Thứ Tư, 01/06/2011 18:49

Từ số phận công ty chứng khoán đến quyền lợi nhà đầu tư

Lặng lẽ thu xếp lại bộ máy và hoạt động kinh doanh là phương án tối ưu mà nhiều công ty chứng khoán đang lựa chọn. Mặc dù vậy, nhiều công ty khác cũng đã tìm hướng đi mới, đó là chuyên nghiệp hóa từng nghiệp vụ.

Chưa có văn bản chính thức nào được gửi lên cơ quan quản lý thì ý tưởng chuyển đổi mô hình của Chứng khoán Kim Long đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước.

Bật trang web của Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS), đập vào mắt là dòng thông báo tuyển dụng nhân sự ở 2 vị trí chuyên viên đầu tư bất động sản và kỹ sư dự toán kiêm pháp lý trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Thoạt nhìn điều này thấy vô lý bởi một công ty chứng khoán sao lại cần tuyển chuyên viên về lĩnh vực xây dựng. Thế nhưng, đó chỉ là hệ quả của một quá trình từng được giới truyền thông trong nước bình bầu là sự kiện tiêu biểu trong tài chính đầu năm 2011. Đó là ý muốn cởi bỏ tấm áo đã chật của Công ty Chứng khoán Kim Long để mặc vào tấm áo mới rộng hơn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Long. Nhưng sự đời vẫn nói rằng con muốn cởi áo, liệu mẹ có cho?

Thay áo mới, không dễ!

Tháng 4.2011, KLS chính thức có tờ trình Đại hội cổ đông thường niên 2011 về kế hoạch ngừng kinh doanh chứng khoán và chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Trước đó, KLS đã gây xôn xao thị trường khi đem 1.644,75 tỉ đồng gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Mọi búa rìu dư luận chĩa vào ban lãnh đạo KLS khi phần đông giới tài chính cho rằng KLS đem tiền của cổ đông gửi ngân hàng lấy lãi suất thay vì đi đầu tư là chưa thỏa đáng. Đó là chưa kể việc cổ đông còn thắc mắc khoản tiền hoa hồng mà ngân hàng “gửi lại” không biết được hạch toán vào đâu? Tuy nhiên, cùng với sự sụt giảm về giá trị lẫn thanh khoản của thị trường những tháng đầu năm 2011, thực tế đã chứng minh việc KLS đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi suất là cách bảo toàn vốn hữu hiệu trong bối cảnh các công ty chứng khoán khác đều thua lỗ.

Một lần nữa, ban lãnh đạo của KLS lại được tung hô là đã biết nhìn xa trông rộng. Và đỉnh điểm của sự “thấu hiểu” thị trường chính là việc KLS cho biết sẽ xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngừng hoạt động kinh doanh chứng khoán và đăng ký sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh mới dưới hình thức công ty cổ phần, để nắm bắt những cơ hội phát triển trong tương lai. KLS cho rằng, chỉ chiếm 6,7% doanh thu, 2 hoạt động môi giới và bảo lãnh phát hành chứng khoán đã không phát huy được hiệu quả. KLS muốn xin dừng 2 trên 4 nghiệp vụ vốn được coi là xương sống của công ty chứng khoán để tập trung cho các ngành nghề mới như bất động sản, dịch vụ thương mại hay công nghệ thông tin.

Thế nhưng, sự hứng khởi đó cũng chẳng được tày gang khi phần lớn cổ đông đều phản ứng mạnh mẽ trước quyết định chuyển đổi mô hình của KLS. Chưa có văn bản chính thức nào được gửi lên cơ quan quản lý thì ý tưởng này đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước. Xem ra chiếc áo dù có chật thì cũng chỉ có thể sửa chữa, cơi nới, chứ cởi bỏ hẳn là điều chưa thể.

Nhìn lại sự kiện của KLS có thể thấy thất bại của ý định chuyển đổi mô hình hoạt động là điều đương nhiên khi KLS đã không tính đến những vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý. Chứng khoán là một ngành kinh doanh đặc thù, giống như ngân hàng. Không thể có chuyện một ngân hàng không hoạt động tín dụng mà lại đi sản xuất kinh doanh. Công ty chứng khoán cũng vậy. KLS không thể trở thành công ty cổ phần đa ngành nghề nếu vẫn bị đóng đinh với thân phận là công ty chứng khoán.

Theo một số luật sư, do KLS thành lập vào năm 2006, trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, nếu như “bị” Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi giấy phép kinh doanh (theo như mong muốn), thì KLS vẫn hoạt động trên cơ sở giấy chứng nhận kinh doanh đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp. Tuy nhiên, các luật sư “quên” rằng , KLS chỉ đăng ký kinh doanh ngành nghề chứng khoán duy nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kèm theo giấy phép kinh doanh chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp. Do đó, theo lẽ thường, một khi Ủy ban rút lại giấy phép kinh doanh chứng khoán của KLS thì tấm giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp cũng không có tác dụng gì.

