Nợ khó đòi chứng khoán
Việc nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Hà Thành (HTSC) bỏ trốn, để lại số tiền thâm hụt 100 tỉ đồng trên tài khoản đang được bàn luận xôn xao khắp các sàn giao dịch. Trong Thông báo về tình hình hoạt động của công ty ngày 19-5-2011, HTSC khẳng định “việc ông chủ tịch (cũ) vay và bảo lãnh cho khách hàng vay tiền kinh doanh chứng khoán trên một số tài khoản cá nhân gây khoản thâm hụt lớn cho các tổ chức tín dụng là có”. HTSC cho biết đã bầu chủ tịch hội đồng quản trị mới và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) chuẩn y. Do vậy công ty vẫn hoạt động bình thường.
|
Xem ra HTSC chẳng có “vấn đề” gì. Ông chủ tịch mới thậm chí còn trả lời phỏng vấn báo chí, đại ý những tài khoản của người bỏ trốn nằm ngoài sổ sách kế toán của công ty nên công ty chỉ liên đới chịu trách nhiệm!!! Hóa ra thiệt hại là những ngân hàng nào đã cho ông chủ tịch cũ vay tiền kia. SSC, cơ quan quản lý công ty chứng khoán và thị trường, không thấy lên tiếng. Ngân hàng nào cho vay, nay mất tiền, cũng không thấy xuất danh.
Vụ việc của ông cựu chủ tịch HTSC về bản chất là nhà đầu tư sử dụng dịch vụ hỗ trợ tài chính hay gọi cách khác là đòn bẩy tài chính của công ty chứng khoán và nay thua lỗ, không thể trả được nợ, để lại cục nợ đó cho công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán không có chức năng cho vay tiền, mà chỉ có thể đứng làm trung gian, hợp tác với ngân hàng để ngân hàng cho nhà đầu tư vay. Để được vay, nhà đầu tư phải cầm cố cổ phiếu với một tỷ lệ nào đó. Trước đây dịch vụ này khá phát triển. Song kể từ khi Ngân hàng Nhà nước xiết lại tín dụng chứng khoán, các ngân hàng giảm mạnh, thậm chí cắt luôn cho nhà đầu tư vay.
Thay vào đó một số ngân hàng thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư với công ty chứng khoán, cụ thể là cho công ty chứng khoán vay để công ty chứng khoán cho khách hàng vay lại. Khoản vay của công ty chứng khoán với ngân hàng là tín chấp. Công ty chứng khoán cho khách hàng vay lại trên cơ sở giá trị cổ phiếu có trong tài khoản. Bằng cách này khoản cho vay của ngân hàng không tính vào tín dụng chứng khoán – một nhân tố của dư nợ phi sản xuất. Công ty chứng khoán ở giữa, hưởng chút chênh lệch lãi suất và vì tiền cho vay không phải của họ, nên họ quản lý lỏng lẻo. Khi giá trị cổ phiếu xuống thấp, thấp hơn cả khoản vay, nhà đầu tư không có tiền trả nợ, họ bỏ cổ phiếu chạy lấy người.
Những công ty chứng khoán không có mối quan hệ mật thiết với ngân hàng, chỉ dám dùng vốn tự có cho khách hàng vay. Vốn tự có ít, họ cho vay ít, chỉ 5-7 khách hàng VIP, và là “tiền của mình”, nên họ quản lý chặt. Thấy giá cổ phiếu gần về mức báo động là họ xử lý ngay. Các công ty chứng khoán 100% vốn của các ngân hàng hoặc được ngân hàng góp vốn theo tỷ lệ nhất định, thường được ngân hàng ủy thác đầu tư nhiều nhất. Thế mới có chuyện tổng giá trị hỗ trợ khách hàng của một công ty chứng khoán lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Trong các bản báo cáo tài chính, các khoản hỗ trợ đòn bẩy được công ty chứng khoán gộp chung vào danh mục “các khoản phải thu của khách hàng”. Tính sơ sơ danh mục này của mười công ty chứng khoán đang dẫn đầu thị phần môi giới ở hai sàn lên đến hơn 10.000 tỉ đồng, lớn hơn nhiều con số 7.000 tỉ đồng cho vay chứng khoán của toàn hệ thống mà NHNN công bố mới đây.
Sự tụt dốc quá nhanh những tuần qua của cổ phiếu đang động chạm đến từng hợp đồng đòn bẩy giữa công ty chứng khoán và khách hàng. Giá không ít cổ phiếu bị đầu cơ năm ngoái nay chỉ còn bằng 30-50%, thậm chí thấp hơn 8-9 lần mức giá trước đây. Guồng máy giải chấp cổ phiếu khởi động. Để trấn an nhà đầu tư, có công ty không gọi là “giải chấp cổ phiếu”, mà dùng ngôn từ “bán cổ phiếu trả nợ”. Chết nỗi hiện nay thanh khoản thị trường đang kém, nhiều cổ phiếu bán cũng không có người mua, đặc biệt các cổ phiếu penny trên sàn Hà Nội. Trong khi đó thời hạn giảm dư nợ cho vay phi sản xuất đối với các tổ chức tín dụng đang đến gần. Còn báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm của các công ty chứng khoán phải được kiểm toán soát xét.
Không biết các ngân hàng sẽ đòi nợ công ty chứng khoán như thế nào vì các khoản ủy thác đầu tư làm gì có tài sản thế chấp. Mà bị đòi riết quá, không biết công ty chứng khoán có chịu lấy vốn tự có ra trả không và vốn tự có liệu đủ để trả không. Hầu hết các công ty chứng khoán đều tự doanh và hiện rất ít danh mục tự doanh mang lại lợi nhuận, nếu không muốn nói đang âm.
Với HTSC, công ty có vốn điều lệ 150 tỉ đồng, năm 2010 lãi khoảng 10 tỉ đồng, các năm trước đó lỗ. Tính ra đến nay lỗ luỹ kế của Hà Thành vẫn còn 82,6 tỉ đồng. Khoản lỗ này chắc chắn đang ăn vào vốn. Theo SSC đến cuối năm 2010 có ít nhất 20 công ty chứng khoán lỗ, vốn chủ sở hữu đang lẹm dần. Một số, trong đó có những công ty chứng khoán lớn, đang đóng cửa bớt các chi nhánh, phòng giao dịch, sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí, hầu qua cơn bĩ cực. Nhân viên môi giới một công ty chứng khoán lớn nhất nhì thị trường bảo công ty vừa thông báo thu hẹp đội ngũ, tuần sau nhà báo gọi đến hỏi thông tin, không chừng cô không còn làm ở đấy nữa.
Lưu Hảo
tbktsg
|