Thứ Tư, 11/05/2011 14:19

Cơ hội liệu có vụt mất

Thị trường Mỹ đang rộng mở đối với các sản phẩm Việt Nam nhưng liệu các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội.

Giá của các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đang bị đội lên cao do chi phí trả cho công nhân trong các nhà máy của nước này ngày càng tăng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho một loạt hệ thống bán lẻ lớn tại thị trường Mỹ tìm cách chuyển sang nhập khẩu hàng từ những thị trường lân cận. Qua khảo sát, các hệ thống siêu thị bán lẻ của Mỹ nhận thấy rằng sản phẩm xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam có giá rẻ hơn so với Trung Quốc, nhưng số lượng sản phẩm vào được thị trường Mỹ còn rất ít. Vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã liên hệ với Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương Việt Nam) để đề nghị được trực tiếp mua hàng từ Việt Nam.

Cơ hội đi đường thẳng

Hai yêu cầu lớn nhất mà phía doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ quan tâm là năng lực sản xuất lớn và cam kết cung cấp lâu dài. Theo ông Trần Ngọc Trung, chuyên viên thuộc Vụ Thị trường châu Mỹ, hầu hết khách hàng muốn nhập sản phẩm Việt Nam là hệ thống siêu thị bán lẻ rất lớn. Điển hình là một hệ thống có khoảng 5.000 cửa hàng tại Bắc Mỹ, chưa từng nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam. Tổng giá trị nhập khẩu tại châu Á của các hệ thống siêu thị bán lẻ này lên đến 3 tỉ USD mỗi năm.

Sau khi Vụ Thị trường châu Mỹ đưa thông tin trên, có 30 doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục và sản phẩm mẫu để gửi cho các bạn hàng. Trong đó, 70% hồ sơ là của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, còn lại là doanh nghiệp nhựa, cao su và cơ khí. Hầu hết các doanh nghiệp này mới chỉ xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. Một số doanh nghiệp từng xuất khẩu sang Mỹ nhưng số lượng rất ít và chủ yếu xuất qua nhà nhập khẩu trung gian tại Mỹ.

Từ trước đến nay, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam thường phải qua nhà nhập khẩu thứ 3 khi vào Mỹ nên giá hàng xuất khẩu rất thấp. Thêm vào đó, khi sản phẩm bị lỗi, nhà bán lẻ thường bắt đền qua trung gian, làm doanh nghiệp Việt Nam mất thời gian và chi phí đền bù. Việc trực tiếp xuất khẩu vào siêu thị bán lẻ sẽ giúp các doanh nghiệp có được nhiều lợi thế hơn trong xuất khẩu với mức giá cao hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp sẽ được Vụ Thị trường châu Mỹ hỗ trợ về thông tin khách hàng và tìm hiểu yêu cầu của thị trường.

Nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như yêu cầu, phía đối tác sẽ xem xét đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm đồng đều và khả năng giao hàng đúng thời hạn mới đi đến quyết định cuối cùng.

Điểm yếu quá lớn

Rõ ràng, cơ hội xuất khẩu nhiều hàng sang Mỹ đang đến nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam bị nhiều hạn chế. Điểm hạn chế lớn nhất là năng lực sản xuất còn quá nhỏ. Đại diện một doanh nghiệp tại Mỹ chuyên nhập khẩu và phân phối hạt tiêu cho các nhà hàng lớn, cho biết đã phải đổi thị trường sau vài tháng làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông này, dù chất lượng tiêu của Việt Nam rất tốt nhưng ông vẫn phải chuyển sang nhập khẩu tiêu của Ấn Độ do doanh nghiệp Việt không thể cung cấp đủ hàng.

Vì sao sản phẩm của Việt Nam khó sang Mỹ trong khi chất lượng ngang bằng với nhiều loại sản phẩm của các nước khác. Nguyên nhân theo ông Trung, Vụ Thị trường châu Mỹ, đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên không đủ vốn đầu tư công nghệ để tăng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng lớn. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục đều có quy mô nhỏ và vừa. Còn các doanh nghiệp lớn lại chưa quan tâm đến vấn đề này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang sàng lọc đối tác, tìm kiếm doanh nghiệp có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được, họ sẽ chuyển sang những thị trường khác.

Với mục tiêu mở rộng thị trường và giữ lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam, Vụ Thị trường châu Mỹ đưa ra biện pháp trước mắt là xé lẻ đơn hàng để nhiều doanh nghiệp cùng kết hợp sản xuất cùng một mặt hàng, hoặc từ một mặt hàng đặt nhiều doanh nghiệp sản xuất để đáp ứng đủ số lượng theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, khi làm như vậy phải có sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành hàng để chất lượng sản phẩm đồng đều.

Theo đó, các hiệp hội sẽ chọn ra những doanh nghiệp có dây chuyền và năng lực sản xuất tương đồng để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thái Lan, Malaysia đã thực hiện theo mô hình liên kết này và rất thành công.

Mai Hân   

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Giá cà phê lên mức 51.900 đồng/kg (11/05/2011)

>   Sẽ kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh sữa nhập khẩu (11/05/2011)

>   “Buôn bán chính ngạch với Trung Quốc đang áp đảo” (11/05/2011)

>   Nhiều mặt hàng giảm giá (11/05/2011)

>   Vinamilk, NutiFood cam kết không tăng giá sữa bột (10/05/2011)

>   Hà Nội có thể bị cắt điện để sửa chữa đến 15/5 (10/05/2011)

>   Chưa thể có “giá thị trường” với điện, xăng dầu (10/05/2011)

>   Trung Quốc tăng 13% giá điện bán cho Việt Nam (10/05/2011)

>   Tái cơ cấu mặt hàng để giảm giá vốn (10/05/2011)

>   2,43 triệu USD phát triển năng lượng tái tạo ở VN (10/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật