Chứng khoán “bốc hơi” cả trăm ngàn tỉ đồng
Giá nhiều cổ phiếu đã ở mức thấp nhất từ trước đến nay khiến tài sản của các thành phần tham gia thị trường giảm sút nghiêm trọng. Thiệt hại nhất vẫn là nhà đầu tư vì họ đem tiền thật vào thị trường.
Thị trường chứng khoán liên tục suy giảm trong suốt thời gian dài đã khiến không chỉ nhà đầu tư, công ty chứng khoán thua lỗ mà ngay cả giá trị tài sản của các chủ doanh nghiệp (DN) niêm yết cũng teo tóp nghiêm trọng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của nhiều DN đã giảm từ 30%-50%. Giá trị vốn hóa của thị trường đã giảm cả trăm ngàn tỉ đồng.
Bốc hơi 100.000 tỉ đồng
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30-5, VN-Index trên sàn TPHCM (Hose) chỉ còn 412,1 điểm, so với thời điểm ngày 31-12- 2010 (lúc VN-Index ở mức 484 điểm), chỉ số này đã giảm khoảng 15%. Còn trên sàn Hà Nội (HNX), HNX-Index đã giảm từ 114,24 điểm xuống còn 69,61 điểm, tỉ lệ suy giảm đến 40%.
Trưởng bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng VN-Index giảm chỉ 15% là do một số mã có vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC… đã được đỡ giá, còn trên thực tế, giá của nhiều cổ phiếu khác đã giảm từ 30%-50% so với đầu năm…
Dù chỉ số chứng khoán trên Hose không phản ánh đúng mức suy giảm chung của thị trường nhưng tính chung 2 sàn, vốn hóa thị trường cũng đã giảm đáng kể. Theo thống kê của một công ty chứng khoán, tại thời điểm cuối năm 2010, cả hai sàn có khoảng 622 mã chứng khoán niêm yết với tổng giá trị vốn hóa đạt khoảng 734.000 tỉ đồng (số tròn). Trong đó, tại Hose là 591.000 tỉ đồng, còn tại HNX là 143.000 tỉ đồng. Thế nhưng chỉ sau 5 tháng giao dịch, tổng giá trị vốn hóa của 2 sàn đã mất đi hơn 100.000 tỉ đồng. Cụ thể, tính đến ngày 30-5, giá trị vốn hóa thị trường trên 2 sàn chỉ còn khoảng 620.000 tỉ đồng (Hose 527.000 tỉ đồng, HNX 93.000 tỉ đồng).
Thực tế, mức suy giảm 100.000 tỉ đồng chỉ là con số tính gộp sơ bộ theo thời điểm, chưa kể từ đầu năm đến nay trên cả hai sàn đã có thêm khoảng 25 mã chứng khoán niêm yết mới. Nếu tính như vậy thì số tiền bốc hơi từ đầu năm đến nay còn nhiều hơn.
Nhiều đại gia mất cả ngàn tỉ đồng
Trong top 10 đại gia trên sàn chứng khoán năm 2010, ngoại trừ ông Phạm Nhật Vượng, thành viên HĐQT, người sở hữu số lượng lớn cổ phiếu của 2 mã VIC và VPL, tài sản không biến động nhiều do 2 cổ phiếu này được đỡ giá; còn lại các đại gia khác đều đã mất 30% - 50% tài sản.
Hồi đầu năm, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có giá khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu nhưng nay chỉ còn trên 34.100 đồng/cổ phiếu (giá ngày 30-5), giảm tương ứng khoảng 60%. Nếu trừ lượng cổ phiếu đã chia tách thêm thì HAG cũng đã giảm ít nhất 30% giá. Như vậy, số tiền mà ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG, người đứng thứ hai về tài sản trên sàn chứng khoán, đã mất khoảng 3.500 tỉ đồng, so với con số đầu năm là 11.879 tỉ đồng.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng đã giảm từ 38.700 đồng xuống còn 30.500 đồng/cổ phiếu (giảm khoảng 20%) khiến giá trị cổ phiếu của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG, từ mức gần 3.000 tỉ đồng, nay chỉ còn khoảng 2.400 tỉ đồng (mất khoảng 600 tỉ đồng - không tính chia tách).