Trên thực tế, KLS có thể thay đổi giấy đăng ký kinh doanh thêm lần nữa. Tuy nhiên, để “được” Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút lại giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán, KLS chỉ có những lựa chọn sau: Hoặc phải vi phạm nghiêm trọng Luật Chứng khoán; hoặc giải thể/phá sản. Lựa chọn sau không khả thi bởi giải thể xong thì khoản tiền mặt KLS hiện có (khoảng 1.800 tỉ đồng) sẽ được thực hiện theo Luật Phá sản, cổ đông sẽ nhận lại được tiền sau khi tất toán nợ nần. Khi đó, KLS muốn huy động lại được số vốn như trên từ cổ đông là điều không tưởng. Chả lẽ lại chọn phương án vi phạm Luật, để rồi tiếp theo sẽ làm gì khi tiến không được, lùi không xong?

Dễ đến, không dễ đi

Lỗ hổng trong Luật Chứng khoán đã hiện rõ khi không quy định rõ trường hợp công ty chứng khoán tự nguyện từ bỏ hoạt động kinh doanh chứng khoán để chuyển sang mô hình khác chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Nói nôm na là chưa có văn bản nào mang tính chất bắc cầu từ Luật Chứng khoán sang Luật Doanh nghiệp.

Điểm khác biệt của KLS so với hơn một nửa số công ty chứng khoán trên thị trường hiện nay là thời gian thành lập. Hiện nay, có gần 50 công ty chứng khoán (trong tổng số 105 công ty) được thành lập trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực vào năm 2007. Các công ty này, trong đó có KLS, có 2 giấy phép là giấy đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố cấp và giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp. Sau khi Luật Chứng khoán được áp dụng, chưa có văn bản dưới luật nào được ban hành để xóa bỏ những thủ tục không còn phù hợp và 2 giấy phép của 50 công ty chứng khoán nói trên vẫn không có gì thay đổi.

Sự hạn chế của Luật Chứng khoán cũng được thể hiện qua việc có quy định về điều kiện thành lập công ty chứng khoán, nhưng không quy định nếu công ty chứng khoán muốn dừng cuộc chơi thì phải làm thế nào. Cũng có thể vào thời điểm đó, các nhà làm luật đã tư duy rằng, nếu chứng khoán là nơi ai thích đến là đến, thích đi là đi thì sẽ tiềm tàng rủi ro cho ngành tài chính lẫn cộng đồng đầu tư. Tư duy trên hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, các nhà làm luật chưa lường hết được sự sôi động và biến hóa khôn lường của nền kinh tế mở mà Việt Nam đang khuyến khích. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc tạo điều kiện linh động cho doanh nghiệp, cũng như bảo toàn được công ăn việc làm và các vấn đề trật tự xã hội khác cần được khích lệ nhiều hơn. Và Luật chính là phương pháp để Nhà nước thể hiện sự khích lệ đó.

Không như KLS muốn dứt hẳn tấm áo công ty chứng khoán, SSI tuyên bố bỏ hẳn mảng tự doanh của công ty chứng khoán, chuyển sang Công ty Quản lý Quỹ SSIAM. Đây là một cách khác để thay đổi chiến lược kinh doanh của một công ty chứng khoán kỳ cựu tại Việt Nam. Trong khi đó, dưới sức ép thị trường, nhiều công ty chứng khoán không biết chờ đến bao giờ để có thể thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Thị trường chứng khoán đang trong những ngày ảm đạm nhất, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn từ đầu năm 2011 đến nay đều dưới mức 1.000 tỉ đồng/phiên. Chỉ có 10 công ty chứng khoán lớn chiếm 50% thị trường môi giới; hơn 90 công ty vừa và nhỏ chia nhau miếng bánh còn lại của thị trường. Làm một phép toán đơn giản cũng có thể tính ra mức phí môi giới của một công ty chứng khoán vừa và nhỏ chỉ khoảng vài chục đến vài trăm triệu mỗi tháng. Đương nhiên, vụn bánh này không thể nuôi sống họ trong hoàn cảnh hiện tại.

Như vậy việc mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực chứng khoán là điều khó tránh khỏi, bởi với quy mô của thị trường Việt Nam thì 105 công ty chứng khoán là quá nhiều.

Từ năm 2008, khi hàng loạt công ty chứng khoán báo lỗ và than thở việc họ phải ngoi ngóp để tồn tại, dự đoán một làn sóng M&A sẽ diễn ra. Nhưng sau 3 năm, mặc cho việc các công ty chứng khoán thua lỗ bị ăn vào vốn, làn sóng M&A này vẫn chưa thấy. Trong tình cảnh khó khăn của các công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có một phần đáng trách khi những năm thị trường bùng nổ (2005-2007) đã quá dễ dãi trong việc cho phép thành lập công ty chứng khoán. Chỉ đến năm 2008, khi công ty chứng khoán ngập ngụa trong suy giảm kinh tế, Ủy ban mới có động thái nâng tỉ lệ vốn bắt buộc của công ty chứng khoán tương ứng với các nghiệp vụ mà họ được phép hoạt động và cho đóng cửa các đại lý nhận lệnh.

