Thứ Hai, 30/05/2011 00:38

Khối ngoại bán ròng, mặt bằng giá tiếp tục xuống thấp

(Vietstock) – Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục đi xuống bất chấp hai phiên tăng điểm mạnh vào cuối tuần, nguyên nhân vẫn được xác định là do áp lực giải chấp và việc thanh lý danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài cũng “đóng góp” cho đà lao dốc này bằng việc bán ròng gần 222 tỷ đồng tại HOSE.

45% dưới mệnh giá

Thống kê mặt bằng giá cổ phiếu tính đến 27/05 cho thấy, cổ phiếu có thị giá thấp tiếp tục tăng lên trong khi những mã có mức cao và vừa đang dần trở thành “hàng hiếm”.

Cơ cấu giá cổ phiếu ở HOSE ngày 27/05/2011

Trong 289 mã niêm yết ở HOSE có 102 mã dưới mệnh giá, chiếm tỷ lệ 35%, tăng 2% so với cuối tuần trước. Số lượng cổ phiếu có giá từ 1x đến dưới 2x cũng tăng thêm 1% lên 35%, tương đương 102 mã.

FPC và VKP là hai cổ phiếu có mức giá thấp nhất với 2,400 đồng và 2,700 đồng/cp. Một loạt những cổ phiếu khác như VSG, MHC, BAS, TYA, CAD, DDM, TRI đều có mức giá chưa đến 4,000 đồng.

Trong khi đó, toàn sàn chỉ còn 45 cổ phiếu có thị giá từ 2x đến dưới 3x chiếm 16%. Các cổ phiếu có giá trên 3x còn lại 40 mã, tương ứng với tỷ lệ 14%.

3 mã cổ phiếu DHG, VNM và VIC vẫn duy trì được mức giá trên 10x nhưng so với cuối tuần trước thị giá các mã này đã giảm sút khá mạnh. VIC giảm 7.34% xuống còn 101,000 đồng/cp, VNM mất 5.56% xuống 102,000 đồng/cp và DHG giảm đến 9.6% còn lại 113,000 đồng/cp.

Cơ cấu giá cổ phiếu ở HNX ngày 27/05/2011

Tại sàn HNX, trong số 384 mã đang niêm yết, có đến 202 cổ phiếu dưới mệnh giá chiếm tỷ lệ 53%, tức 8% so với cuối tuần trước. VTA tiếp tục là cổ phiếu có giá thấp nhất thị trường nhưng tuần qua mã này đã giảm thêm 19.23% và rơi xuống mức 2,100 đồng/cp.

Trên VTA một bậc vẫn là TTC với giá 2,800 đồng/cp. Ngoài ra, cổ phiếu SVS cũng chỉ còn 2,900 đồng/cp. Một loạt các mã cổ phiếu khác như SHC, PDC, TLC, HBE, HPC hiện có giá chưa đến 4,000 đồng/cp. 

Số lượng các mã cổ phiếu trên mệnh giá lại thu hẹp đáng kể. Cụ thể là nhóm có giá từ 1x đến dưới 2x giảm xuống chỉ còn 136 mã, chiếm tỷ lệ 35%, trong khi cuối tuần trước  tỷ lệ này là 40%. Các mã trên 2x cũng chỉ còn 13%, tương đương với 46 cổ phiếu.

Cũng như tuần trước, SQC và HGM vẫn là hai mã có thị giá cao nhất. Trong một tuần giảm điểm mạnh nhưng SQC lại tăng từ 85,400 đồng/cp lên 86,000 đồng/cp; HGM giữ nguyên ở mức giá 85,100 đồng/cp.

Thứ tự một số mã khác cũng không thay đổi so với tuần trước như NET, SGH, HTB, DZM…

Như vậy, tính chung trên cả hai sàn, số lượng cổ phiếu dưới mệnh giá đã lên đến 304 mã, chiếm tỷ lệ hơn 45%.

ồ ạt bán ròng

Với đà lao dốc ngày càng mạnh của thị trường, khối ngoại cũng tăng cường các giao dịch mua bán với khối lượng và giá trị tăng lên rõ rệt so với các tuần trước đó. Tuy nhiên, lượng bán vẫn chiếm áp đảo.

