Thứ Sáu, 13/05/2011 09:23

Đường tồn kho: Hiệp hội nói thừa, Bộ bảo không

Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị ngưng nhập khẩu đường, trong khi bộ Công thương cho rằng việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường thời gian qua không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ đường trong nước.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình ngay và ngừng không thời hạn đối với các hợp đồng nhập khẩu đường năm 2011 chưa có hợp đồng hoặc hợp đồng đã ký nhưng chưa thanh toán, chưa mở L/C hoặc chưa phải bồi thường đối tác; đồng thời chỉ đạo khuyến khích tái xuất các lô hàng đã mua trong hạn ngạch được cấp đang làm dư thừa nguồn cung hiện nay.

Hiệp hội nói thừa đường

Theo hiệp hội Mía đường, đến 15.4.2011, tồn kho đường tại các nhà máy đường khoảng 510.000 tấn, khả năng sản xuất còn lại đến cuối vụ hơn 180.000 tấn. Như vậy, nguồn cung từ sản xuất trong nước cho hơn năm tháng còn lại trước khi vào vụ ép mới vào khoảng 690.000 tấn, trung bình có thể cung vào thị trường 125.570 tấn/tháng. Trong khi từ tháng 10.2010 – 15.4.2011, các nhà máy đường bán ra chỉ được 456.248 tấn, bình quân bán ra chỉ 70.153 tấn/tháng. Nguồn cung đường sẽ được bổ sung đáng kể vào tháng 10.2011 khi các nhà máy đường đồng bằng sông Cửu Long vào ép đại trà.

Với nguồn cung từ sản xuất trong nước như đã nói ở trên, hiệp hội Mía đường cho rằng có thể cung cấp đủ cho thị trường. Nếu kể thêm số lượng đường đã và đang nhập về theo hạn ngạch thuế quan đã cấp của bộ Công thương là 123.250 tấn (theo báo cáo 3888/BCT-XNK, đường đã về 53.250 tấn và sắp về 70.000 tấn) thì nguồn cung lên đến 813.887 tấn so với dự kiến nhu cầu tiêu dùng đến hết tháng 9.2011 chỉ cần 660.000 tấn. Như vậy, chưa kể số hạn ngạch thuế quan tạm dừng và đường nhập lậu, khi bước vào vụ ép mới 2011 – 2012 (dự kiến đầu tháng 10.2011) cả nước sẽ còn tồn 153.887 tấn. Lượng hàng dư thừa này sẽ gây khủng hoảng cục bộ đối với ngành mía đường...

Bộ Công thương bảo đường không thừa

Bộ Công thương vừa có báo cáo giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó cho rằng việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường thời gian qua không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ đường trong nước.

Báo cáo Thủ tướng, bộ Công thương cho rằng hơn 500.000 tấn đường tồn kho tại các nhà máy không phải lượng đường ứ thừa, vì đường là mặt hàng sản xuất theo mùa vụ nhưng sử dụng cả năm. Đây chính là nguồn hàng sử dụng cho năm đến sáu tháng tới cho đến khi có vụ đường mới. Mặt khác, bốn tháng qua việc tiêu thụ đường vẫn đang ở mức bình thường, mức tiêu thụ không những không chậm mà còn tăng cao hơn 80.000 tấn so với cùng kỳ.

Khó do đâu?

Khó khăn của các nhà máy đường, theo bộ Công thương có nhiều nguyên nhân. Các doanh nghiệp mía đường có khoản chi phí không nhỏ cho lãi suất tiền vay ngân hàng để giữ lượng đường tồn kho lớn. Mặt khác, các nhà máy sản xuất đường với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và thương mại không có các hợp đồng tiêu thụ đường dài hạn. Khi giá đường có xu thế giảm, các doanh nghiệp thương mại và sản xuất chỉ mua một lượng đủ dùng, gánh nặng tồn kho các nhà máy chịu. Một nguyên nhân nữa là giá đường sản xuất tại Việt Nam không cạnh tranh được với đường Thái Lan, nên một lượng lớn đường nhập lậu đang chiếm lĩnh thị trường.

Dù vậy, bộ Công thương vẫn đưa ra đề xuất: các nhà máy đường tạm ngừng nhập khẩu đến 30.6.2011, các doanh nghiệp thương mại thì chưa ký hợp đồng mới và giãn tiến độ hợp đồng đã ký, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất bánh kẹo trong nước ưu tiên sử dụng đường trong nước, cân nhắc việc nhập khẩu.

Lan Phương – Hoàng Bảy

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Tranh cãi gay gắt về tình hình cung ứng đường (13/05/2011)

>   Cắn răng, mất trắng vì làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc (13/05/2011)

>   Giá sữa thế giới giảm (13/05/2011)

>   Câu chuyện nhập siêu: Các điểm yếu cố hữu (12/05/2011)

>   Câu chuyện nhập siêu: Hai nguyên nhân chính (12/05/2011)

>   Tuần tới, EU thông báo sửa đổi ưu đãi thuế quan phổ cập (12/05/2011)

>   Kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ tăng gần 20% (12/05/2011)

>   Nhiều doanh nghiệp tính cắt giảm sản xuất và lao động (12/05/2011)

>   Chuẩn bị khởi công nhà máy gang thép Sơn La (12/05/2011)

>   Loay hoay “sáng kiến” dự trữ lưu thông thép, phôi (12/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật