Để giải quyết vấn đề nhập siêu
Nút thắt của nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay là chuyện nhập siêu, sau bốn tháng đầu năm đã lên đến gần 5 tỉ đô la, trong đó nhập siêu với Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất.
* Thuốc đặc trị nào cho 'căn bệnh' nhập siêu?
Hiện nay tỷ giá đang khuyến khích cho nhập siêu. Mặc dù nhân dân tệ đang tăng giá so với đô la Mỹ, nhà nhập khẩu vẫn hưởng lợi lớn khi hàng nhập về bán bằng tiền đồng sẽ có giá tăng (do lạm phát tiền đồng) nhưng tỷ giá lại được giữ “ổn định”.
Tình hình này khuyến khích mọi người nhập khẩu thay vì sản xuất hàng để bán trong nước. Chuyện nhập khẩu chèn lấn hàng sản xuất trong nước đang diễn ra ở khắp mọi ngành nghề chứ không chỉ là nhập máy móc, nguyên vật liệu. Các ý kiến sẽ tập trung làm rõ vấn đề nhập siêu và giải pháp để hạn chế.
Đồng tiền Việt Nam phá giá liên tục nhưng nhập siêu vẫn lớn và tiếp tục tăng. Thông thường đồng tiền mất giá có tác dụng làm tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu nhưng ở Việt Nam thì không thấy hiệu quả đó, ngược lại nhập khẩu vẫn tăng. Theo tôi, có hai nguyên nhân chính: một là sức cạnh tranh quá kém của hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, hai là chính sách và quản lý nhập khẩu không hiệu quả. Bao trùm lên hai nguyên nhân này là sự thiếu vắng tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý của quan chức các cấp.
Năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam quá yếu trong cả hàng công nghiệp và nông phẩm chất lượng cao. Điều này phản ảnh trong cơ cấu xuất và nhập khẩu.
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam gồm phần lớn sản phẩm nguyên liệu thô hoặc sơ chế và hàng công nghiệp chủ yếu dùng lao động giản đơn. Cơ cấu đó không thay đổi trong thời gian dài. Năm 2003, trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nông phẩm chiếm 25%, nhiên liệu (chủ yếu là dầu thô) 21%, vải và may mặc 20%. Ba nhóm hàng này chiếm tới 66% tổng xuất khẩu năm 2003 và đến nay vẫn không thay đổi bao nhiêu (năm 2008 tỷ lệ đó vẫn còn tới 63%). Các loại máy móc (gồm cả linh kiện, phụ tùng) là hàng công nghiệp chủ đạo trong mậu dịch tại vùng Đông Á, nhưng những mặt hàng này còn chiếm một tỷ trọng quá nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam (9% năm 2003 và 11% năm 2008).
Mặt khác, nhập khẩu tăng nhanh gây ra nhập siêu lớn vì các ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, hàm lượng nhập khẩu của hàng sản xuất cho xuất khẩu và cho tiêu dùng trong nước rất lớn. Đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp, hoạt động của doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn nên không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Đặc biệt áp lực của hàng công nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc rất mạnh. Tại Đông Á, Trung Quốc triển khai ngoại thương hàng ngang với các nước khác (cùng xuất và nhập hàng công nghiệp) trong khi với Việt Nam thì cơ cấu hàng dọc vẫn chưa thấy có chiều hướng thay đổi.
Tại sao công nghiệp Việt Nam không hội nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là tại vùng Đông Á? Chúng ta đã bàn quá nhiều trong nhiều năm qua, ở đây không nhắc lại nữa.
Về nông phẩm, nhu cầu về thực phẩm an toàn vệ sinh, chất lượng cao đang tăng nhanh trên thị trường Đông Á. Nếu biết tổ chức và có chính sách phát triển thích hợp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu. Nhưng tiềm năng đó chưa thành hiện thực. Thậm chí chỉ cần chọn lựa sản phẩm, sắp xếp theo kích cỡ, bao bì đẹp mắt, bảo quản tốt là xuất khẩu được.
Năm ngoái tôi đến sân bay Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, vừa ra khỏi khu vực lấy hành lý, thấy các cửa hàng chung quanh lối đi bày đầy hàng hoa quả như xoài, mận, chuối... xem thử thì thấy toàn là hàng nhập từ Thái Lan. Đọc báo đã biết Thái Lan triển khai ngay chính sách chớp thời cơ do Quy định đặc biệt Thu hoạch sớm (Early Harvest) của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc ASEAN trong đó Trung Quốc thực hiện trước việc tự do hóa nhập khẩu nông phẩm từ các nước ASEAN, bây giờ thấy rõ nỗ lực của Thái Lan đã đưa lại kết quả cụ thể.
Việt Nam cũng được hưởng quy chế này và trong nước cũng dư thừa các loại hoa quả đó, tại sao không xuất khẩu được sang Trung Quốc, mặc dù Việt Nam có lợi thế về địa lý hơn Thái Lan?
Một nghịch lý nữa là ngay tại thị trường trong nước, Việt Nam nhập cả chuối và nhiều loại rau quả khác từ Thái Lan, Philippines để bán tại các siêu thị, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng có thu nhập cao. Tại sao Việt Nam không cạnh tranh được trong cả các mặt hàng này ngay tại thị trường trong nước?
Buông lỏng quản lý nhập khẩu
Trong lúc nhập siêu tăng đến mức làm bất ổn trầm trọng nền kinh tế mà nhập khẩu hàng tiêu dùng cao cấp vẫn tăng. Như báo chí phản ảnh, “lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng đột biến trong bốn tháng đầu năm 2011”, “các siêu thị tràn ngập sữa, thịt, rượu bia, thuốc lá có nguồn gốc nhập khẩu”... Hiện tượng này thật khó hiểu.
Dù là thành viên của WTO, một nước đang trong tình trạng nhập siêu lớn, kinh tế đang gặp nguy cơ vẫn có thể áp dụng điều khoản tự vệ để hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng nhất định trong một thời hạn nhất định. Ngoài ra, Chính phủ có thể đánh thêm thuế tiêu thụ đặc biệt (cao đủ để hạn chế được nhập khẩu) đối với các mặt hàng tiêu thụ cao cấp nói trên.
Trách nhiệm và năng lực của quan chức
Đây là vấn đề lớn không thể bàn hết ở đây nhưng có thể nói đó là những nguyên nhân sâu xa làm cho Việt Nam không sản xuất được hàng có sức cạnh tranh và làm cho nhập khẩu hàng xa xỉ tiếp tục tăng.
Hàng nông phẩm thì như đã thấy, không đòi hỏi công nghệ cao cấp và vốn lớn vẫn có thể cạnh tranh được trên thị trường trong nước và nước ngoài nếu có sự quan tâm, yểm trợ của chính quyền địa phương. Muốn sản xuất lớn và cao cấp hóa nông phẩm và thực phẩm thì cần đến nỗ lực của chính quyền trung ương và địa phương hơn nữa.
Nhà nước cần đầu tư hạ tầng nông thôn (xây cơ sở tập trung nông phẩm, cơ sở bảo quản tồn kho, trung tâm giao dịch...), tổ chức kiểm tra nông dược tồn đọng trên sản phẩm thu hoạch, quản lý công nghệ và tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức hướng dẫn nông dân hoạt động sản xuất... Ngoài ra, Chính phủ còn có vai trò tìm kiếm thị trường và tổ chức cho nông dân tiếp cận thị trường, hướng dẫn nông dân lập các khế ước dài hạn với các công ty thương mại quốc tế.
Về công nghiệp, nếu lãnh đạo quan tâm thực sự đến nhập siêu và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì đã đưa ra các biện pháp thu hút các dự án FDI trực tiếp tăng năng lực cạnh tranh, và yểm trợ hoạt động của doanh nghiệp trong nước (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn đầu tư và ít thông tin về thị trường), và nhất là không ưu tiên vốn cho các tập đoàn đầu tư vào những lĩnh vực không hoặc ít liên quan đến hiệu quả tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tin tức thời sự không cho thấy các nỗ lực nói trên, ngược lại thấy những tin như Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo nâng mức giá trị xe con cho cấp bộ trưởng và thứ trưởng (theo báo Sài Gòn Tiếp Thị) (mở thêm dấu ngoặc: ở Việt Nam số người có cấp bậc tương đương bộ trưởng và thứ trưởng quá nhiều!). Trong lúc dân chúng đang khốn khổ vì cơn bão giá này, tại sao Bộ Tài chính lại có dự thảo này? Thái độ này mâu thuẫn với quyết định hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ và do đó quyết định, chính sách đó sẽ không thể có hiệu lực.
Trần Văn Thọ
tbktsg
|