Chứng khoán trong cơn bĩ cực
Sau 10 phiên giảm điểm liên tục từ ngày 12.5 - 25.5, VN-Index đã mất 16,23 điểm, chỉ còn 386,36 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trong hơn một năm qua của VN-Index. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội ngày 25.5 còn 69,01 điểm và là mức thấp nhất kể từ khi ra đời của sàn chứng khoán Hà Nội đến nay.
Cổ phiếu giá cực thấp
Dù hai phiên cuối tuần 26 và 27.5 chứng khoán tăng điểm trở lại (VN-Index lên 410,82 điểm, HNX-Index đạt 70,83 điểm) nhưng không nhờ đó mà TTCK bớt ảm đạm. Nhiều cổ phiếu (CP) hiện có giá rất thấp như TTC (Công ty CP gạch men Thanh Thanh) giá 2.800 đồng/CP; SVS - (Công ty CP chứng khoán Sao Việt) giá 2.900 đồng/CP; SHC (Công ty CP hàng hải Sài Gòn) 3.400 đồng/CP; TLC (Công ty CP viễn thông Thăng Long) 3.700 đồng/CP... và hàng loạt CP chỉ ở mức 4.000 - 5.000 đồng/CP. Hiện có khoảng hơn 200 loại CP đang được giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP), chiếm 1/3 số lượng CP đang niêm yết trên cả hai sàn. Trong số CP giảm giá mạnh ngoài những doanh nghiệp (DN) bị thua lỗ từ quý 4/2010 đến nay vẫn có nhiều DN kinh doanh có lãi. Sự sụt giảm liên tục của thị trường vừa qua đã khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục tâm lý: giá CP đã giảm mạnh nhưng vẫn có thể giảm nữa. Bên cạnh đó, với chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Chính phủ, câu hỏi nguồn vốn nào để tiếp tục đầu tư cho TTCK vẫn khó có lời đáp.
Một diễn biến đang lo khác là tình hình giải chấp các CP cầm cố. TTCK giảm quá mạnh đã buộc các công ty chứng khoán (CTCK) bán ra CP cầm cố bằng mọi giá. Đó là một trong những nguyên nhân khiến TTCK tiếp tục chìm sâu trong 10 phiên giao dịch vừa qua. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTCK SJC - lý giải bên cạnh việc bán giải chấp CP, quỹ ETF (quỹ nước ngoài chuyên về đầu tư chỉ số VN-Index) cũng bán bớt danh mục đầu tư sau khi có thông tin về việc sẽ thay đổi cách tính VN-Index. Chưa hết, thông tin về việc nguyên Tổng giám đốc CTCK Hà Thành bỏ trốn với khoản nợ hơn 100 tỉ đồng cũng khiến các nhà đầu tư thêm hoang mang, muốn bán ra bằng mọi giá.
Thị trường phải “tự thân vận động”
Trước tình hình sụt giảm mạnh của TTCK, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)... đã liên tiếp họp bàn và kiến nghị với Chính phủ những giải pháp cứu TTCK. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại không tán thành quan điểm này.
TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (trường ĐH Kinh tế - Luật) đặt câu hỏi: Tại sao phải nói chuyện cứu TTCK? Đây chỉ là một bộ phận của nền kinh tế nên không có chuyện phải có chính sách riêng cho nó. Chính phủ phải tập trung nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì những bộ phận khác sẽ ổn định và phát triển trở lại. Thậm chí việc áp dụng biện pháp kỹ thuật như giảm biên độ giao dịch cũng sẽ không có tác dụng nhiều. Những khó khăn hiện nay cũng đã được dự báo từ trước và bản thân các nhà đầu tư cũng phải làm quen với sự biến động lên xuống này.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Tài chính trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng không thể có một giải pháp nào để cứu TTCK trong thời điểm hiện nay. “Năm 2008 chúng ta đã rót tiền để Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua vào CP cũng nhằm mục đích cứu thị trường và đó là một sai lầm. Giải pháp này không thể áp dụng và đặc biệt sẽ đi ngược với mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ hiện nay. TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế nên nó sẽ phải tự vận động”, ông Chí nói. Tuy nhiên theo ông Chí, cơ quan quản lý TTCK cần phải tăng cường giám sát mạnh hơn. Đặc biệt rà soát hoạt động của các CTCK nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn tài chính. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để nhà đầu tư đánh giá chính xác tiềm năng của các doanh nghiệp và lựa chọn CP đầu tư. Khi nền kinh tế có những dấu hiệu ổn định thì chứng khoán cũng sẽ luôn là nơi phản ánh đầu tiên”, ông Lê Đạt Chí nói.
Mai Phương
Thanh Niên
|