Nhìn sang Đài Loan, thời kỳ đầu Đài Loan cũng chỉ có 28 công ty chứng khoán (vào cuối tháng 6.1988). Sau đó, do không thắt chặt các tiêu chí thành lập, đến tháng 9.1990 số lượng công ty chứng khoán đã tăng lên thành 297 công ty, để rồi sau đó phải giải thể và phá sản hàng loạt, chỉ còn vài chục công ty tồn tại đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, M&A lại tỏ ra không khả thi khi 2 công ty chứng khoán nhỏ hợp nhất lại cũng không thể bằng một công ty chứng khoán lớn. Và bản thân công ty lớn lúc này còn khó khăn thì khó có thể bàn tới việc cổ đông đồng ý cho “đèo bồng” một công ty khác đang ngắc ngoải chờ chết. Phương án bán cổ phần cho đối tác nước ngoài cũng khó thực hiện bởi thời điểm mở cửa cho các công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam từ năm 2012, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, đã sắp điểm. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài không cần phải mua lại cổ phần của một công ty nhỏ. Không cần tưởng tượng cũng thấy rõ rằng cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các công ty chứng khoán trong nước và nước ngoài sẽ sớm diễn ra.

Việc kinh doanh thua lỗ của các công ty chứng khoán hiện nay bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính. Một là do trích lập dự phòng chứng khoán giảm giá và các công ty chứng khoán lớn thường bị lỗ kiểu này. Hai là do thu không bù chi. Như đã nói ở trên, vụn bánh môi giới quá nhỏ, không đủ nuôi sống bộ máy kềnh càng mà công ty chứng khoán đang phải duy trì. Trường hợp này thường rơi vào các công ty nhỏ và lỗ lũy kế liên tiếp thâm hụt vào vốn điều lệ. Hậu quả là công ty chứng khoán đã nhỏ càng nhỏ hơn; sức đề kháng với biến động thị trường và khả năng cạnh tranh với các công ty khác càng thấp. Kết quả là các công ty này phải cắt dần các nghiệp vụ và trở thành đối tượng yếu đuối, dễ bị phá sản, giải thể nhất.

Không có nhiều công ty mạnh bạo như KLS hay SSI, phương án tối ưu nhất nhiều công ty chứng khoán đang lựa chọn là im hơi lặng tiếng, lặng lẽ thu xếp nội bộ ứng biến với cơn khốn khó. Song song đó, nhiều công ty cũng đã tìm hướng đi mới, đó là chuyên nghiệp hóa từng nghiệp vụ. Ở Trung Quốc, mô hình chuyên nghiệp hóa này đã được áp dụng từ lâu. Chẳng hạn, nói đến môi giới người ta nghĩ ngay đến công ty chứng khoán A, nói về tư vấn là nhắc đến công ty B. Ở Việt Nam, một số công ty chứng khoán cũng đã áp dụng hướng đi này, ví dụ như tư vấn phát hành, M&A, có thể nhắc ngay đến Công ty Chứng khoán Bản Việt. Còn Chứng khoán Thăng Long được biết đến nhờ đội ngũ môi giới chuyên nghiệp và tư vấn chuẩn xác cao.

Dù sao thì đây mới chỉ là sự manh nha cho một hướng đi mới của các công ty chứng khoán. Trong lúc hành lang pháp lý còn hẹp, thị trường chưa có dấu hiệu ấm trở lại, việc công ty chứng khoán, cơ quan quản lý và giới đầu tư cùng ngồi ngẫm lại để xem mình đang ở đâu và cần làm gì mới là điều nên làm nhất. 

Đỗ Lê Phương

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Ngày 01/06: Chứng khoán, Bất động sản và Ngân hàng bật mạnh (01/06/2011)

>   Môi giới chứng khoán: Nghề nguy hiểm? (01/06/2011)

>   SCIC cần chú trọng đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi (01/06/2011)

>   01/06: Bản tin 20 giờ qua (01/06/2011)

>   UPCoM-Index tăng trở lại trên 32 điểm (31/05/2011)

>   Ngày 31/05: Thị trường tăng giảm là “tùy” ở khối ngoại? (31/05/2011)

>   Cần có lộ trình chuyển UBCK thành cơ quan độc lập (31/05/2011)

>   Nỗi đau margin (31/05/2011)

>   Đầu tư vào cổ phiếu giá rẻ - Rủi ro nhiều, lợi nhuận có cao? (31/05/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Đa cảm (31/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật