Thuỷ điện nhỏ kêu cứu
Hàng loạt nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ ở Đắc Lắc đang đứng trước nguy cơ phá sản do giá mua điện của EVN quá thấp, lãi suất ngân hàng tăng cao và những bất hợp lý trong việc tính thuế tài nguyên nước...
UBND tỉnh Đắc Lắc cho rằng, nếu không được cứu kịp thời, các doanh nghiệp làm thuỷ điện vừa và nhỏ sẽ bị bóp chết.
Không có giá 916 đồng/kWh
Ông Phan Mưu Bính - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Hòa Long, chủ nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Ea Mđoan - cho biết: “Đối với các NMTĐ vận hành trước năm 2008 như Ea Mđoan, EVN căn cứ trên tổng mức đầu tư thuần, lãi suất ngân hàng thấp hơn hoặc bằng 11,5%/năm, thời gian hoàn vốn là 10 năm... để thỏa thuận mua điện với giá 400 - 607 đồng/kWh. Bây giờ lãi suất lên 20%/năm, nhưng giá mua điện của EVN vẫn giữ nguyên trong vòng 20 - 29 năm thì đương nhiên là chúng tôi chết”.
Tình cảnh của các NMTĐ ký hợp đồng bán điện cho EVN theo Quyết định 18/2008/QĐ - BCT về chi phí tránh được của Bộ Công Thương cũng không khá hơn. Giá điện bình quân theo quyết định này cao hơn chút đỉnh, nhưng chỉ đạt 650 - 700 đồng/kWh. Cũng theo quyết định 18/2008/QĐ - BCT thì trong 4 tháng mùa mưa, các NMTĐ chỉ được bán 85% công suất với giá 460 đồng/kWh, phần công suất còn lại nếu phát điện thì chỉ được mua với giá 230 đồng/kWh. Tính ra, lợi nhuận về mùa mưa không bù đắp được khoản thiếu hụt trong 8 tháng mùa kiệt nước.
Ông Trương Công Hồng - Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Đắc Lắc - phân tích: “Theo tính toán của Cục Điều tiết điện lực thì năm 2011, giá bán điện của các NMTĐ vừa và nhỏ cho EVN theo quyết định 18 đạt 916 đồng/kWh. Tôi cho rằng không có giá điện này trong thực tế”. Ông Hồng dẫn chứng: “Một NMTĐ có công suất 6MW, thời gian vận hành 5.000 giờ/năm thì tổng sản lượng điện cả năm là 30.240.000kWh, tổng doanh thu là 20.233.600.000 đồng. Như vậy, giá bán điện bình quân cả năm của NMTĐ này chỉ đạt 669 đồng/kWh chứ không phải 916 đồng”.
Bán điện giá thấp, nộp thuế giá cao
Theo quy định, thuế tài nguyên nước được tính bằng 2% trên giá bán điện. Như trên đã nói, giá mua điện bình quân của TCty Điện lực miền Trung chỉ từ 400 - 607 đồng/kWh đối với nhà máy vận hành trước năm 2008 và từ 650 - 700 đồng/kWh đối với nhà máy vận hành sau năm 2008. Nhưng các chủ NMTĐ phải nộp thuế tài nguyên nước theo giá bán điện bình quân của EVN - năm 2011 là 1.242 đồng/kWh - chứ không phải theo giá bán điện thực tế cho TCty Điện lực miền Trung.
Đại diện Cty CP đầu tư và phát triển Sông Đà (chủ NMTĐ Krông Kmar) còn cho biết, cả 9 NMTĐ vừa và nhỏ ở Đắc Lắc phải vay vốn thương mại, trong khi Nghị định 151/2006/NĐ - CP quy định các công trình thuỷ điện được vay vốn ưu đãi của ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất vay thương mại tăng từ 11,5% lên 18% trong năm 2008 khiến các NMTĐ đang xây dựng tăng vốn gấp đôi. Hiện lãi suất này leo lên mức 20%, khiến các doanh nghiệp thuỷ điện thêm khốn đốn mà điển hình là Cty TNHH Hoàng Nguyên. Doanh thu từ 3 NMTĐ (tổng công suất 15MW) của doanh nghiệp này là 45 tỉ đồng/năm, trong khi lãi vay ngân hàng lên tới trên 70 tỉ đồng/năm (nợ gốc 350 tỉ đồng).
Không chỉ Hoàng Nguyên, hầu hết các doanh nghiệp thuỷ điện khác cũng phải móc hầu bao vận hành nhà máy, doanh thu lại thấp hơn lãi ngân hàng, do vậy số nợ gốc ngày càng phình to.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực VN, UBND tỉnh Đắc Lắc kiến nghị điều chỉnh giá bán điện của các NMTĐ vừa và nhỏ bằng 80% giá bán điện bình quân của EVN và không phân biệt mùa mưa hay mùa khô, tính thuế tài nguyên nước bằng 2% giá điện thực tế bán cho TCty Điện lực miền Trung, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất quá cao như hiện nay. UBND tỉnh Đắc Lắc cho rằng, nếu không thực hiện các giải pháp cấp bách này, doanh nghiệp làm thuỷ điện vừa và nhỏ sẽ đổ bể.
H.V.Minh - D.T.Kiên
Lao động
|