Tuần tới, EU thông báo sửa đổi ưu đãi thuế quan phổ cập
Liên minh châu Âu (EU) đang có những sửa đổi đối với hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), theo đó có thể nhiều hàng hoá nhập khẩu từ những nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, sẽ không còn được hưởng ưu đãi như trước nữa.
Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, phái đoàn EU tại Việt Nam, hôm 11-5 cho biết, tuần tới EU sẽ ra thông báo liên quan đến thuế suất ưu đãi GSP, và có thể có một vài thay đổi lớn về ưu đãi GSP dành cho một số nước được xem là cường quốc đang nổi (emerging power), như Ấn Độ, Thái Lan.
Theo quan chức EU này, nhiều nước đã có trình độ phát triển tốt hơn, hàng hoá cạnh tranh hơn nhưng vẫn đang hưởng GSP của EU vốn dành cho những nước có trình độ phát triển và thu nhập người dân còn thấp.
“Các doanh nghiệp từ hai nước này (Ấn Độ, Thái Lan) hoạt động rất hiệu quả và họ đang được hưởng GSP của chúng tôi. Thái Lan đã thành công trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang EU. Thứ ba là Brazil. Tiếp theo là Bangladesh và Việt Nam. Các nhà sản xuất của Việt Nam cũng đã cải thiện, và Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình”, ông Jean Jacques Bouflet nói.
Ông Lê Kỳ Anh, chuyên viên kinh tế và thương mại thuộc phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng, hiện nhiều hàng hoá Việt Nam được hưởng GSP (tức được hưởng mức thuế suất bằng 0% hoặc thấp hơn quy định của WTO). Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh lớn tại thị trường châu Âu và có thể không còn đủ tiêu chuẩn để hưởng GSP, tức sẽ quay lại mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) áp dụng cho nước thứ ba, ông Lê Kỳ Anh cảnh báo.
Khi thay đổi lại GSP, EU sẽ tính đến thời gian chuyển đổi và tuân thủ cho các nước. EU sẽ thông báo với Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công Thương về thay đổi GSP trong thời gian tới.
Hiện ngoài hàng hoá thuộc mục XII của Việt Nam xuất vào EU (như giày dép, ô dù, túi xách,…), hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam đều được hưởng GSP khi xuất vào thị trường này. Trong đó, giày dép chỉ được hưởng mức MFN, tức 7,69% thay vì mức GSP 3,5-4%. May mặc vẫn được hưởng mức thuế ưu đãi GSP 9,6%, thay vì mức MFN 12%.
Ước tính trung bình khoảng 40% hàng hoá của Việt Nam vào EU được hưởng GSP, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là khoảng 60%. Hiện những sản phẩm Việt Nam xuất nhiều sang EU là dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, thủ công mỹ nghệ.
Theo hãng tin Bloomberg hôm 11-5, trong năm 2009, kim ngạch nhập khẩu của EU là 60 tỉ euro (86 tỉ đô la Mỹ), và có thể giảm xuống còn khoảng 38 tỉ euro nếu đề xuất của Uỷ ban châu Âu (EC) về việc bỏ thuế ưu đãi GSP cho các nền kinh tế đang nổi có tốc độ phát triển nhanh được thông qua. Theo đề xuất, số nước được hưởng ưu đãi GSP có thể giảm từ con số 176 nước như hiện nay xuống còn 80.
TBKTSG
|