Thống kê cho thấy, tổng lượng cổ phiếu được các nhà đầu tư ngoại mua vào ở HOSE đạt gần 19.2 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 511 tỷ đồng và lượng bán ra lần lượt là 22.19 triệu đơn vị và 733 tỷ đồng.

Như vậy, cả tuần họ bán ròng 3 triệu đơn vị và gần 222 tỷ đồng, trong đó phiên bán ròng mạnh nhất vào ngày 26/05 với hơn 90.64 tỷ đồng. Đây cũng là phiên tăng điểm mạnh đầu tiên của thị trường sau 10 phiên lao dốc liên tục.

Theo đánh giá của CTCK Dầu khí (PSI) việc khối ngoại bán ròng mạnh có liên quan trực tiếp tới diễn biến kinh tế Mỹ, khi DowJones điều chỉnh giảm tại cận ngưỡng 14,000 và chương trình hỗ trợ kinh tế QE2 của Mỹ đã kết thúc có tác động đáng kể tới nền kinh tế Mỹ.

Đứng đầu trong danh mục bán ròng của họ vẫn là VIC nhưng giá trị bán lên đến trên 201 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với các tuần giao dịch trước. Xét trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3 đến nay, khối ngoại có đến 45 phiên bán ròng cổ phiếu này với khối lượng gần 5 triệu đơn vị, tương ứng với khoảng 545 tỷ đồng nhưng chỉ mua ròng có 15 phiên với khối lượng gần 310 ngàn đơn vị và giá trị hơn 40 tỷ đồng.

Các mã bị bán ròng mạnh trong tuần còn có MSN và GMD với trị hơn 10 tỷ đồng mỗi mã. Các mã khác như DPM, CTG, STB, SSI, HPG, HAG và BVH đều có giá trị dưới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các mã này đều ảnh hưởng lớn đến mức độ biến động của VN-Index. Trong đó VIC, MSN, BVH vẫn là ba trụ cột quan trọng nhất.

CII dẫn đầu danh mục mua ròng nhưng giá trị chỉ vỏn vẹn 10.5 tỷ đồng, FPT xếp thứ hai nhưng mức chênh lệch khá lớn, chỉ có 4.56 tỷ đồng. Các mã còn lại như CTD, VHC, PHR, DPR, VCB, KDC, PVF, và SBT… với giá trị khá thấp.

Tại sàn HNX, khối ngoại cũng có một tuần giao dịch khá sôi động, với ba phiên mua ròng và hai phiên bán ròng vào giữa tuần làm cho khối lượng và giá trị mua ròng giảm đáng kể so với tuần trước, chỉ còn 156,400 cổ phiếu và gần 5.5 tỷ đồng.

PVS tiếp tục dẫn đầu danh mục mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong tuần thứ hai liên tiếp với hơn 9 tỷ đồng. Tiếp sau đó là THV, PGS, NTP, PVX, PVI, VNR, DXP… và nhiều mã trong số này cũng nằm trong danh mục mua ròng của khối ngoại ở tuần trước.

Ở danh mục bán ròng, BVS tiếp tục bị bán ròng nhưng giá trị giao dịch của tuần này lên đến 8.72 tỷ đồng. VCG từ mua ròng bị chuyển sang bán ròng với giá trị hơn 3 tỷ đồng, tiếp theo là STL, SHN, MIM, HBB…

Viết Vinh tổng hợp

Các tin tức khác

>   30/05: Bản tin đầu tuần (30/05/2011)

>   Nợ khó đòi chứng khoán (29/05/2011)

>   Chứng khoán đã qua tâm bão? (29/05/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 30/05 – 03/06 (28/05/2011)

>   Cổ phiếu rẻ hơn rau muống (28/05/2011)

>   Cổ phiếu bất động sản giảm sâu (27/05/2011)

>   UPCoM-Index chốt tuần ở mức 32,58 điểm (27/05/2011)

>   Ngày 27/05: Đã có hiện tượng ”găm hàng”! (27/05/2011)

>   Chọn kênh đầu tư nào hiện nay? (27/05/2011)

>   VN-Index cao hơn giá trị thực gần 22% (27/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật