margin sắp tới hạn và khả năng lực bán giải chấp sẽ xuất hiện. Sau đó, không chỉ tại công ty này, lực bán giải chấp tung ra mạnh mẽ chủ yếu xuất phát từ 3 CTCK lớn.
Hai trong số này thuộc "topten" các CTCK có thị phần môi giới cao nhất và được ngân hàng thương mại đứng chống lưng. Ở CTCK còn lại, chủ yếu là bán số cổ phiếu repo. Khi ngân hàng quốc doanh "mẹ" siết lại hoạt động cho vay chứng khoán - lĩnh vực phi sản xuất, CTCK "con" buộc phải bán ra rất mạnh cổ phiếu để thu hồi vốn. Và khi VN- Index bắt đầu trượt dần từ đỉnh nhỏ, một số thành viên thị trường, gồm cả các NĐT cá nhân và tổ chức, cảm nhận ngay thấy hơi thở của "gấu". Các đối tượng này liền bán khống một loạt cổ phiếu hàng đầu, khiến VN-Index như cỗ xe đổ đèo lao dốc mỗi lúc một nhanh.
Từ 2 năm nay, khái niệm giao dịch ký quỹ (margin) đã không còn xa lạ với thị trường. Thực tế nghiệp vụ này chưa có quy định cụ thể, nhưng đang được cơ quan quản lý cho phép tồn tại với tên gọi "hợp đồng hợp tác đầu tư", chu kỳ thời gian từ T+4 tới 6 tháng. Trong sự phục hồi của thị trường vào quý IV năm ngoái, nhiều phiên, giá trị giao dịch trên hai sàn đạt mức 3.000-5.000 tỷ đồng/phiên. Dù không có một con số thống kê chính xác, nhưng đòn bẩy tài chính đóng góp một phần quan trọng vào sự bùng nổ giao dịch. Bất ngờ sau đó, chứng khoán điều chỉnh, thị trường suy giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Các khoản đi vay như con tàu mắc cạn, không thể tìm được lối thoát.
Do chưa có quy định cụ thể, nên nhiều khoản vay không được thể hiện trên sổ sách kế toán như bản chất của nó, mà nằm ở khoản phải thu hay tài khoản tự doanh tùy thuộc cách ghi nhận của CTCK. Chẳng hạn, cuối năm 2010, tại CTCK Sacombank, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trên 7.000 tỷ đồng, trong đó giá trị các hợp đồng hợp tác, ủy thác đầu tư lên tới gần 6.000 tỷ đồng. Tại CTCK Thăng Long, cuối năm 2010, các khoản phải thu của khách hàng là 3.500 tỷ đồng, còn tại CTCK Ngân hàng Nông nghiệp, các khoản phải thu ngắn hạn vượt 8.000 tỷ đồng…
Tính đến tháng 5/2011, các khoản cho vay bắt đầu gặp áp lực. Một mặt là điểm rơi chu kỳ 6 tháng, khách hàng bị kẹt lại hầu như không có khả năng trả nợ. Mặt khác về tài chính, nếu các ngân hàng "mẹ" tài trợ cho CTCK "con" để cho NĐT vay thì để càng để lâu, càng gặp nhiều áp lực do lãi suất tăng cao.
Ngày 30/6 là thời điểm các ngân hàng phải đồng loạt đưa tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22%. Nhiều ngân hàng kiên quyết thu hồi nợ cũ. Khi chiếc van tín dụng chứng khoán đảo ngược thì làn sóng giải chấp và các tác động phụ nhấn chìm thị trường là điều đương nhiên xảy ra.
Rủi ro cục bộ ảnh hưởng an toàn hệ thống
Giao dịch ký quỹ là việc mua chứng khoán, trong đó người đầu tư chỉ thực có một phần tiền, phần còn lại đi vay. Ở TTCK Việt Nam, sản phẩm này bắt đầu xuất hiện ở một CTCK có yếu tố nước ngoài, sau đó, rất nhanh chóng lan rộng ra trên toàn thị trường, tỷ lệ phổ biến là 5:5. (NĐT có 5 đồng, được cho vay thêm 5 đồng). Tiếp theo, cuộc đua đòn bẩy diễn ra quyết liệt giữa các CTCK. Các CTCK đi sau phải gia tăng tỷ lệ ký quỹ, từ 5:5 đến 3: 7 rồi 2: 8 thậm chí 0: 10 (không đồng nào, nhà đầu tư được vay 100% tiền mua cổ phiếu), đánh vào tâm lý ham giàu nhanh của NĐT. Các ngưỡng giới hạn an toàn liên tiếp bị phá vỡ. Trong cuộc đua này, ưu thế hoàn toàn nghiêng về các CTCK có ngân hàng mẹ đứng chống lưng.
Vấn đề ở chỗ vì sao các CTCK (dĩ nhiên không phải là tất cả) đi theo chiến lược cạnh tranh thị phần bằng đòn bẩy tài chính? Về lý thuyết, sử dụng giao dịch ký quỹ đúng, NĐT có thể thu được lợi nhuận lớn và tăng thanh khoản cho thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các CTCK thu được nhiều phí hơn. Chiến lược cạnh tranh môi giới dựa vào giả định, CTCK nào chiếm thị phần lớn nhất, sẽ có doanh thu và lợi nhuận môi giới cao nhất. Thực tế giả định này là sai lầm: năm 2010, CTCK Thăng Long và Sacombank ở tốp đầu về thị phần môi giới. Tuy nhiên, hiệu quả thực (lợi nhuận) lại rất khiêm tốn so với nguồn lực tài chính, con người mà các DN đã bỏ ra và không tương xứng với mức độ rủi ro phải gánh chịu.
Giao dịch ký quỹ là một sản phẩm có từ lâu ở các TTCK phát triển. Bởi vậy, sự tồn tại và sự cần thiết của sản phẩm này không cần tranh luận thêm. Nhưng với Việt Nam, sản phẩm này du nhập chưa lâu, do sự "vung tay quá trán" của một số chủ thể trong quá khứ khiến giờ đây, mỗi đợt điều chỉnh của thị trường, bản chất là bình thường, nhưng lại có nguy cơ biến thành môt đợt suy giảm nghiêm trọng.
Chiến lược cạnh tranh môi giới qua việc khuyếch đại vốn, khuyếch đại giá trị giao dịch đang khiến một số CTCK lớn sa lầy. Hiệu quả thực không như kỳ vọng. Vấn đề lớn hơn là ở chỗ các rủi ro cục bộ có nguy cơ thường trực đe dọa cả hệ thống thị trường.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|