Luật Giá: Một bước lùi?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Giá, chuẩn bị trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 7-2011, để thay thế cho Pháp lệnh Giá. Đến nay, dự thảo luật tuy có nhiều quy định mới, nhưng về định hướng chính sách cơ bản thì lại có nhiều điểm “thụt lùi” so với quy định hiện hành.
Khẳng định vai trò quản lý của Nhà nước về giá
Pháp lệnh Giá năm 2002 đã khẳng định: Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh theo pháp luật. Thế nhưng dự thảo luật lại không đưa mục tiêu này thành định hướng chính sách xây dựng luật mà chủ yếu khẳng định vai trò quản lý của Nhà nước về giá như: Nhà nước thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Nhà nước sử dụng các biện pháp kinh tế và hành chính theo quy định pháp luật...
Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ thì mục tiêu cơ bản của luật này là nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn quản lý, điều hành giá trong bối cảnh phải đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Với cách xây dựng luật như vậy, dự thảo luật chưa ưu tiên mục tiêu tạo khung pháp lý về giá nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, bình ổn giá, khuyến khích cạnh tranh, xác định cơ chế định giá, giảm thiểu sai sót, gian lận trong thẩm định giá và bảo vệ người tiêu dùng.
Chính vì vậy, nội dung của dự thảo luật chưa chú trọng đến các quy định nhằm xác định cơ chế cạnh tranh về giá như: đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận giá... Các quy định của dự luật chủ yếu nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc định giá của Nhà nước mà thiếu các quy định về nguyên tắc và căn cứ để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, dự thảo luật lại quy định cấm các tổ chức, cá nhân áp dụng các căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá, thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp không đúng quy định pháp luật. Quy định như vậy là “tù mù”, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân không biết phải thực hiện như thế nào, có thể bị xử lý vi phạm pháp luật mà không có cách gì phòng ngừa.
Khi nào thì bình ổn giá?
Một quy định không rõ ràng khác của dự thảo luật đang gây tranh cãi là khái niệm bình ổn giá. Theo dự thảo, bình ổn giá là sự điều tiết của Nhà nước thông qua việc áp dụng các biện pháp thích hợp về điều chỉnh cung - cầu, tài chính, tiền tệ và các biện pháp hành chính, kinh tế cần thiết để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả, không để giá hàng hoá, dịch vụ quan trọng thiết yếu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp, bất hợp lý.
Với khái niệm như thế này thì không ai biết được bình ổn giá sẽ được thực hiện như thế nào, đến mức độ nào, tác động đến giá cả như thế nào, bởi vì không rõ các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu là loại nào, thế nào là tăng giá quá cao, thế nào là giảm giá quá thấp bất hợp lý, tăng giảm so với quy định, chuẩn mực nào, liệu các biện pháp này có phù hợp với các cam kết quốc tế hay không...
Dự thảo luật cũng quy định, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể về danh mục hàng hóa, dịch vụ phải áp dụng các biện pháp bình ổn giá phù hợp với từng thời kỳ, nhưng cụ thể khi nào thay đổi danh mục đó thì không rõ. Vì vậy, dự luật cần quy định rõ ràng và cụ thể để tránh tạo ra những cách hiểu khác nhau như trường hợp đã xảy ra đối với quy định của Thông tư 122 của Bộ Tài chính vừa qua.
Giá điện, giá thuốc, giá sữa liệu có hết bất hợp lý?
Luật này ra đời nhằm giải quyết một số bất cập hiện nay như hiện tượng giá một số mặt hàng thuốc chữa bệnh, sữa… có biến động lớn dẫn tới người tiêu dùng trả giá cao, gây tổn hại đến nền kinh tế; hay cơ chế định giá gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh, không kích thích đầu tư, như cơ chế hình thành giá điện; hoặc sự gian lận trong việc thẩm định giá, gây thất thoát cho Nhà nước.
Để định hướng, dự luật cần khẳng định nguyên tắc Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường có biến động bất thường, vì việc can thiệp rộng của Nhà nước dễ dẫn đến làm méo mó thị trường. Hành động can thiệp của Nhà nước phải dựa trên cấu trúc và sự vận hành của từng thị trường, hay quan hệ cung - cầu. Các quy định mang tính can thiệp trực tiếp trong dự thảo Luật Giá chưa chắc mang lại hiệu quả mà còn có thể gây nên những phản ứng bất lợi từ thị trường.
Để giải quyết các bất cập này cần có các chính sách và biện pháp đồng bộ trong quản lý và tổ chức thị trường. Ví dụ đối với trường hợp giá thuốc, giá sữa, việc can thiệp bằng các biện pháp hành chính trong thời gian qua không mang lại hiệu quả, giá vẫn tăng, không ngăn chặn được việc “làm giá” của các nhà phân phối. Giá cao vì phụ thuộc vào giá nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào giá thị trường quốc tế.
Để giải quyết cơ bản xu hướng tăng giá của các hàng hóa này cần có chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển bằng các biện pháp hỗ trợ người sản xuất, phân phối trong nước chứ không chỉ bằng chính sách tăng thuế nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung dồi dào, chi phí phân phối thấp thì người tiêu dùng mới được hưởng mức giá hợp lý.
Các biện pháp nhằm bảo đảm thị trường có giá hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà không vi phạm nguyên tắc cạnh tranh của cơ chế thị trường, tôn trọng quyền định giá của các tổ chức, cá nhân là một việc khó nhưng sẽ phải làm. Liệu Luật Giá ra đời có giải quyết được các bất cập trong thực tế không hay lại sinh thêm những thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp?
Quang Minh
TBKTSG
|