Thứ Tư, 01/06/2011 20:20

Ai sẽ bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư?

Vụ việc nguyên Chủ tịch Công ty Chứng khoán Hà Thành (HASC) lặng lẽ rời công ty, bỏ lại sau lưng khoản nợ 100 tỉ đồng trong thời gian gần đây chỉ là giọt nước tràn ly.

Nhiều luồng ý kiến cho rằng, chính sự lỏng lẻo trong việc quản lý các dịch vụ đòn bẩy tài chính tại công ty chứng khoán, chưa dứt khoát với vấn đề tách bạch tài khoản của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán tại ngân hàng đã đẩy cao rủi ro trong hoạt động của các công ty chứng khoán. Hệ quả của nó là nhà đầu tư có thể bị vạ lây.

* Từ số phận công ty chứng khoán đến quyền lợi nhà đầu tư

Từ cuối năm 2010 đến nay, thị trường luôn ảm đạm, thanh khoản nhỏ giọt đã đẩy các công ty chứng khoán vào tình trạng khốn khó: khó kiếm lời từ nghiệp vụ tự doanh, doanh thu từ phí môi giới lại sụt giảm. Trong khi đó, họ vẫn phải đóng đủ các loại phí như phí nộp cho các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, thuế kinh doanh chứng khoán.

Nhìn lại năm 2010, trong số hơn 100 công ty chứng khoán thì trên 27% chịu lỗ lũy kế. Thậm chí có những công ty lỗ lũy kế 4 năm liên tiếp như Công ty Chứng khoán Tầm Nhìn (lỗ 36 tỉ trên tổng vốn 45 tỉ đồng), Nam Việt 4 năm liên tiếp lỗ 16 tỉ đồng. Một số công ty chứng khoán khác báo lỗ 3 năm liên tiếp như KIS Việt Nam, Nam An, Thành Công, Navibank, Miền Nam, Vina, Hà Nội, Kenaga Việt Nam…

Hàng loạt công ty chứng khoán khác niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã bị đưa vào diện cảnh báo từ cuối tháng 3.2011 do lỗ trong năm tài khóa 2010 như Kim Long (KLS) lỗ hơn 172 tỉ đồng, Bảo Việt (BVS) lỗ hơn 21 tỉ đồng, Hải Phòng (HPC) lỗ hơn 48 tỉ đồng và Sao Việt (SVS) lỗ 92 tỉ đồng. Cho đến hết quý I/2011 khi nhiều công ty chứng khoán vẫn tiếp tục báo lỗ.

Công ty chứng khoán gặp khó, nhà đầu tư lo

Trước tình hình đó, nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm với tài sản của mình đặt tại các công ty chứng khoán đang gặp khó khăn này.

Nhiều lập luận cho rằng, tài khoản tiền và chứng khoán của nhà đầu tư đã được tách bạch với tài khoản của công ty chứng khoán tại ngân hàng và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán nên dù công ty chứng khoán có phá sản mức độ thiệt hại của nhà đầu tư không lớn. Tuy nhiên, đến nay, việc tách bạch tài sản theo quy định chỉ mang tính hình thức. Thực tế, tài khoản tiền gửi các công ty chứng khoán đặt tại ngân hàng là tài khoản chủ của các công ty đó. Khi nhà đầu tư đóng tiền để đầu tư đều được nhân viên ngân hàng hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản tổng mang tên các công ty chứng khoán. Còn đối với chứng khoán, Trung tâm Lưu ký cũng không quản lý chi tiết của từng nhà đầu tư mà chỉ quản lý số dư khách hàng của thành viên lưu ký là các công ty chứng khoán. Nói cách khác, nhà đầu tư chỉ được lưu ký thông qua tài khoản tổng của công ty chứng khoán, chứ không mở trực tiếp tại Trung tâm Lưu ký. Do vậy, khi sự cố xảy ra với các công ty chứng khoán thì nhà đầu tư cũng gián tiếp chịu thiệt hại.

Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ ngày 1.4.2011, các công ty chứng khoán phải báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính cho Ủy ban hằng tháng. Tuy nhiên, những báo cáo này đến nay vẫn chưa được công khai. Nhà đầu tư không biết được tình hình hoạt động của công ty chứng khoán ra sao, nên hoàn toàn thụ động trong việc bảo vệ tài sản của mình nếu công ty đó thua lỗ, phá sản.

Theo điều 71, Luật Chứng khoán 2006, công ty chứng khoán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty, hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty. Quy định thì như vậy, nhưng thực tế ở Việt Nam ít có công ty bảo hiểm nào dám đứng ra cung cấp dịch vụ bảo hiểm kinh doanh chứng khoán đầy rủi ro và còn quá mới mẻ này. Về phần mình, đa phần công ty chứng khoán chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc này cũng như không muốn tốn tiền mua bảo hiểm, nên rất ít tham gia.

Thực tế hiện nay mới chỉ có loại hình bảo hiểm dành cho cán bộ điều hành công ty chứng khoán trước những quyết định đầu tư, quản lý của họ…, với rất nhiều điều khoản ràng buộc chặt chẽ. Tuy nhiên, có những lỗi thường xảy ra thì không được công ty bảo hiểm chấp nhận đền bù, trong khi tổn thất được bảo hiểm lại ít khi xảy ra nên công ty chứng khoán không mặn mà. Hiện cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc trong trường hợp công ty chứng khoán phá sản nhưng không mua bảo hiểm và làm thất thoát tài sản của nhà đầu tư thì sẽ xử lý ra sao.

Tiến sĩ Tạ Thị Thanh Bình, Vụ phó Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã có một số ý kiến gợi mở về vấn đề này.

Nhà đầu tư bơ vơ

Theo Tiến sĩ Bình, các thị trường chứng khoán phát triển cũng từng trải qua những bước thăng trầm, khủng hoảng. Trong số các giải pháp nhằm bảo vệ tối đa nhà đầu tư trước những thiệt hại do sự phá sản, giải thể của các công ty chứng khoán gây ra, có một giải pháp Tiến sĩ Bình cho rằng khá nhiều thị trường áp dụng, đó là thiết lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Mỹ có Luật Bảo vệ Nhà đầu tư (Securities Investor Protection Act - SIPA) được Nghị viện thông qua năm 1970. Luật này giao cho một định chế đặc biệt là Công ty Bảo vệ Nhà đầu tư (Securities Investor Protection Corporation - SIPC) đứng ra dàn xếp và chi trả cho những nhà đầu tư bị thiệt hại, trong trường hợp nhà môi giới bị phá sản hay gặp khó khăn về tài chính. SIPC, với quyền hạn nhất định của mình, sẽ thực hiện vai trò thu hồi tiền, cổ phiếu, chứng khoán và tài sản khác cho khách hàng.

Nếu không có SIPC, khách hàng tại các công ty môi giới chứng khoán này hoặc sẽ mất tiền và chứng khoán, hoặc phải chờ đợi trong nhiều năm do tài sản bị giữ lại tại tòa. Chức năng của SIPC là giúp khách hàng của công ty môi giới được nhận lại các chứng khoán mà họ sở hữu trong tài khoản của mình tại công ty đó. Phần tài sản còn lại của khách hàng tại công ty môi giới sẽ được bảo hiểm theo mức bảo hiểm đã ký kết. Nếu quỹ hiện tại của công ty chứng khoán không đủ để chi trả cho khách hàng, SIPC sẽ dùng quỹ dự trữ của mình để bù đắp phần thiếu hụt đó. Tuy nhiên, mức trần chỉ là 500.000 USD đối với mỗi khách hàng, trong đó mức chi tiền mặt tối đa là 250.000 USD.

Sau khi chi phí thanh lý công ty môi giới được xác định, phần tiền còn lại của khách hàng sẽ được thanh toán. Nguồn tiền chi trả này phần lớn được lấy từ đóng góp của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, để tránh sự gián đoạn trong quá trình đầu tư và những thiệt hại có thể phát sinh, SIPC ngay lập tức sắp xếp để toàn bộ tài khoản của khách hàng được chuyển sang một công ty môi giới khác. Khách hàng có tài khoản bị chuyển giao có thể chuyển sang công ty môi giới do SIPC chỉ định hoặc tự chọn công ty môi giới khác.

Kể từ khi thành lập năm 1970 đến tháng 12.2010, SIPC đã chi ra 1,6 tỉ USD để có thể thu hồi lại được 109,3 tỉ USD trong tài sản của gần 739.000 nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Bình lưu ý rằng, đây không hẳn là một hình thức bảo hiểm cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán. Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư này khác hẳn với cơ chế bảo hiểm trong lĩnh vực tài chính, ví dụ bảo hiểm tiền gửi ngân hàng (tại Mỹ là Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang - FDIC, tại Việt Nam hiện nay là Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam - DIV). Khi một thành viên ngân hàng của FDIC bị sụp đổ, FDIC sẽ bảo hiểm toàn bộ tiền của khách hàng gửi tại ngân hàng đó. FDIC giải quyết vụ việc mà không cần một giải trình nào từ người gửi tiền là dễ hiểu, vì ngân hàng là nơi dành cho những người ghét rủi ro và phần lớn đối tượng này đều gửi tiền vào các ngân hàng được FDIC bảo hiểm để đảm bảo an toàn.