Tương tự, cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã giảm khoảng 27% (từ 34.000 đồng xuống 25.000 đồng/cổ phiếu) khiến số tiền quy đổi cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PDR, từ mức 2.600 tỉ đồng đầu năm nay chỉ còn 1.800 tỉ đồng (“bốc hơi” 800 tỉ đồng - không tính chia tách).
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo - ITA, người nắm giữ khoảng 2.046 tỉ đồng cổ phiếu hồi đầu năm, hiện chỉ còn khoảng hơn 1.100 tỉ đồng (mất gần 1.000 tỉ đồng) vì giá cổ phiếu ITA đã giảm khoảng 43% (không tính chia tách). Một đại gia khác cũng nằm trong top 10 là ông Đặng Thành Tâm, người có tài sản lên đến 5.180 tỉ đồng tại 4 DN niêm yết, ước tính số tiền “bốc hơi” theo giá chứng khoán suy giảm cũng đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng...
Nhà đầu tư mất tiền thật
Không chỉ cổ phiếu của các đại gia giảm mạnh mà nhiều cổ phiếu khác cũng đã tuột dốc thảm hại khiến nhà đầu tư nắm giữ các loại cổ phiếu này thiệt hại nặng nề. Không tính các yếu tố chia tách, cổ phiếu SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn) đã giảm gần 50% (rơi từ 32.000 đồng xuống còn 16.800 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu SBS (Công ty Chứng khoán Sacombank) giảm từ 35.000 đồng xuống còn 9.000 đồng/cổ phiếu; CTD (Công ty CP Xây dựng Cotec) giảm từ 67.500 đồng/cổ phiếu xuống còn 41.000 đồng/cổ phiếu…
Một trong những đại gia có tiếng trên sàn chứng khoán cho biết trên thực tế, lượng cổ phiếu ông nắm giữ không mua vào, bán ra để quy thành tiền nên việc “bốc hơi” theo đà suy giảm của thị trường cũng không nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nhìn cổ phiếu của mình ngày càng rớt giá cũng thấy xót xa. Hơn nữa, giá cổ phiếu, giá trị vốn hóa của DN cũng ít nhiều phản ánh uy tín của DN đối với cổ đông và các đối tác.
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới của Công ty Chứng khoán MHB, nhận xét các cổ đông lớn, chủ tịch các DN nắm giữ lượng cổ phiếu càng lớn thì càng tạo ra giá trị ảo lớn, bởi trên thực tế, họ gần như không giao dịch. Trong khi đó, nhà đầu tư thì đã mang “tiền tươi, thóc thật” từ bên ngoài vào giao dịch. Vì vậy, khi thị trường sụt giảm, chính những nhà đầu tư mới là người thua lỗ nặng nhất.
260 cổ phiếu dưới mệnh giá
Thống kê trên cả hai sàn chứng khoán ngày 30-5 cho thấy trong tổng số 673 mã chứng khoán, đã có đến 260 mã giao dịch dưới mệnh giá. Đặc biệt, có hơn 20% trong số này có giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Một số mã có giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/cổ phiếu như VTA (2.000 đồng/cổ phiếu), TTC (2.800 đồng), FPC (2.300 đồng), VKP (2.600 đồng)…
Theo thống kê của trang thông tin tài chính vietstock.vn, trong số những DN này có 36 DN kinh doanh bị lỗ trong quý I/2011, 80 DN có lợi nhuận chưa đến 1 tỉ đồng, 211 DN có lợi nhuận từ 1-35 tỉ đồng... |
Sơn Nhung - Hoàng Giang
Người lao động
|