XNK với thị trường Trung Quốc: Thận trọng trong thanh toán
Doanh nghiệp được khuyến cáo cần chủ động tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
"Đối với hợp đồng nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp (DN) cần thuyết phục đối tác thanh toán bằng L/C trả chậm 30 - 60 ngày kể từ ngày giao hàng hoặc thanh toán 20% bằng hình thức T.T (chuyển tiền qua điện tín). Giá trị còn lại của hợp đồng sẽ được thanh toán sau 30 ngày kể từ ngày nhận được hàng". Đó là chia sẻ của ông Đào Ngọc Chương, Phó vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) tại Hội thảo "Thị trường Trung Quốc, cơ hội cho DN Việt Nam" vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức đầu tuần này.
Chuyên gia từng là Tham tán thương mại tại Trung Quốc này lý giải rằng, sở dĩ phải thực hiện thận trọng như vậy bởi DN Việt Nam đã nhiều lần bị đối tác Trung Quốc giao hàng không đúng quy cách chất lượng theo hợp đồng. Các đối tượng này dùng thủ đoạn lừa đảo, như lập giấy chứng nhận phẩm chất, kiểm dịch động thực vật giả, để hoàn tất bộ chứng từ hợp lệ thanh toán qua ngân hàng theo phương thức L/C at sight (thanh toán ngay cho người hưởng lợi khi xuất trình đủ bộ chứng từ hợp lệ), rồi biến mất.
Còn đối với các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc, DN cần yêu cầu phía đối tác thanh toán ngay 30% giá trị hợp đồng bằng hình thức T.T, số còn lại thanh toán bằng L/C at sight. "Cần thực hiện như vậy để tránh tình trạng DN ký hợp đồng nhưng không mở L/C, trong khi DN Việt Nam đã ứng tiền mua nguyên liệu hoặc đã sản xuất một phần hàng của hợp đồng", ông Chương nói.
DN được khuyên không nên sử dụng hình thức thanh toán trả chậm, vì nhiều DN Trung Quốc đã lấy lý do chất lượng, quy cách sản phẩm không đúng hợp đồng để ép DN giảm giá hoặc chịu tổn thất bởi hàng đã nằm ở cảng đến.
Sở dĩ câu chuyện thanh toán trong hợp đồng thương mại được nhắc đến nhiều là bởi quy mô thương mại hai chiều giữa các DN hai bên đang tăng lên nhanh chóng.
Trung Quốc, thị trường của 1,3 tỷ dân, có chung đường biên giới dài 1.450 km, với 8 cặp cửa khẩu quốc tế và 13 cặp cửa khẩu chính, cùng nhiều cửa khẩu phụ và đường biên, là thị trường có tiềm năng đặc biệt lớn đối với DN Việt Nam. Với các hình thức mậu dịch phong phú mà Trung Quốc áp dụng, như tiểu ngạch, hàng đổi hàng, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước…, DN sẽ lựa chọn được nhiều phương án tiếp cận thị trường khổng lồ này.
Bà Lê Hoàng Anh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Trung Quốc đang cần rất nhiều sản phẩm từ Việt Nam. Đó là nông sản nhiệt đới, với mặt hàng cao su đang có xu hướng tiêu thụ tăng lên do ngành công nghiệp ô tô phát triển; mặt hàng hoa quả nhiệt đới; các loại hạt và gia vị (đào lộn hột, hạt tiêu, quế, hồi…); chè nguyên liệu, cà phê. Các mặt khác như đồ gỗ cao cấp, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… cũng đang có nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc, nhằm giảm dần chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước vốn đang có xu hướng doãng ra hiện nay.
"Với các mặt hàng thuộc nhóm nông sản, DN cần hoàn chỉnh các bước xây dựng kho tàng nhà xưởng, có hợp đồng thu mua ổn định, đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng và quảng bá thương hiệu... DN cũng lưu ý các cách tiếp cận thị trường này thông qua các hội chợ chuyên ngành tại Trung Quốc, thông qua danh sách các DN Trung Quốc được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hàng năm, qua các hiệp hội ngành hàng, các kênh phân phối vào siêu thị, tham gia bán buôn và chợ đầu mối…", ông Chương tư vấn.
Còn theo ông Trần Bá Cường, DN cần lưu ý các quy tắc xuất xứ trong Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), bởi giai đoạn hiện nay, quan hệ thương mại đang được chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch, nên khi có chứng nhận xuất xứ ưu đãi, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh hơn nhờ thuế giảm.
Duy Đông
đầu tư
|