Trái ngược với tâm lý ghét rủi ro của người gửi tiết kiệm là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ở đó, phần thưởng chỉ giành cho những người ưa mạo hiểm và lời lỗ là phần tất yếu của môi trường đầu tư đầy rủi ro này. Đó là lý do SIPC không bảo vệ nhà đầu tư khi giá trị cổ phiếu, trái phiếu hay các khoản đầu tư khác giảm vì bất kỳ lý do gì. SIPC không bảo hiểm cho nhà đầu tư cá nhân mua phải những chứng khoán không có giá trị và phải chịu thua lỗ do sai lầm đó mà chỉ bảo vệ những nhà đầu tư cá nhân có tiền và chứng khoán bị mất bởi công ty môi giới chứng khoán hoặc gặp rủi ro khi nhà môi giới bị phá sản.

“Nói một cách đơn giản: SIPC bảo hiểm cho tài sản, chứ không bảo hiểm cho giá trị của tài sản”, Tiến sĩ Bình nhấn mạnh.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư mua 100 cổ phiếu X thông qua một công ty chứng khoán và công ty này bị phá sản hoặc bị sáp nhập vào một công ty khác, SIPC sẽ đứng ra bảo đảm là 100 cổ phiếu đó không bị mất đi. SIPC có thể mua lại cổ phiếu đó để trả cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu giá của cổ phiếu đó giảm, SIPC sẽ không chi trả khoản thua lỗ. “Tất nhiên, có nhiều trường hợp giá cổ phiếu tăng và SIPC phải chi nhiều tiền hơn so với giá cổ phiếu tại thời điểm bị mất khỏi tài khoản của nhà đầu tư để mua lại cổ phiếu đó”, Tiến sĩ Bình dẫn chứng thêm.

Với trường hợp của Việt Nam, Tiến sĩ Bình cho biết, trước đây, trong những đợt suy giảm mạnh, cơ quan quản lý đã từng nghĩ tới phương án thành lập quỹ bình ổn thị trường. Quỹ này có thể tung tiền ra mua chứng khoán để kích cầu, hoặc bán chứng khoán ra khi thị trường bị làm giá. Nhưng việc thành lập một quỹ như vậy về cơ bản là can thiệp hành chính vào thị trường và cơ chế đóng góp, sử dụng tiền của Quỹ khá phức tạp nên chưa khả thi.

“Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu để học tập mô hình SIPC của Mỹ. Hiện nay nhiều nước trong khu vực đã có các định chế kiểu như vậy, ví dụ Hồng Kông có Quỹ Bồi thường cho Nhà đầu tư (Investor Compensation Fund), Singapore cũng có cơ chế tương tự với tên gọi Quỹ Tương hỗ (Fidelity Fund) thiết lập tại các sở giao dịch chứng khoán và sở giao dịch hợp đồng tương lai. Úc vừa có cơ chế của Quỹ Bảo hiểm Quốc gia (National Guarantee Fund), vừa yêu cầu có thỏa thuận bảo hiểm về bồi thường rủi ro giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư”, Tiến sĩ Bình gợi ý.

Mai Thư

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Từ số phận công ty chứng khoán đến quyền lợi nhà đầu tư (01/06/2011)

>   Ngày 01/06: Chứng khoán, Bất động sản và Ngân hàng bật mạnh (01/06/2011)

>   Môi giới chứng khoán: Nghề nguy hiểm? (01/06/2011)

>   SCIC cần chú trọng đầu tư hạ tầng và các ngành nghề sinh lợi (01/06/2011)

>   01/06: Bản tin 20 giờ qua (01/06/2011)

>   UPCoM-Index tăng trở lại trên 32 điểm (31/05/2011)

>   Ngày 31/05: Thị trường tăng giảm là “tùy” ở khối ngoại? (31/05/2011)

>   Cần có lộ trình chuyển UBCK thành cơ quan độc lập (31/05/2011)

>   Nỗi đau margin (31/05/2011)

>   Đầu tư vào cổ phiếu giá rẻ - Rủi ro nhiều, lợi nhuận có cao? (31/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật