Còn bảo hộ là còn phải mua đường giá cao
Hơn mười năm qua, chiến lược phát triển ngành đường hướng đến mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa với mức giá ngang thế giới đã không thành hiện thực. Chính sách bảo hộ ngành đường bằng hàng rào thuế và hạn ngạch nhập khẩu đã không mang lại hiệu quả, người dùng vẫn phải mua đường giá đắt…
Mười năm và mục tiêu 1 triệu tấn đường
Theo quy hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2010, diện tích mía cả nước phải đạt 300.000ha và sản lượng đường trong nước sản xuất là 2 triệu tấn, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong nước và bắt đầu có xuất khẩu. Tuy nhiên, các biện pháp nhằm thực hiện định hướng trên hầu như không có, nên sản lượng đường vẫn chỉ dừng lại ở ngưỡng 1 triệu tấn từ suốt năm 2000 đến nay, và hoàn toàn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng hàng năm đang có xu hướng tăng khá mạnh.
Theo tính toán của bộ Công thương, khoảng ba năm trở lại đây, trung bình mỗi năm ngành công nghiệp nước giải khát tăng khoảng 25 – 30%, bia và các loại thực phẩm khác tăng 20%, nhu cầu sử dụng hộ gia đình tăng khoảng 20% ở kênh siêu thị... Với mức tăng này, nhu cầu sử dụng đường sẽ dao động trong khoảng 1,4 – 1,5 triệu tấn đường trong năm 2011 và từ năm 2012 – 2015 sẽ cần thêm ít nhất 100.000 – 150.000 tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất tối đa của các nhà máy đường dự kiến đạt 1,1 – 1,2 triệu tấn. Nghĩa là, mỗi năm vẫn thiếu hụt ít nhất 300.000 – 500.000 tấn đường.
Từ đầu năm 2011, bộ Công thương cắt giảm thuế nhập khẩu (60% đường thành phẩm, 35% đường thô) về một mốc chung 15% nhằm bổ sung nguồn cung, kéo giá nội địa giảm xuống. Theo tính toán của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích mía cả nước mới đạt khoảng 250.000ha. Nghĩa là với 357.143 hộ và 1.785.715 người sống bằng nghề trồng mía, bình quân năm nhân khẩu/hộ mới sở hữu chưa tới 0,7ha, thấp hơn cả trăm lần so với diện tích mía sở hữu của nông dân Thái Lan. Do diện tích trồng mía quá nhỏ, lợi nhuận tính trên mỗi ký mía phải đạt ít nhất 500 – 600 đồng, cộng với chi phí sản xuất khoảng 500 – 650 đồng/kg thì tính ra giá mía để dân sống được phải tương đương 1.000 – 1.200 đồng/kg loại 10 chữ đường. Điều này, vô tình kéo theo giá thành sản xuất đường của các nhà máy lên đến 16.000 – 17.000 đồng/kg như hiện nay, chưa kể chi phí bán hàng, lãi vay.
Mạnh tay xoá bảo hộ
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất sữa, tiêu thụ trung bình lên đến hơn 100.000 tấn/năm, nói rằng để các hộ tiêu dùng công nghiệp mua đường trong nước, trước hết nhà máy phải cung cấp ổn định sản lượng và giá phải cạnh tranh. Thời gian qua, theo vị này, một số hộ tiêu thụ đường lớn luôn phải mua đường nội địa với mức giá cao hơn 5.000 – 6.000 đồng/kg so với thế giới là điều không thể chấp nhận được.
“Khi giá thế giới tăng, nhà máy tăng giá bán sỉ, nhưng giá giảm lại không điều chỉnh thì doanh nghiệp buộc lòng phải tìm từ nguồn nhập khẩu”, bà này nói thêm. Cũng theo vị giám đốc này, giá đường thế giới hiện nay nhập về đến cảng khoảng 15.000 đồng/kg, trong khi giá đường trong nước nằm ở mức giá từ 18.000 – 21.000 đồng/kg.
Thực tế, mấy năm gần đây, khi mức thuế chưa giảm, hạn ngạch nhập khẩu cấp nhỏ giọt, thì vẫn có một lượng đường nhập lậu khá lớn tuồn vào. Có điều, vì nhà máy vẫn còn được bảo hộ, bán cao giá, nên ngay đến đường nhập lậu dù mua khá rẻ ở biên giới thì đến tay người dùng giá vẫn khá cao.
Hoàng Bảy
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|